Tương lai cải cách Liên minh châu Âu hậu Brexit

05:30' - 09/02/2020
BNEWS Trong khi phần lớn sự chú ý tập trung vào việc Anh rời EU có ý nghĩa gì đối với London, việc liên minh có trụ sở ở Brussels sẽ tự mình thay đổi như thế nào sau Brexit lại là chủ đề đáng quan tâm hơn.

 
Cờ Anh (phía trước) và cờ EU (phía sau) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London ngày 19/10/2019. Ảnh: THX/ TTXVN
Khi Liên minh châu Âu (EU) bước vào những tháng then chốt trong năm 2020, có ít nhất hai cuộc thảo luận quan trọng ở trong và ngoài khối về việc tương lai của EU sẽ như thế nào. Cuộc thảo luận thứ nhất liên quan đến việc tái cân bằng nội bộ và cải cách của EU. Cuộc thảo luận này giờ đây sẽ được tăng tốc.
 
Cho đến ngày 31/1 vừa qua, Anh vẫn là một thành viên của EU với tất cả các quyền lợi và quyền lực giống như bất kỳ nước thành viên nào khác trừ việc không được phép tham gia các cuộc thảo luận giữa các nước thành viên còn lại về cách thức xử lý các cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi EU. Điều này là có thể hiểu được.
 

Sau khi Anh rời khỏi, Brussels sẽ bắt đầu “hội nghị” kéo dài hai năm để thảo luận về tương lai của châu Âu, công cuộc kéo dài 2 năm nhằm cải cách khối này để “chìa tay ra với đa số người châu Âu im lặng, trao quyền cho họ và mang lại cho họ không gian để họ cất lên tiếng nói là việc làm thiết yếu đối với nền dân chủ của chúng ta”.

Khoảnh khắc then chốt trong tiến trình này sẽ diễn ra ở Dubrovnik, Croatia, nước hiện nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên của khối, vào ngày 9/5 - ngày châu Âu.

Các lĩnh vực cần tập trung tại “hội nghị” kéo dài hai năm này bao gồm việc làm thế nào để hiện thực hóa tốt nhất những tham vọng chính sách hàng đầu của EU như sự bình đẳng, biến đổi số và tăng cường các nền tảng dân chủ của EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cam kết sẽ bám sát và nhất trí với các vấn đề sẽ được thảo luận tại “hội nghị”, kể cả khả năng thay đổi hiệp ước.

Ngoài việc thảo luận về những vấn đề lớn này, còn có cải cách thủ tục quan trọng. Với việc một trong những nước thành viên lớn rút khỏi EU, tiến trình thay đổi là hết sức cần thiết, trong đó có việc tái cơ cấu ngân sách. Một cách rộng rãi hơn, trung tâm quyền lực của liên minh có thể thay đổi một cách đáng kể, với những kết quả chưa rõ ràng đối với đường hướng chính sách.

Đã có một số người bày tỏ lo ngại sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 rằng các nước thành viên lớn hơn có thể đạt được một thỏa thuận với nước Anh, báo hiệu sự thay đổi tiềm tàng khỏi các thể chế siêu quốc gia của EU tiến tới một liên minh được điều hành bởi các thể chế liên chính phủ. Mặc dù những lo ngại đó đã không trở thành sự thật, nhưng một loạt chính sách của EU có thể sẽ thay đổi đáng kể trong những năm tới, làm thay đổi nền kinh tế chính trị của liên minh này.

* Mở rộng liên minh
 
Anh đã thúc đẩy mở rộng EU, với việc bãi bỏ quy định và kinh tế thị trường tự do là tiêu chuẩn. Những nỗ lực này, chẳng hạn trong việc cân đối thuế, có thể đạt được tiến bộ mà không có Anh. Ngoài những vấn đề nội bộ quan trọng còn có cuộc tranh luận then chốt về chính sách đối ngoại, về vai trò của câu lạc bộ có trụ sở ở Brussels này trong một châu Âu phức tạp, đa cực hơn và thế giới.
 

Brexit đã tạo ra một cường quốc mới không thuộc EU ở Tây Âu và sự phát triển này đã làm thay đổi mối quan hệ của EU với các nước châu Âu khác không thuộc EU như Na Uy, Thụy Sỹ, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Lichtenstein và các nước không thuộc EU ở Balkans.

Mỗi nước đã phát triển quan hệ với EU mà, rõ ràng nhất là trong trường hợp Na Uy và Thụy Sỹ, ở mức độ ít hơn là Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine, với mục đích cuối cùng là có được tư cách thành viên EU hay ít nhất có quan hệ chặt chẽ hơn với EU.

 

Các nhà hoạch định chính sách ở các nước này đã sử dụng cuộc bỏ phiếu Brexit như một cơ hội để đưa ra vấn đề về tương lai các mối quan hệ của họ với EU. Đã có sự thảo luận có giới hạn về việc liệu Brexit có thể mở ra cơ hội cho một cuộc cải cách triệt để cơ cấu thể chế của châu Âu hay không, với đề xuất kêu gọi thiết lập “quan hệ đối tác lục địa” mới.

Tuy nhiên, những kế hoạch tham vọng này đã phai nhạt, một phần do sự phức tạp của các cuộc đàm phán về Điều khoản 50. Tuy nhiên, các kế hoạch này cũng cho thấy những cơ hội cho sự thay đổi trong tương lai.

 

Sự cải cách như vậy có thể là cần thiết không chỉ để đối phó với những thay đổi mà sự ra đi của nước Anh mang lại cho hoạt động địa chính trị của châu Âu, mà còn để đối phó với những xu hướng toàn cầu rộng rãi hơn mà Brexit chỉ là một trong những xu hướng đó.

Châu Âu cũng cảm nhận được sự thúc ép của các cường quốc khác nhau trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, và khu vực này cũng đang phải vật lộn với những sự gián đoạn về địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Sự đa cực mới này đã đem lại sự không chắc chắn lớn hơn cho châu Âu, và với Brexit làm cho nước Anh trở thành một cực khác, lĩnh vực địa chính trị trở nên phức tạp hơn nhiều.

Từ quan điểm của các nhà hoạch định chính sách ở các nước như Nga, nơi mà vấn đề chủ quyền và quyền lực cứng có ý nghĩa quan trọng, Brexit được coi là sự mất mát quyền lực đặc biệt đáng kể đối với EU.

Thế giới cũng đã quen với lịch sử lâu đời của châu Âu trong việc đấu tranh vượt qua những vấn đề nội bộ. Giai đoạn giành các nguồn lực và thời gian để đối phó với các vấn đề nội bộ có nghĩa là EU có thể bị xao lãng hơn khỏi các vấn đề quốc tế chủ chốt mà các nước khác đặt lên hàng đầu.

* Ba nhà nước
 

Ba nước đặc biệt sẽ có ý nghĩa then chốt đối với việc định hình Brexit diễn ra như thế nào thông qua bức tranh địa chính trị toàn cầu đang thay đổi của châu Âu và thế giới đa cực đang thay đổi nhanh chóng là Đức, Mỹ và Nga.

Các cường quốc khác như Pháp và Trung Quốc cũng sẽ tác động đến Brexit, nhưng chính những sự lựa chọn của ba nước kia -can dự, tận dụng hay phớt lờ - sẽ hình thành nên bối cảnh hoạt động chính trị của châu Âu và thế giới mà sự ra đi của nước Anh đã mở ra trong những năm 2020.

 

Brexit sẽ không chỉ xác định tương lai của EU, sự ra đi của nước Anh chỉ là một trong những thách thức đầu tiên mà liên minh này phải đối mặt, bao gồm sức ép trong mối quan hệ với Nga, tương lai của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và quan hệ với Mỹ.

Cách thức liên minh đối phó với những thách thức này sẽ không chỉ hình thành nên mối quan hệ trong tương lai của khối với Anh, mà còn quyết định vị trí rộng rãi hơn của khối này trên thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục