“Cơn khát thuế quan” của Tổng thống Mỹ lan đến châu Âu

13:10' - 03/10/2019
BNEWS Các cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xướng đang có những ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế thế giới, trong đó có kinh tế châu Âu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

The Economist, Reuters (Washington 3/10): Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 2/10 đã chấp thuận để Mỹ đánh thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 7,5 tỷ USD từ Liên minh châu Âu (EU), liên quan đến chính sách trợ cấp trái phép mà Brussels dành cho Airbus.

Những khoản trợ cấp này được cho là đã gây thiệt hại lớn cho “gã khổng lồ” Boeing của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tòa án trọng tài của Tổ chức Thương mại Thế giới đã ra phán quyết rằng Mỹ chịu thiệt hại tương đương gần 7,5 tỷ USD/năm từ các khoản cho vay ưu đãi của Chính phủ các nước châu Âu dành cho dòng máy bay A350 và A380 của Airbus.

Trước đó, Washington đã yêu cầu được phép đánh thuế lên đến 100% đối với lượng hàng hóa của châu Âu có giá trị 11,2 tỷ USD.

Đây là lần trả đũa có giá trị thiệt hại lớn nhất mà WTO từng thông qua. Một quan chức cấp cao tại Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) thậm chí còn gọi đây là một chiến thắng lịch sử.

* Cuộc đối đầu dai dẳng…

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và châu Âu trong vấn đề này đã diễn ra khá dai dẳng. Vào tháng 10/2014, Washington đã phàn nàn với WTO về những khoản vay dễ dàng mà EU đã cấp cho Airbus.

Đến tháng 6/2015, EU trả đũa bằng cách đệ đơn khiếu nại về những tác hại đối với Airbus từ các khoản trợ cấp của Boeing, được thực hiện dưới hình thức giảm thuế và những hợp đồng hào phóng với Bộ Quốc phòng Mỹ.

Trong bối cảnh đó, WTO đã ra phán quyết bất lợi cho cả đôi bên, buộc mỗi bên phải thực hiện một số điều chỉnh. Tuy nhiên, cả Washington và Brussels đều không hài lòng với phán quyết này.

WTO ngày 2/10 đã chấp thuận cho Mỹ đánh thuế đối với lượng hàng hóa của EU trị giá 7,5 tỷ USD.

Quyết định của WTO được đưa ra khi đơn khiếu nại của EU vẫn đang được xem xét và nhiều khả năng trong khoảng 8 tháng tới, WTO sẽ phải cho phép EU áp thuế tương tự đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa.

Ở góc nhìn lạc quan, có thể coi đây là quyết định dựa trên các quy tắc thương mại đa phương của WTO, trong đó cả Mỹ và châu Âu đều chỉ sử dụng những kênh thích hợp để nhận phán quyết chính thức chứ không hề đối đầu trực tiếp.

Tương tự, Washington có thể biện minh rằng thuế quan đối với EU không phải là sự bắt nạt đơn phương, mà đứng sau nó là cả một cơ chế thực thi quốc tế, và rằng những động thái như thế này có thể diễn ra dưới thời bất kỳ Tổng thống nào.

* … phản ánh những lỗ hổng của WTO…

Tuy nhiên, các phân tích sâu hơn lại chỉ ra rằng sự kiện này phản ánh tính chất dễ tổn thương của hệ thống các quy tắc đa phương, mà trong trường hợp này là WTO. Với những lĩnh vực đặc thù như chế tạo máy bay, trợ cấp là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, thay vì thiện chí bỏ qua cho nhau, cả Mỹ và EU lại chọn cách đối đầu và đưa ra những đối sách “ăn miếng trả miếng” nhằm gây cản trở tiến trình đàm phán. Thậm chí, những đề xuất từ phía EU gửi tới Mỹ cũng đã bị phớt lờ.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chắc chắn sẽ không chần chừ để hiện thực hóa các quyết định của WTO.

Điều đó có nghĩa là EU có thể sẽ phải chịu thuế quan bắt đầu từ ngày 18/10 tới đây. Các mức thuế sẽ lần lượt là 10% đối với máy bay và 25% đối với hàng hóa nông, công nghiệp.

USTR đã tham khảo danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ EU trị giá hơn 25 tỷ USD vào năm ngoái và vì thế, cơ quan này sẽ có rất nhiều lựa chọn.

Theo thông tin từ USTR, các mức thuế sẽ nhắm mạnh vào bốn quốc gia trụ cột hỗ trợ cho tập đoàn Airbus, bao gồm Pháp, Anh, Đức và Tây Ban Nha. Như vậy, các mặt hàng gồm ô liu Tây Ban Nha, áo len và đồ len của Vương quốc Anh, các sản phẩm công cụ và cà phê của Đức, cũng như rượu whisky của Anh và rượu vang Pháp đều sẽ bị áp thuế.

Phô mai của gần như mọi quốc gia EU cũng phải chịu mức thuế 25%, ngoại trừ rượu vang và dầu ô liu của Italy cùng với sôcôla châu Âu.

Tuy nhiên, Washington sẽ không áp thuế lên các bộ phận máy bay do EU sản xuất được sử dụng trong hoạt động lắp ráp tại nhà máy của Airbus đặt tại bang Alabama, hoặc những bộ phận được sử dụng bởi Boeing, nhằm bảo vệ việc làm trong lĩnh vực chế tạo tại Mỹ.

Ngoài ra, điều đáng nói là ngay cả khi một sản phẩm không có trong danh sách, sản phẩm đó vẫn có thể bị ảnh hưởng vì phía Washington lưu ý rằng đây chưa phải là danh sách cuối cùng, các mặt hàng vẫn có thể được nhấc ra hoặc đưa vào theo thời gian.

Có thể thấy quy mô và phạm vi của việc áp thuế quan đã giảm đáng kể so với danh sách 25 tỷ USD hàng hóa mà Washington từng tung ra vào đầu năm nay.

Một nguồn tin quen thuộc với USTR cho biết Washington đã “cố tình” không sử dụng toàn bộ quy mô trả đũa được WTO chấp thuận để thúc đẩy EU ngồi vào bàn đàm phán.

Dù vậy, động thái này cũng đi kèm với một cảnh báo rõ ràng rằng Mỹ có thẩm quyền tăng thuế bất cứ lúc nào hoặc thay đổi các sản phẩm bị ảnh hưởng. USTR cũng cho biết họ sẽ liên tục đánh giá lại các mức thuế này dựa trên các cuộc thảo luận với EU.

Cũng trong ngày 2/10, bà Cecilia Malmström, Ủy viên phụ trách thương mại của EU, đã đưa ra tuyên bố rằng EU từng đề xuất giải quyết tranh chấp này vào tháng Bảy.

Dù WTO đã đưa ra phán quyết có phần bất lợi, EU vẫn sẵn sàng cùng hợp tác với Mỹ để tìm một giải quyết công bằng.

Tuy nhiên, nếu Mỹ quyết định áp dụng các biện pháp thuế nêu trên, Washington sẽ đẩy Brussels vào tình huống không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra những biện pháp tương tự.

* … và khiến kinh tế thế giới phải trả giá

Các chuyên gia cho rằng có lẽ sự khác biệt sẽ chỉ được thu hẹp sau khi WTO trao quyền để EU đáp trả Mỹ vào khoảng 8 tháng tới.

Và có lẽ sau khi đã được “thỏa cơn khát” về thuế quan, Tổng thống Trump sẽ từ bỏ những lời đe dọa tiếp tục áp thuế riêng biệt đối với các sản phẩm ô tô và phụ tùng của châu Âu - những sản phẩm vốn không nằm trong danh sách thuế quan liên quan đến Airbus.

Dù vậy, không thể loại trừ khả năng tranh chấp thương mại giữa hai bên sẽ trở nên gay gắt hơn khi Washington đang cố gắng ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán vào tòa phúc thẩm của WTO.

Rõ ràng, nếu một trong hai bên đưa ra một động thái khiến bên kia cảm thấy bị vi phạm, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn.

Trước khi các mức thuế được áp dụng, Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của WTO sẽ phải chính thức thông qua báo cáo của các trọng tài.

Thủ tục này được dự đoán sẽ mất từ 10 ngày đến 4 tuần. Cuộc họp tiếp theo của cơ quan này dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 28/10, nhưng Washington có thể yêu cầu một cuộc họp đặc biệt 10 ngày sau khi báo cáo của trọng tài được công bố, tức là việc thông qua cuối cùng có thể diễn ra sớm nhất là vào ngày 12/10.

WTO cho rằng cả Airbus và Boeing đều đã nhận được hàng tỷ USD trợ cấp trong vụ tranh cãi thương mại lớn nhất trên thế giới ở cấp độ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Washington được phép đánh thuế trước vì vụ kiện của nước này diễn ra trước chín tháng. WTO được dự đoán sẽ đưa ra quyết định về quyền trả đũa của EU liên quan đến trợ cấp của Mỹ dành cho Boeing vào đầu năm 2020.

Mặc dù Chính quyền của Tổng thống Trump đã hoan nghênh quyết định trên và gọi đây là "chiến thắng lớn, nhưng giới quan sát cho rằng đây không phải là lúc để ăn mừng.

Việc áp thuế cao như vậy sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải chi trả nhiều hơn cũng như trở thành lực cản đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy Washington miễn áp thuế lên các bộ phận máy bay do EU sản xuất được sử dụng trong hoạt động lắp ráp tại nhà máy của Airbus đặt tại bang Alabama, hoặc những bộ phận được sử dụng bởi Boeing, song vẫn còn nhiều hãng hàng không khác phụ thuộc vào những bộ phận này.

Trong khi đó, EU cũng sẽ không “ngồi yên chịu trận”. Họ đã lên tiếng đe dọa sẽ áp thuế đối với 4 tỷ USD hàng hóa Mỹ nếu Tổng thống Trump quyết định áp thuế như dự kiến.

Thậm chí, nếu EU thắng thế trong vụ kiện chống lại Boeing, họ còn có thể được phép đưa ra những biện pháp đáp trả tốn kém hơn nữa.

Bên cạnh các động thái cũng như những tác động từ việc “ăn miếng trả miếng” thuế quan, tranh chấp giữa hai bờ Đại Tây Dương có thể gây thiệt hại sâu sắc hơn nữa cho mối quan hệ thương mại trị giá 1.300 tỷ USD giữa hai bên, từ đó gây thiệt hại cho tất cả những bên liên quan.

Các cuộc thảo luận về một thỏa thuận thương mại tự do mới giữa Mỹ và EU - vốn đã trong tình trạng đình trệ - có thể bị hủy hoại nghiêm trọng hơn.

Các hoạt động hợp tác khác giữa hai bên - như gây áp lực buộc Trung Quốc cải cách các quy định hoặc cải tổ hệ thống thương mại toàn cầu - chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Và căng thẳng giữa các đồng minh sẽ leo thang một cách không cần thiết.

Nhìn rộng hơn, các cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump đề xướng đang có những ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế thế giới.

Báo cáo do WTO công bố hồi đầu tuần này dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ giảm tốc xuống còn một nửa so với dự báo hồi tháng Tư.

Hồi tháng trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cảnh báo rằng xung đột thương mại leo thang đang gia tăng sức ép lên niềm tin và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, làm dấy lên những bất ổn về chính sách, gia tăng rủi ro trên thị trường tài chính và gây nguy hiểm cho triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Với nỗi lo sợ suy thoái đang mạnh lên từng ngày, một trận chiến thương mại tốn kém khác giữa Mỹ và châu Âu không phải là điều thế giới mong đợi lúc này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục