Agribank và VAMC phối hợp xử lý dứt điểm nợ xấu

10:46' - 28/10/2017
BNEWS Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho biết, ngân hàng này quyết tâm phối hợp tích cực cùng VAMC xử lý dứt điểm nợ xấu trong thời gian tới.
Chú thích: Agribank và VAMC ký kết thỏa thuận hợp tác về xử lý nợ xấu. Nguồn: Agribank

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ phối hợp chặt chẽ rà soát, đánh giá, phân loại các khoản nợ xấu; xây dựng lộ trình xử lý nợ cho từng năm, giai đoạn 2017- 2022; đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm đẩy nhanh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu.
Đây là nội dung nằm trong thỏa thuận hợp tác vừa được hai đơn vị ký kết về việc xử lý nợ xấu theo Nghị Quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội, Chỉ thị 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 06/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016- 2020 và Đề án tái cơ cấu Agribank giai đoạn 2.
Việc hợp tác này dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tận dụng được lợi thế, kinh nghiệm và nguồn lực của các bên trong lĩnh vực hoạt động, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu. Đồng thời, hai bên tạo điều kiện để tiếp cận và ưu tiên sử dụng các sản phẩm dịch vụ của nhau đảm bảo hiệu quả tối ưu và phù hợp với nhu cầu thực tế.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho biết, ngân hàng này quyết tâm phối hợp tích cực cùng VAMC xử lý dứt điểm nợ xấu trong thời gian tới, gắn xử lý nợ xấu với mục tiêu hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển nền kinh tế…
Quán triệt mục tiêu “dọn” nợ xấu nhanh, dứt điểm, gắn với việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh nên trong các phương án xử lý nợ của Agribank, có cả phương án chấp nhận giảm lãi suất để góp phần hỗ trợ khách hàng trả nợ.
Bên cạnh đó, Agribank phối hợp với VAMC và các đơn vị có liên quan triển khai một số chính sách động viên, khuyến khích khách hàng có nợ xấu, nợ đã bán cho VAMC, đã được ngân hàng xử lý rủi ro.
Theo đó, Agribank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về cùng một mức lãi suất cho vay của từng lĩnh vực, đối tượng khách hàng,... đối với các khoản nợ đã xử lý rủi ro.
Đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC mà khách hàng vay tại Agribank có lãi tồn đọng từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm 15/8/2017 (thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết 42), Agribank sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất theo các nội dung đã được VAMC ủy quyền, trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của khách hàng và khi khách hàng đáp ứng các điều kiện như: Khách hàng vay hợp tác tốt với VAMC và Agribank; có phương án trả nợ khả thi hoặc phương án cơ cấu lại tài chính, hoạt động khả thi; khách hàng vay thực sự khó khăn tạm thời về tài chính và việc giảm lãi suất của khoản nợ xấu góp phần giúp khách hàng vay giảm bớt khó khăn tài chính, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tính đến ngày 30/9/2017, Agribank tiếp tục dẫn đầu các ngân hàng thương mại về tổng tài sản, nguồn vốn đều đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 813.000 tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 73,9% tổng dư nợ và chiếm trên 51% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này.

>>>Nông dân được hỗ trợ khi vay vốn của Agribank mua sắm thiết bị nông nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục