“Ốc đảo” cuối cùng tỉnh Trà Vinh hòa điện lưới quốc gia

21:07' - 12/12/2018
BNEWS Đây là công trình thứ hai có đường dây cáp ngầm vượt sông mà Công ty Điện lực Trà Vinh triển khai xây dựng trong năm 2018, sau công trình cấp điện cồn Phụng (xã Long Hòa, Châu Thành, Trà Vinh).
Công nhân Điện lực Cầu Kè đặt công tơ cho các hộ dân Cồn An Lộc. Ảnh: Mai Phương/TTXVN
Ngày 12/12, sau hơn 3 tháng triển khai, công trình cấp điện lưới quốc gia cho 146 hộ dân Cồn Bần Chát hay còn gọi là Cồn An Lộc (ấp An Lộc), xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè tỉnh Trà Vinh đã hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia.
Đây là công trình thứ hai có đường dây cáp ngầm vượt sông mà Công ty Điện lực Trà Vinh triển khai xây dựng trong năm 2018, sau công trình cấp điện cồn Phụng (xã Long Hòa, Châu Thành, Trà Vinh).
Công trình cấp điện Cồn An Lộc có tổng mức đầu tư trên 12 tỷ đồng, thực hiện bằng nguồn vốn vay của Tổng Công ty Điện lực miền Nam giao Công ty Điện lực Trà Vinh làm chủ đầu tư. Quy mô gồm: xây dựng đường dây trung áp 3 pha trên không 3,997 km; đường dây trung áp 3 pha ngầm hoá 0,722 km; đường dây hạ áp 3 pha trên không 5,564 km; 04 trạm biến áp với dung lượng 450 kVA, để cấp điện cho 146 hộ dân với hơn 720 nhân khẩu.
Công trình cấp điện Cồn An Lộc mang ý nghĩa dân sinh rất lớn, đáp ứng nguyện vọng, niềm mong mỏi của hàng trăm hộ dân sinh sống tại “ốc đảo” từ suốt nhiều năm qua.
Có điện lưới quốc gia về, ai nấy cũng đều vui mừng. Ông Nguyễn Văn Tài, 61 tuổi, chia sẻ, gia đình có trên 11 ha đất nông nghiệp trồng cây ăn trái (xoài, nhãn, chôm chôm…). Trước đây, canh tác tự nhiên, năng suất thấp và không ổn định. Nay đã có điện rồi, gia đình ông đã mua sắm mô-tơ, sử dụng máy bơm nước tưới tiêu, phun thuốc và cho cây ra trái nghịch mùa. Ngoài ra kết hợp nuôi thả cá trên ao, nuôi gà, thả lan trong vườn… hiệu quả kinh tế tăng gấp bội phần, đời sống người dân “ốc đảo” hy vọng sẽ đổi đời từ đây.
Điện lưới quốc gia đến đúng vào những ngày cuối cùng của năm 2018, chắc chắn giúp ích rất nhiều cho việc tăng diện tích trồng ăn trái đặc sản, trồng màu xen canh trên đất vườn, mở rộng diện tích nuôi tôm cá nước ngọt trên mảnh đất phù sa màu mở của “ốc đảo” này.
Bà Ngô Thị Lệ Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tân cho biết, Cù lao An Lộc là vùng đất thổ nhưỡng tốt, cây trái xum xuê và có nhiều loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, như: Xoài cát chu; nhãn da bò, xuồng vàng; chôm chôm… Có điện về, chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, để người dân tận dụng nguồn điện, phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình.
Công nhân Điện lực Cầu Kè đóng điện vận hành trạm biến áp An Lộc 2.Ảnh: Mai Phương/TTXVN
Mặt khác chính quyền địa phương sẽ kiến nghị cấp trên thành lập khu du lịch sinh thái vườn, góp phần phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng, an sinh trên “ốc đảo” này.
Những năm qua, ngành điện dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống điện ở khu vực nông thôn, góp phần thay đổi tập quán và quy mô canh tác, thâm canh, tăng năng suất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.
Nhiều công trình “Ý đảng, lòng dân”: kéo điện vượt Sông Tiền về 2 xã đảo cuối cùng của tỉnh (Hòa Minh và Long Hòa) và Sông Hậu cấp điện cho 2 ấp cù lao Tân Quy và Tân Quy 1 (An Phú Tân, huyện Cầu Kè); cấp điện cho các “ốc đảo”: cù lao Long Trị (Long Đức, thành phố Trà Vinh), cồn Phụng, cồn An Lộc, góp phần nâng số hộ sử dụng điện toàn tỉnh đạt trên 98,87%.
Ông Huỳnh Chí Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Trà Vinh chia sẻ, sau dự án này, theo kế hoạch và nguồn vốn sắp tới khi được cấp trên phê duyệt, Công ty Điện lực Trà Vinh tiếp tục triển khai các dự án: Cải tạo nâng cấp lưới điện phân phối tại các thành phố vừa và nhỏ của tỉnh Trà Vinh vay vốn Kfw-Giai đoạn 2 với tổng mức vốn đầu tư khoảng 111 tỷ đồng; Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia, tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2015-2020 do EVN làm chủ đầu tư, vốn đầu tư 307,7 tỷ đồng, để cấp điện cho khoảng 12.269 hộ dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục