“Chương trình quốc gia” giúp Việt Nam thực thi chính sách theo chuẩn OECD

18:57' - 01/04/2019
BNEWS Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chương trình quốc gia sẽ giúp Việt Nam thực thi chính sách theo chuẩn của OECD về xây dựng thể chế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp ông Andrea Schaal. Ảnh: Dương Giang - TTXVN 

Chiều 1/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp ông Andreas Schaal, Giám đốc Ban quan hệ toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD.

Hiện OECD và các bộ, ngành của Việt Nam đang triển khai các thủ tục, hành động cụ thể để sớm hoàn thành Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều của Việt Nam trong năm 2019.
Ông Andreas Schaal cho biết, Báo cáo đánh giá đa chiều của OECD sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam xây dựng các thể chế về đầu tư, công nghệ cao, phát triển bao trùm và phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đánh giá đa chiều, OECD mong muốn Việt Nam tham gia vào Chương trình quốc gia mà tổ chức này đang triển khai, trong đó có nhiều nội dung Việt Nam đang quan tâm về xây dựng chính sách thuế, phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực theo các tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Báo cáo đánh giá đa chiều của OECD sẽ là căn cứ quan trọng để Chính phủ Việt Nam tham khảo nhằm hoạch định chính sách chiến lược cho giai đoạn 10 năm 2021- 2030 và hướng tới năm 2045.

Hoan nghênh OECD mời Việt Nam tham gia vào Chương trình quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá đây là chương trình cần thiết đối với Việt Nam, là bước hợp tác với các nội dung rộng hơn nhưng có tính tiếp nối chương trình Đánh giá đa chiều.

Chương trình quốc gia sẽ giúp Việt Nam thực thi các chính sách đang triển khai, hướng theo chuẩn của OECD về xây dựng thể chế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.
Ngoài các lĩnh vực mà OECD đề cập trong Chương trình quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị OECD bổ sung hỗ trợ Việt Nam xây dựng các tiêu chuẩn trong quản trị các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà đối tượng chính là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới được thành lập; xây dựng thể chế cho thị trường và các quỹ liên quan tới khởi nghiệp, sáng tạo trên nền tảng của công nghệ.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp chặt chẽ với OECD để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phân công các bộ, ngành tham gia vào Chương trình quốc gia của OECD.
Đồng tình với các gợi ý của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ông Andreas Schaal nhìn nhận lĩnh vực start-up là thị trường nhiều tiềm năng của Việt Nam. OECD sẽ nghiên cứu, xem xét bổ sung các tiêu chuẩn này vào Chương trình quốc gia trong hợp tác với các bộ, ngành của Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục