"Đòn bẩy" giúp phụ nữ thoát nghèo và kinh doanh hiệu quả

11:06' - 25/09/2018
BNEWS Với điều kiện vay vốn đơn giản, không cần tài sản thế chấp, cấp và nhận vốn ngay tại nơi người dân sinh sống, tài chính vi mô được xem như một “đòn bẩy” hữu hiệu nhằm tăng cường sự tự tin của phụ nữ.

"Thực tiễn cho thấy với điều kiện vay vốn đơn giản, không cần tài sản thế chấp, cấp và nhận vốn ngay tại nơi người dân sinh sống, tài chính vi mô được xem như một “đòn bẩy” hữu hiệu nhằm tăng cường sự tự tin của phụ nữ, thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và thoát nghèo, từ đó khẳng định vai trò và vị thế của họ trong gia đình và xã hội".
Nhận định trên được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh đưa ra tại Hội thảo "Tài chính vi mô hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo tại Việt Nam" vừa diễn ra sáng 25/9, tại Hà Nội.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Cũng theo Phó Thống đốc, hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam từ lâu đã được biết đến là một bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống tài chính và là một trong những công cụ xóa đói giảm nghèo hữu hiệu. Khách hàng chủ yếu của tài chính vi mô là nhóm dân số có thu nhập thấp, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ.
Theo số liệu thống kê, trong những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giảm từ mức 9,88% năm 2015 xuống còn 6,7% vào năm 2017 đi cùng với sự gia tăng thu nhập mạnh mẽ đối với các hộ gia đình ở mọi mức thu nhập.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại trong hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam như hoạt động khá manh mún, sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng, các chỉ số bền vững hoạt động và tài chính của các tổ chức tài chính vi mô chưa cao, đặc biệt khuôn khổ pháp lý vẫn còn chưa toàn diện, thống nhất...
Hơn nữa, công tác tư vấn, hỗ trợ, giáo dục về quản lý tài chính cho khách hàng tài chính vi mô nói chung và cho phụ nữ trong hộ gia đình nói riêng vẫn còn khiêm tốn. Những hạn chế này sẽ tác động không tốt tới cơ hội phát triển kinh tế lâu dài của hộ gia đình; trong đó có những người phụ nữ.

ThS. Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN). Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, ThS. Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) nhấn mạnh, cho vay vốn không chỉ là cung cấp nguồn vốn cho người nghèo mà còn cần đưa ra định hướng, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh, "đưa cho người nghèo cần câu, dạy họ câu, câu được cá còn cần dạy họ bán được cá".
Cùng quan điểm trên, ông Trần Thanh Long, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Phân viện Phú Yên (Học viện Ngân hàng) cho biết, nguồn vốn tài chính, nguồn vốn xã hội và nguồn vốn con người là 3 nhu cầu cơ bản nhất của khách hàng có thu nhập thấp. Trong đó, để có được nguồn vốn con người chất lượng thì giáo dục tài chính đóng vai trò rất quan trọng.
Theo ông Long, giáo dục tài chính cá nhân giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo an toàn nguồn vốn cho vay và biết cách tự bảo vệ mình, phát hiện, ngăn chặn các sai phạm của các tổ chức trung gian tài chính...
Tại Việt Nam hiện nay, các chương trình giáo dục tài chính đã được triển khai tuy nhiên ông Long đánh giá, nhiều chương trình chưa hướng đúng đến nhu cầu của đối tượng khách hàng cần vay vốn mà mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp các kiến thức cơ bản và giới thiệu sản phẩm của tổ chức, ngân hàng...
Từ thực tế trên, ông Trần Thanh Long đề xuất để sử dụng các khoản vay hiệu quả, đối tượng phụ nữ tham gia vay vốn cần được đào tạo về tài chính vi mô trước khi vay. Mặt khác, cần xây dựng một đội ngũ giảng viên nguồn và các tuyến đào tạo phù hợp về tài chính vi mô cũng như những tài liệu đào tạo phù hợp với từng đối tượng khách hàng vay vốn. Hơn nữa, một chiến lược đào tạo giáo dục tài chính cá nhân dài hạn là điều rất cần thiết.

Bà Phạm Minh Trâm, đại diện Tổ chức tài chính vi mô Tình thương (TYM). Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, bà Phạm Minh Trâm, đại diện Tổ chức tài chính vi mô Tình thương (TYM) cho rằng việc hỗ trợ người nghèo không chỉ dựa vào vốn vay mà còn cần đào tạo, nâng cao năng lực cho người đi vay. Thêm vào đó, sản phẩm cần được thiết kế đúng nhu cầu, đáp ứng khả năng chi trả của các thành viên vay vốn. Đặc biệt, các tổ chức tài chính vi mô phải cân bằng được hiệu quả kinh tế - xã hội và thực hiện tốt nguyên tắc bảo vệ khách hàng.
Hoạt động trên 13 tỉnh thành, phục vụ cho vay khoảng 148.000 phụ nữ; trong đó có 2.000 thành viên dân tộc thiểu số, dư nợ vốn hiện nay của TYM trên 1.300 tỷ, dư nợ tiết kiệm hơn 1.000 tỷ đồng và tỷ lệ hoàn trả gần 100%. TYM đã hỗ trợ trên 120.000 phụ nữ thoát nghèo, 7.000 thành viên trở thành nữ doanh nghiệp.../.

>>> Trên 3,5 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn ưu đãi học tập

>>> Mô hình tổ vay vốn giúp hàng nghìn hội viên thoát nghèo, làm giàu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục