65 năm EVN đồng hành cùng đất nước

10:27' - 21/12/2019
BNEWS Trong 65 năm qua, ngành điện lực Việt Nam đã phát triển vượt bậc, đến nay, tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Quốc gia khoảng 54.850 MW, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.
Tiếp nhận lưới điện áp nông thôn. Ảnh: Đức Dũng/TTXVN

Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, 65 năm qua (21/12/1954 - 21/12/2019), tập thể ngành điện đã gắn bó với nhân dân, đồng hành cùng đất nước cả trong chiến tranh, cũng như trong xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội.

Các thế hệ những người làm điện đã nỗ lực "giữ dòng điện như dòng máu của mình", đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử vĩ đại năm 1975. Đến nay, sức mạnh ấy vẫn tiếp tục được phát huy, bước vào giai đoạn mới, giai đoạn của hội nhập và kỷ nguyên số.
* Những bước tiến thần kỳ
Cách đây tròn 65 năm, ngày 21/12/1954, mặc dù bộn bề công việc sau hơn 2 tháng tiếp quản Thủ đô nhưng Bác Hồ đã về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ và Nhà máy điện Yên Phụ. Sự kiện này đã trở thành một mốc son lịch sử và ngày 12/10/2009 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1594/QĐ-TTg lấy ngày 21/12 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của ngành điện lực Việt Nam.
Trong 65 năm qua, ngành điện lực Việt Nam đã phát triển vượt bậc, từ chỗ chỉ có 31,5 MW công suất năm 1954, đến nay, tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Quốc gia khoảng 54.850 MW, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 23 thế giới về quy mô nguồn và lưới điện. Cơ cấu nguồn điện gồm đủ các loại hình thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, nhiệt điện dầu và các nguồn điện năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, điện sinh khối).
Bên cạnh đó, từ chỗ năm 1954, điện chỉ cung cấp cho các trung tâm thành phố và khu công nghiệp, đến nay, điện đã cung cấp cho 99,52% số hộ dân của cả nước với sản lượng điện thương phẩm năm 2019 đạt 210 tỷ kWh, mức sử dụng điện bình quân đạt 2.180 kWh/người/năm.
Đặc biệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đầu tư và cung cấp điện cho 11/12 huyện đảo; trong đó, các đảo có vị trí chiến lược trên biển như: Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn, Kiên Hải, Lại Sơn, Tiên Hải... đều được đầu tư cấp điện lưới Quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển. Ngành điện đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống sinh hoạt của nhân dân, góp phần duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta ở mức cao trong nhiều năm liên tục.
Những bước tiến thần kỳ của ngành điện lực Việt Nam còn được thể hiện qua việc xây dựng và đưa vào vận hành nhiều công trình điện trọng điểm mang tầm quốc tế và khu vực. Hệ thống lưới điện Quốc gia đã là một thể thống nhất, vươn tới mọi miền của đất nước với trên 8.200 km đường dây 500 kV, gần 17.500 km đường dây 220 kV, hơn 20.000 km đường dây 110 kV và 31 trạm biến áp 500 kV, 129 trạm biến áp 220 kV, 704 trạm biến áp 110 kV.
Tiếp nối thành công của đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1, sau 25 năm, hệ thống điện truyền tải đã có thêm mạch 2 và đang hoàn thiện phân đoạn cuối cùng của mạch 3 vào năm 2020, tạo nên trục truyền tải siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam hoàn thiện gồm 3 mạch với tổng chiều dài gần 4.000 km, kết nối vững chắc hệ thống điện toàn quốc, đáp ứng yêu cầu về độ an toàn và tin cậy. Lưới điện của Việt Nam cũng đã kết nối với lưới điện các nước láng giềng Trung Quốc, Lào và Campuchia ở các cấp điện áp từ 22 kV tới 220 kV.
Bên cạnh đó, nhờ thực hiện thành công nhiều giải pháp đồng bộ cải thiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN đã giảm từ 8,87% (năm 2013) xuống 6,39% (năm 2019). Tính cả giai đoạn 2013 - 2019, tỷ lệ tổn thất điện năng của EVN giảm được 2,48%, bình quân mỗi năm giảm 0,41% và đã tiệm cận với mức tổn thất điện năng của các nước phát triển.
Để có được thành công này, ngành điện lực nói chung, EVN nói riêng đã vượt qua nhiều khó khăn, huy động nguồn vốn khổng lồ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng dưới nhiều hình thức khác nhau cả trong và ngoài nước. Giai đoạn 2011 - 2015, giá trị khối lượng thực hiện vốn đầu tư của EVN đạt 481.561 tỷ đồng, bằng 2,36 lần so với giai đoạn 2006 - 2010; giai đoạn 2016 - 2019 ước đạt khoảng 482.000 tỷ đồng. Ngành điện tiếp tục dẫn đầu cả nước về tốc độ và quy mô đầu tư.
* Vươn đến đỉnh cao mới

Toàn cảnh thuỷ điện Lai Châu. Ảnh Đức Dũng/TTXVN

65 năm qua là chặng đường đầy gian nan, nhiều khó khăn thách thức nhưng cũng rất đỗi tự hào của ngành Điện lực Việt Nam. Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, mặc dù phải đối mặt với muôn vàn thử thách do nhu cầu sử dụng điện không ngừng tăng, trong khi thời tiết bất lợi với khô hạn kéo dài dẫn đến thiếu nước tại các hồ thủy điện, thiên tai, bão lũ bất thường, thiếu than, thiếu khí đốt, giá nguyên liệu đầu vào của sản xuất điện tăng cao, thu xếp vốn khó khăn,… song tập thể EVN đã không ngừng  nỗ lực, đoàn kết, trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn, vươn đến những đỉnh cao mới.
Với quá trình hình thành và phát triển 65 năm qua, hiện nay, ngành điện Việt Nam đã kịp thời tiếp cận với trình độ tiên tiến thế giới cả về khoa học công nghệ và khoa học quản lý. Điển hình như tiếp nhận công nghệ tuabin khí là công nghệ phát điện tiên tiến, xây dựng đường dây và các trạm 500 kV. Đây là tiền đề áp dụng khoa học công nghệ mới vào hệ thống điện Việt Nam, xây dựng nhà máy nhiệt điện than công nghệ cao, đồng thời đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Với quy mô hệ thống điện ngày càng lớn mạnh, công tác điều độ hệ thống điện cũng được hiện đại hóa, trang bị hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu. Đến nay, hàng trăm trạm biến áp 220-110 kV, lưới điện truyền tải và phân phối đã được tự động hoá, điều khiển và thao tác từ xa.
Các đơn vị cơ khí điện lực đã phát huy nội lực trong sản xuất, sửa chữa và chế tạo các thiết bị điện thay thế nhập khẩu, chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, tính cạnh tranh sản phẩm trong cơ chế thị trường ngày càng cao.
Hiện nay, cơ khí Điện lực Việt Nam đã đủ khả năng sản xuất các sản phẩm đòi hỏi trình độ công nghệ và độ chính xác cao như các máy biến áp 220 kV công suất đến 250 MVA, máy biến áp 3 pha 500 kV, công suất 467 MVA, đưa Việt Nam trở thành Quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chế tạo được máy biến áp 500 kV. Ngành còn tự chế tạo, lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công, kết cấu thép cho nhiều công trình thuỷ điện, nhiệt điện lớn, có tầm quan trọng Quốc gia.
Những năm gần đây, EVN đã được Tổ chức Hướng tới minh bạch đánh giá là một trong các doanh nghiệp nhà nước hàng đầu về minh bạch thông tin. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2019 của Việt Nam tiếp tục đà tăng điểm, đứng ở vị trí 27 trên tổng số 190 quốc gia/nền kinh tế.
Việt Nam hiện đứng thứ 4 khu vực ASEAN, riêng về số thủ tục và thời gian thực hiện của ngành Điện Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN. Đến nay, 100% các dịch vụ cung cấp điện năng của EVN có thể thực hiện đăng ký trực tuyến, tương đương với dịch vụ công mức độ 4.

Trong tháng 12 vừa qua, EVN cũng đã công bố cung cấp Hợp đồng điện tử, đây là hành động thiết thực mang đến cho khách hàng dịch vụ ngày càng thuận tiện. Và đây cũng là hành động thiết thực của ngành Điện nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống.
Hiện EVN đang tiếp tục triển khai nghiên cứu, phát triển các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực để sớm đưa EVN trở thành doanh nghiệp số…; đầu tư phát triển hệ thống điện đảm bảo đồng bộ và hợp lý từ sản xuất - truyền tải - phân phối kinh doanh điện năng.

Dự án điện mặt trời. Ảnh: Đức Dũng/TTXVN

Ngoài ra, từ năm 2020, EVN cũng hướng tới sẽ có 100% các trạm biến áp 110 kV và từ năm 2025 có 100% trạm 220 kV được điều khiển xa và không người trực; phát triển lĩnh vực tư vấn xây dựng điện của EVN có đủ năng lực thực hiện và đảm bảo chất lượng dịch vụ đối với tất cả các loại hình dự án điện, đặc biệt là các dự án năng lượng mới và tái tạo.

Đồng thời từng bước triển khai các hoạt động tư vấn xây dựng điện ra thị trường nước ngoài để mở rộng phạm vi và thị trường hoạt động, tạo cơ hội phát triển cho các đơn vị trong lĩnh vực tư vấn xây dựng điện của EVN…
Để ghi nhận những kết quả đạt được trong 65 năm qua, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý cho tập thể CBCNV, người lao động Tập đoàn Điện lực Việt Nam  như Huân chương Sao Vàng (năm 2004) vì đã có công lao to lớn đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1996) vì đã có nhiều công lao trong xây dựng, phát triển ngành Điện Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; Huân chương Hồ Chí Minh (lần thứ 2 năm 2014) đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Điện vì đã có công lao to lớn, có nhiều thành tích suất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc; Huân chương Lao động Hạng Nhất, Hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua cả nước xây dựng nông thôn mới, điện khí hóa nông thôn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục