Hướng tới thị phần người thu nhập thấp

10:15' - 26/07/2019
BNEWS Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành cho biết yỷ lệ hàng Việt Nam trong các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi chiếm trên 90% tổng lượng hàng hóa.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị VinMart thuộc Trung tâm thương mại Vincom Lê Thánh Tông (Hải Phòng). Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN.
Cung ứng hàng Việt tại các siêu thị, tổ chức tháng khuyến mại, đưa hàng Việt về nông thôn là cách làm để Hải Phòng đưa hàng Việt chinh phục thị trường, đặc biệt là hướng tới thị phần người thu nhập thấp.

* Liên kết đưa hàng Việt vào thị trường

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 154 chợ, 10 trung tâm thương mại và 24 siêu thị cùng chuỗi gần 60 cửa hàng tiện ích, tiện lợi. Tỷ lệ hàng Việt Nam trong các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi chiếm trên 90% tổng lượng hàng hóa, tại các chợ tỷ lệ này đạt 65 - 70%.  Đây được xác định là điều kiện thuận lợi trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố.

Ngoài việc đẩy mạnh sản xuất tiêu thụ hàng Việt trên địa bàn, trong 10 năm qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng hỗ trợ trên 2.000 doanh nghiệp tham gia Hội chợ triển lãm trong và ngoài thành phố, tham gia hội nghị kết nối cung cầu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố như: các tỉnh trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nghệ An, Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La nhằm kết nối giao thương, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Hơn 5 năm trở lại đây, trên địa bàn thành phố tổ chức gần 130 hội chợ triển lãm; trong đó 95% hội chợ xuất phát từ chủ đề “Hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Hàng hóa trong hội chợ mang thương hiệu Việt có chất lượng tốt, mẫu mã phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của nhân dân. Quy mô bình quân từ 80 - 150 gian hàng/hội chợ. Số lượt người tham quan mua sắm trung bình từ 20.000 - 35.000 lượt người/hội chợ. Doanh số bán hàng ước đạt từ 2,5 - 3,5 tỷ đồng/hội chợ. Các mặt hàng tại hội chợ chủ yếu là hàng tiêu dùng, dệt may, giầy dép, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, hàng điện tử.

Hải Phòng tổ chức một số hội chợ chuyên đề về hàng Việt Nam chất lượng cao, đưa về các huyện của thành phố như: Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy với quy mô từ 30 - 40 gian hàng của 25 doanh nghiệp/hội chợ. Chương trình đã thu hút đông đảo người dân đến thăm quan, mua sắm và tạo được hiệu ứng tốt khi 100% các mặt hàng tham gia chương trình đều là hàng Việt Nam chất lượng cao của các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trên thị trường.

Các chương trình xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa được một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tích cực tham gia như: Công ty cổ phần Thương mại Minh Khai, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên CoopMart Hải Phòng, Siêu thị Big C Hải Phòng. Từ năm 2013 đến nay các doanh nghiệp trên địa bàn đã đưa 1.935 chuyến; trong đó chủ yếu sử dụng nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp.

Ngành công thương vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn hình thành các chuỗi cửa hàng bán hàng Việt bằng nguồn kinh phí doanh nghiệp như: Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Huy Quang với 9 cửa hàng bán thịt và các sản phẩm từ thịt, Công ty cổ phần Đầu tư thế giới sữa tại Hải Phòng mở 9 cửa hàng tự chọn về các sản phẩm sữa. Hệ thống siêu thị Vinmart mở chuỗi trên 60 cửa hàng tiện lợi Vinmart+ gắn với chương trình tự hào hàng Việt, được bố trí dọc trên các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn.

*Hướng đến thị phần người thu nhập thấp

Với các cách thức trên, Hải Phòng từng bước đưa hàng Việt Nam chất lượng tốt, giá phù hợp đến với người tiêu dùng. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, Hải Phòng cần có chiến lược, chính sách cụ thể hướng đến thị trường nông thôn và thị trường dành cho người có thu nhập thấp. Đây cũng là nhóm người tiêu dùng chiếm số đông của Hải Phòng (50% dân số vẫn sống ở nông thôn và khoảng 120.000 lao động đang làm ở các khu kinh tế, khu công nghiệp).

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng khuyến khích một số doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam giá phù hợp đến với người lao động trong các buổi hội chợ, song mỗi năm hoạt động này cũng chỉ diễn ra một lần trong khi nhu cầu sử dụng các mặt hàng thiết yếu của người lao động là hàng ngày.

Bà Nguyễn Bích Hòa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Minh Khai - một trong những đơn vị thường xuyên tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cho biết, tâm lý của người tiêu dùng ai cũng mong muốn tìm được hàng chất lượng tốt, giá cả phù hợp. Tuy nhiên, do điều kiện thu nhập, họ sẵn sàng mua hàng giá rẻ và không thể chọn lựa. Trong quá trình tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, Công ty cổ phần Thương mại Minh Khai đã liên kết với các đơn vị để giảm giá thành sản phẩm, đồng thời kết hợp tuyên truyền để người dân cân nhắc chọn lựa giữa các sản phẩm không rõ xuất xứ nguồn gốc giá rẻ với các sản phẩm hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, giá phù hợp.

Một số đơn vị cung ứng hàng tiêu dùng khác cũng có ý kiến tương tự. Các buổi đưa hàng về nông thôn của công ty đa số bị lỗ do người dân vẫn ưu tiên lựa chọn hàng giá rẻ. Nếu sản phẩm của một công ty uy tín đứng cạnh một sản phẩm không rõ nguồn gốc, phần lớn người dân sẽ chọn sản phẩm mẫu mã đẹp hơn, giá rẻ hơn.

Thêm nữa, trong sản xuất, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt chưa đồng đều. Một số doanh nghiệp không ổn định về nguyên liệu đầu vào dẫn đến sản xuất không ổn định, tác động đến giá thành sản phẩm và sức mua của người tiêu dùng.

Mới đây, trong cuộc tổng kết 10 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đánh giá, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tác động tích cực đến việc thay đổi tâm lý, thói quen của người tiêu dùng trong sử dụng hàng Việt. Qua đó góp phần thúc đẩy tiêu thụ, giúp doanh nghiệp có động lực, tiềm lực cải tiến sản phẩm, sản xuất quy mô để tạo ra sản phẩm ngày càng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng còn nêu một số nhiệm vụ các ban, ngành liên quan của thành phố cần thực hiện như, quán triệt và triển khai tốt văn bản, chỉ thị của Trung ương. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp tích cực hưởng ứng cuộc vận động. Các cơ quan trên địa bàn thành phố tiếp tục rà soát để mua sắm trang thiết bị phục vụ hành chính công bằng sản phẩm Việt Nam. Thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục