Ngành ô tô Đức trước áp lực thuế quan từ Mỹ

05:30' - 20/03/2019
BNEWS Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét thuế quan đối với ô tô nhập khẩu, với lý do lo ngại an ninh quốc gia.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tại cuộc họp báo ở Hamburg, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Điều này có thể gây phương hại cho một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất của Đức và có thể mở ra một danh sách áp thuế mới trị giá 20 tỷ euro.

Nhìn lại bài phát biểu của Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Diễn đàn An ninh Munich (MSC) 2019, giới phân tích Đức đã nhận thấy những “phát súng” đầu tiên từ phía Đức bắn ra trong cuộc chiến thương mại. Thủ tướng Merkel thẳng thắn cho rằng “kế hoạch của Chính quyền Tổng thống Trump nhằm áp thuế đối với ô tô nhập khẩu của Đức vì an ninh quốc gia là rất đáng sợ”.

Sự thẳng thắn khác thường trong phát biểu của bà Merkel đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới và nguy hiểm trong quan hệ thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Một báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ đã nêu ra khả năng áp thuế 25% đối với hàng ô tô nhập khẩu từ châu Âu vì lý do an ninh quốc gia.

* Căng thẳng thuế quan 

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết họ không có kế hoạch hành động ngay lập tức. Mùa Hè năm ngoài Tổng thống Trump và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đã nhất trí một thỏa thuận tạm thời nhằm ngăn chặn nguy cơ chiến tranh thương mại. Hai bên đã thảo luận về điều khoản mới bao gồm hàng hóa công nghiệp cùng với các khía cạnh khác của thương mại EU-Mỹ.

Các biện pháp “an ninh quốc gia” càng cho thấy rõ sự lạnh nhạt mới trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo nêu trên, một số nhà ngoại giao châu Âu vẫn cho rằng Washington chưa quyết định chính thức. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phân tích hiện nay cho thấy hàng rào thuế quan mới của Mỹ là không tránh khỏi, có thể diễn ra sớm nhất là vào tháng Năm tới.

Theo nhà kinh tế Gabriel Felbermayr thuộc Viện Ifo Munich, thuế quan ở mức 25% có thể làm giảm một nửa ô tô xuất khẩu của Đức sang Mỹ, trị giá khoảng 18,4 tỷ euro.

Theo Giám đốc Viện Kinh tế Đức tại Cologne Michael Hüther, do lĩnh vực ô tô là ngành công nghiệp hàng đầu đối với nền kinh tế quốc gia, nên với tác động từ sự suy giảm lượng xuất khẩu sang Mỹ, giá trị của ngành ô tô Đức cũng sẽ giảm 5%, tương đương 7 tỷ euro. Ngoài ra, phải kể đến 40% tống số bằng sáng chế trong nước là từ ngành công nghiệp này.

Dù vậy, bà Merkel không đơn độc khi không đánh giá cao các yêu sách về an ninh quốc gia của Mỹ. Mặc dù các nhà sản xuất ô tô Đức chiếm khoảng 7% thị trường Mỹ (trong khi ô tô Mỹ chiếm khoảng 14% thị trường châu Âu) và cũng thống trị trong phân khúc cao cấp khi chiếm 40% thị trường, nhưng nhiều cái gọi là ô tô Đức trên thực tế được sản xuất tại Mỹ.

Trong vài năm qua, ngành công nghiệp ô tô Đức đã tạo ra 113.000 việc làm tại 300 nhà máy ở Mỹ. Khoảng 60% ô tô Đức do Mỹ sản xuất được xuất khẩu, chiếm 1/4 tổng số ô tô xuất khẩu của Mỹ.

Ý định áp đặt thuế quan cũng bị ngành công nghiệp ô tô Mỹ phản đối. Họ cho rằng chính sách này là hời hợt và không cần thiết, đồng thời đe dọa chuỗi cung ứng của ngành này. Rất nhiều linh kiện ô tô Mỹ được sản xuất tại Đức và ô tô Mỹ sẽ đắt hơn khoảng 6.000 USD nếu thuế quan 25% được áp đặt.

Nhiều lãnh đạo ngành công nghiệp ô tô Mỹ đã lên tiếng chống lại thuế quan, cho rằng không ai yêu cầu điều này và nó sẽ làm hỏng toàn bộ nền kinh tế Mỹ, đồng thời dẫn đến mất việc làm.

* Áp lực gia tăng

Từ phía châu Âu, nếu Mỹ áp đặt mức thuế như vậy, EC có thể ngừng các cuộc đàm phán thương mại, khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và áp dụng thuế quan đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất. Một danh sách các loại thuế quan trị giá khoảng 20 tỷ euro hàng năm đã được EU định hình và sẽ tập trung vào khu vực quốc nội, nơi hỗ trợ nhiều nhất cho Tổng thống Trump.

Danh sách này hiện nay vẫn chưa được công bố, nhưng giới phân tích cho rằng nó sẽ giống danh sách được hình thành trong các tranh cãi thương mại về thép và nhôm hồi năm ngoái, nghĩa là chúng sẽ liên quan đến các sản phẩm tương tự.

Tuy nhiên, việc áp thuế ngược lại với ô tô xuất khẩu của Mỹ sẽ phức tạp hơn vì nhiều công ty Đức sản xuất xe ở Mỹ sau đó được xuất khẩu sang châu Âu, ví dụ như dòng xe SUV cao cấp của BMW. Bất kỳ biện pháp thuế quan nào nhằm làm tổn hại các nhà sản xuất ô tô Mỹ sẽ cần phải được lựa chọn cẩn thận.

Thế giới vẫn hy vọng một cuộc chiến thương mại có thể được ngăn chặn. Chính quyền Tổng thống Trump được cho là đang chia rẽ về vấn đề này và Mỹ đã chìm trong căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Trong lĩnh vực này, châu Âu có thể là một đồng minh hữu ích cho Mỹ chống lại Trung Quốc.

Mặt khác, ông Trump có thể gây sức ép hơn nữa đối với châu Âu chỉ để cho Trung Quốc thấy rằng ông tập trung vào bảo hộ thương mại.

Những người trong ngành công nghiệp Mỹ đã trả lời truyền thông rằng gần như chắc chắn sẽ có thuế quan mặc dù không ai biết sẽ là loại nào. Giới lãnh đạo ngành công nghiệp ô tô Đức đã không đưa ra bất kỳ bình luận nào mà chỉ đơn giản nói rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra.

Năm 2018, ngành công nghiệp ô tô Đức đã phát động một chiến dịch thu hút bằng cách cử các Giám đốc điều hành (CEO) đến Nhà Trắng, nơi họ nhấn mạnh rằng các công ty của họ đóng góp cho cuộc sống của người Mỹ và cán cân thương mại.

Nhưng điều này có thể không đủ để ngăn chặn một cuộc chiến thương mại, sẽ gây tổn hại lớn tới các nhà sản xuất ô tô Đức thiếu các cơ sở sản xuất tại Mỹ, bao gồm cả Volkwagen và Porsche.

Các nhà nghiên cứu tại ISI Everscore cho rằng VW có thể mất 2,3 tỷ euro hàng năm do thuế quan, BMW và Daimler sẽ giảm khoảng 1,7 tỷ euro doanh thu hàng năm.

Nếu các biện pháp thuế quan của Mỹ được áp dụng, đó chỉ là một vấn đề nữa mà các nhà sản xuất ô tô Đức phải đối phó. Nhu cầu của Trung Quốc giảm và Brexit (Anh rời khỏi EU) đang gây ra tình trạng bất ổn trên khắp châu Âu. Ngành công nghiệp đang phải chịu áp lực đầu tư hàng tỷ USD vào xe điện và xe tự lái.

Trong trường hợp xấu nhất và thuế quan được áp đặt rộng rãi đối với ngành công nghiệp ô tô nói riêng và nền kinh tế Đức nói chung, tác động nghiêm trọng có thể được nhận thấy trong thời gian khá sớm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục