Ấn Độ: Chiến lược SVIMM trong chính sách Hành động hướng Đông

05:30' - 29/05/2019
BNEWS hính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ thường được viện dẫn như là sự nối tiếp của “Chính sách hướng Đông”, theo hướng hành động nhiều hơn và hướng đến kết quả cụ thể hơn.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bài viết đăng trên mạng tin Modern Diplomacy, Giáo sư Pankaj Jha - giảng dạy tại Trường các vấn đề quốc tế thuộc Đại học O P Jindal Global (Ấn Độ) - bình luận về vai trò của một số quốc gia Đông Nam Á trong chiến lược SVIMM (Singapore, Việt Nam, Indonesia, Myanmar và Malaysia) và tầm quan trọng của chiến lược này đối với chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ. Dưới đây là nội dung bài viết:

Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ thường được viện dẫn như là sự nối tiếp của “Chính sách hướng Đông”, theo hướng hành động nhiều hơn và hướng đến kết quả cụ thể hơn.

Có thể cảm nhận được hiệu ứng của sự thay đổi này này từ việc New Delhi ký kết các thỏa thuận đối tác chiến lược với Malaysia và Singapore cũng như đặt nền móng cho các sáng kiến mang định hướng kinh tế hơn, bao gồm thúc đẩy các công việc về dự án Đường cao tốc ba bên (Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan) sẽ hoàn tất vào năm 2020, và Hàng lang kinh tế Mekong - Ấn Độ (MIEC). Tất cả nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại và đầu tư.

Ấn Độ cũng sẵn sàng hạ thấp hàng rào thuế quan trong nỗ lực trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), nhiều khả năng sẽ được ký kết vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2020.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đặc biệt chú trọng đến các khía cạnh mang lại kết quả và đã công du nhiều quốc gia tham gia khuôn khổ này trong nhiệm kỳ của mình. Ông đã phê chuẩn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, Singapore và Malaysia, đồng thời cũng can dự với Indonesia một cách chủ động hơn thông qua những tương tác cá nhân với Tổng thống Indonesia Joko Widodo bên lề các diễn đàn quốc tế quan trọng.

Để theo đuổi các mục tiêu trong chính sách Hành động hướng Đông và can dự với những người chơi then chốt ở Đông Nam Á, Ấn Độ đã nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự tại quần đảo Andaman và Nicobar, bổ nhiệm cựu Tham mưu trưởng Hải quân, Đô đốc D K Joshi làm Phó Thống đốc vùng lãnh thổ này.

Rõ ràng, biện pháp như vậy nhằm nắm bắt đầy đủ tính hữu ích của Andaman và Nicobar như một tiền đồn và cũng để can dự đầy đủ với các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia nằm dọc sườn phía Tây của khu vực Đông Nam Á.

Ấn Độ đã kéo dài hai đường băng tại quần đảo này và xây thêm hai cầu tàu để cho những tàu lớn hơn neo đậu trong một khu vực có điều kiện môi trường không ổn định. New Delhi cũng đang triển khai các kế hoạch liên quan đến phát điện và phát triển kết nối số, nhằm hỗ trợ các ngư dân địa phương vốn là "tai mắt" của lực lượng hải quân.

Thủ tướng Modi đã áp dụng nhiều biện pháp để giúp các ngư dân gia tăng sản lượng đánh bắt ở vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên này và cũng để họ cung cấp thông tin liên quan hoạt động buôn lậu ma túy và vũ khí.

Ngoài việc củng cố Bộ chỉ huy Andaman và Nicobar và đẩy mạnh tương tác với các quốc gia Đông Nam Á, Ấn Độ thường xuyên tiến hành các cuộc diễn tập hải quân với Singapore cũng như thực hiện các chuyến thăm viếng cảng thường xuyên tới Malaysia, Indonesia, Singapore và Việt Nam trong thời gian qua với tần suất ngày càng lớn.

Trong khi đó, một khía cạnh còn lại trong quan hệ của Ấn Độ với những người chơi quan trọng khác ở khu vực Đông Nam Á như Philippines, Brunei, Lào, Campuchia ở mức thấp hơn nhiều.

Với Philippines, dù Ấn Độ và nước này đã ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng năm 2006, giữa hai bên không có nhiều tương tác hiệu quả do những hạn chế về cơ cấu từ phía Philippines liên quan đến trang bị.

Ấn Độ cũng lo ngại thực tế rằng việc can dự cùng lúc với cả Việt Nam và Philippines sẽ gióng lên hồi chuông báo động tại Trung Quốc liên quan đến ý đồ của Bắc Kinh ở Biển Đông, dù rằng Philippines đã trở nên quan trọng bởi một trong những kẻ chiêu mộ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Ấn Độ bị bắt tại Philippines.

Ấn Độ cũng cung cấp 500.000 USD để hỗ trợ Philippines trong các sáng kiến chống khủng bố ở quốc gia Đông Nam Á này.

Với Thái Lan, nước này đóng vai trò như một sự mở rộng tự nhiên của Ấn Độ, nhưng Thái Lan được xem như một người anh em Phật giáo và có nhiều mối liên kết về kinh tế và thương mại hơn, trong khi quan hệ quốc phòng chỉ mới tạo đà trong vài năm gần đây.

Như vậy, câu hỏi lớn hơn đặt ra là tại sao lại là chiến lược SVIMM (Singapore, Việt Nam, Indonesia, Myanmar và Malaysia) và vì sao Ấn Độ muốn theo đuổi chiến lược này để đáp ứng các mục tiêu chiến lược và kinh tế của mình.

Cả 5 quốc gia trong chiến lược SVIMM có mối tương quan chiến lược to lớn với Ấn Độ. Myanmar, láng giềng của Ấn Độ, đã ủng hộ New Delhi trong những năm qua trong các chiến dịch chống phiến quân. Lập trường mềm mỏng của Myanmar đối với các hoạt động truy quét phiến quân Ấn Độ tại Myanmar cho thấy hai nước đang có quyết tâm và mối quan hệ tốt đẹp.

Hơn nữa, Ấn Độ cũng phản ứng ở mức vừa phải tương ứng và không công khai chỉ trích vấn đề người tị nạn Rohingya cũng như hành động của Myanmar đối với một số nhóm người Rohingya có khuynh hướng khủng bố. Điều này cho thấy những hành động "có qua có lại" và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.

Với Singapore, đây là quốc gia bạn bè của Ấn Độ. Quan hệ kinh tế và chiến lược mà hai nước phát triển trong hai thập niên qua đã được tăng cường khi Thủ tướng Modi ký thỏa thuận đối tác chiến lược với Singapore, tạo đà quan trọng cho mối quan hệ vốn đang ngày càng phát triển.

Singapore cho các tàu Mỹ cập cảng tại căn cứ hải quân Changi và là đối tác chiến lược của Mỹ. Singapore đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ tham dự Đối thoại Shangri-La năm 2018 khi ông Modi trở thành Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên có bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn này.

Với Việt Nam, nước này đã nổi lên là một người chơi quan trọng và dù không phải là nền kinh tế quá tự do và cởi mở, Việt Nam vẫn được Ấn Độ công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ khi đàm phán với ASEAN lâm vào bế tắc năm 2009. New Delhi công nhận Việt Nam, một đối tác chiến lược và quốc phòng có giá trị, là nền kinh tế thị trường sau những cân nhắc phù hợp.

Chiến lược SVIMM có một số mục đích cố hữu theo quan điểm của Ấn Độ. Singapore, Malaysia và Indonesia là những người chơi liên quan đến an ninh eo biển Malacca và Ấn Độ muốn cung cấp thông tin và sự hỗ trợ cần thiết cho 3 nước này.

Trong khi đó, Myanmar rất quan trọng đối với Ấn Độ bởi các hoạt động chống phiến quân của New Delhi, và Myanmar cũng là cửa ngõ vào lục địa Đông Nam Á. Việt Nam có vai trò trọng yếu về các mục đích quốc phòng và hoạt động thăm dò khí đốt của Ấn Độ ở Biển Đông.

Hơn nữa, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia cùng chí hướng khác đã triển khai các dự án ở Myanmar, và Ấn Độ muốn đóng vai trò bổ sung và tham gia đối tác với các nước này để chống lại Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.

Indonesia đang là một động lực thúc đẩy xây dựng đồng thuận trong ASEAN về vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Điều này cũng gần với các tham vọng chiến lược của Ấn Độ. Indonesia đã tham gia BRI nhưng chưa có các dự án lớn từ Trung Quốc.

Chiến lược SVIMM sẽ củng cố vị thế của Ấn Độ trong khu vực Đông Nam Á, trong bối cảnh ba đối tác khác thuộc nhóm Bộ Tứ (Mỹ, Nhật Bản và Australia) cũng đang cho thấy những dấu hiệu triển khai các dự án hợp tác hình mẫu tại các nước trong khu vực để làm suy yếu sự hiện diện của Trung Quốc và chống lại BRI.

Hàng lang kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được đề xuất sẽ tích hợp các nền kinh tế Nam Á và Đông Nam Á. Và chiến lược SVIMM sẽ đóng vai trò như một cỗ máy thúc đẩy mục tiêu đó.

Ấn Độ muốn khởi động những sáng kiến mang lại kết quả cụ thể ở những nước nói trên trong các lĩnh vực nghiên cứu gen, công nghệ sinh học, liên doanh về sản xuất quốc phòng và hợp tác phát triển lưới điện, nâng cấp các mạng lưới truyền tải điện, đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo kỹ thuật cao và phát triển các sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Ấn Độ đã phóng các vệ tinh giá rẻ và hầu hết các nước này đang cần cơ sở phóng vệ tinh giá rẻ phục vụ cả mục đích dân sự lẫn quân sự.

Cuối cùng, năm quốc gia trên hết sức quan trọng trong kế hoạch chiến lược lớn hơn ở Đông Nam Á vì sở hữu các lực lượng vũ trang tương đối lớn và nền kinh tế đang tăng trưởng có thể đáp ứng các mục tiêu dài hạn của Ấn Độ.

Chặng dừng chân của Thủ tướng Modi tại Malaysia (nhân chuyến thăm đến Singapore) vào năm 2018 để hội đàm với người đồng cấp Mahathir Mohammad, nêu bật thực tế rằng Malaysia có vai trò quan trọng ở hiện tại và sẽ vẫn là như vậy trong tương lai. Cả hai nước đều sử dụng tàu ngầm Scorpene và máy bay Sukhoi-30. Cuộc đối thoại quốc phòng giữa hai bên đã giải quyết rất nhiều vấn đề.

Chiến lược SVIMM bao hàm nhiều thành tố hơn về kết nối, quốc phòng và kinh tế. Trong Kế hoạch Hành động Ấn Độ - ASEAN tiếp theo, điều đó cũng có thể được phản ánh trong các tài liệu chiến lược./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục