Ấn Độ đóng cửa nhà máy điện do ô nhiễm không khí

17:29' - 18/10/2017
BNEWS Cơ quan kiểm soát và ngăn chặn ô nhiễm môi trường Ấn Độ đã đóng cửa một nhà máy điện chạy bằng than do chất lượng không khí giảm.
Nhà máy điện Badarpur. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ quan kiểm soát và ngăn chặn ô nhiễm môi trường Ấn Độ đã đóng cửa một nhà máy điện chạy bằng than và cấm sử dụng các máy phát điện chạy bằng diesl tại New Delhi do chất lượng không khí giảm mạnh tại thủ đô ngày 18/10, ngày bắt đầu lễ hội Diwali.
Hàng năm vào dịp lễ hội Diwali bầu không khí ở New Delhi ngột ngạt khói khi nông dân ở miền Bắc Ấn Độ đốt gốc rạ còn lại sau vụ thu hoạch và những người mừng lễ hội đốt pháo gây khói mù mịt.

Mùa Đông bắt đầu khiến tình hình càng trầm trọng do không khí lạnh giữ lại các chất gây ô nhiễm.

Cơ quan kiểm soát và ngăn chặn ô nhiễm môi trường Ấn Độ đưa ra quyết định trên do mức ô nhiễm PM2.5 trong không khí lên tới khoảng 200 microgam/m3, cao gấp 8 lần giới hạn an toàn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra.

Chủ tịch Cơ quan kiểm soát và ngăn chặn ô nhiễm môi trường Bhure Lal nhấn mạnh tình hình đòi hỏi phải có giải pháp mạnh và Delhi đang phải đối mặt với khó khăn thực sự mỗi mùa Đông, khi mức ô nhiễm không khí không kiểm soát được.

Cơ quan kiểm soát và ngăn chặn ô nhiễm môi trường cho biết nhà máy điện Badarpur có công suất khoảng 700 MW sẽ bị đóng cửa cho đến tháng 3/2018.

Theo dự kiến, nhà máy này sẽ đóng cửa vĩnh viễn vào tháng 7/2018 do Ấn Độ đang nỗ lực không dùng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nặng.

Cơ quan trên cũng cấm sử dụng các máy phát hiện chạy bằng diesel mà nhiều hộ gia đình giàu có sử dụng do tình trạng cắt điện thường xuyên tại Ấn Độ.

Các biện pháp này được đưa ra sau khi Tòa án tối cao Ấn Độ hồi đầu tháng này đưa ra lệnh cấm tạm thời việc bán pháo tại Delhi nhằm giảm mức ô nhiễm.

Năm 2016, mức PM2.5 (các hạt bụi nhỏ liên quan đến các bệnh viêm phế quản mạn tính, ung thư phổi và bệnh tim) - tăng vọt lên 778 trong những ngày sau lễ hội Diwali, buộc Tòa án tối cao báo động về sức khỏe cộng đồng.

Mức PM2.5 trong khoảng từ 301 đến 500 được xếp vào mức nguy hiểm.

Chính phủ Ấn Độ khi đó đã cho đóng cửa các trường học trong 3 ngày, cầm mọi hoạt động xây dựng trong 5 ngày để hạn chế bụi và tạm thời đóng cửa nhà máy Badarpur.

Một nghiên cứu của WHO năm 2014 đối với hơn 1600 thành phố đã xếp hạng Delhi là thành phố ô nhiễm nhất.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục