"Bóng ma" chiến tranh lạnh đang trở lại? (Phần 2)

06:30' - 07/04/2018
BNEWS Bước ngoặt xảy ra khi nước Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) cho dù trước đó EU vẫn được coi là "thành quả đáng tự hào" của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập về chính trị và kinh tế.
Người dân Anh đã bỏ phiếu chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) vào tháng 6/2016. Ảnh minh họa: TTXVN

Sau Brexit là đến làn sóng dân túy và bảo hộ quốc gia. Các lực lượng này thành công trong việc giành đa số ghế trong Quốc hội tại Hungary, Ba Lan và Hy Lạp nhưng lại thất bại ở Pháp, Đức và Hà Lan. Mặc dù vậy, tại Pháp, Đức và Hà Lan, các lực lượng này cũng có sự hiện diện khá mạnh trong Quốc hội cũng như trên đường phố. Các quan điểm, chính sách về kinh tế, chính trị, xã hội của họ không thể bị xem nhẹ, nhất là liên quan đến vấn đề người di cư.
Điểm đáng chú ý là Mỹ, mặc dù từng là quốc gia thúc đẩy mạnh và là một trong những hình mẫu của tiến trình toàn cầu hóa khi thực hiện chính sách mở cửa đối với người nhập cư và các sắc tộc bị áp bức trên thế giới, hiện lại là quốc gia đi đầu trong việc xa rời trật tự toàn cầu và hình thành các bức tường ngăn cách với thế giới khi có thể.
Tổng thống Donald Trump xuất hiện trên chính trường Mỹ với tư tưởng “Nước Mỹ trên hết” và “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Tại thời điểm đó, ông Trump cho rằng mối quan hệ đối tác Mỹ - Nga đem lại lợi ích cho cả hai nước và phần còn lại của thế giới. Quan điểm không thân thiện của ông Trump chỉ nhằm vào các nước thế giới thứ ba và cộng đồng người nhập cư đến từ các nước Mỹ Latinh.
Mặc dù vậy, hiện ông Trump lại đang tạo nền tảng cho một cuộc chiến tranh lạnh mới. Mở đầu, Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga do nước này bị tình nghi đã ám sát cựu điệp viên hai mang Skripal ở nước Anh, dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có giữa Nga và các đồng minh của Mỹ.
Cùng lúc với động thái ủng hộ Anh kể trên, ông Trump dường như cũng thay đổi quan điểm đối với Nga và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong nhiều vấn đề. Chính quyền Mỹ cũng đưa ra một loạt các sắc lệnh áp thuế nhập khẩu lên tới 25% đối với sản phẩm thép và 10% đối với hợp kim nhôm nhằm vào sản phẩm của toàn bộ các nước thế giới, trong đó riêng Trung Quốc chịu mức thuế 45%. Cùng lúc, chính quyền Trump cũng tiến hành cải tổ nội các.
Trong lĩnh vực đối ngoại, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn An ninh quốc gia H R McMaster bị sa thải và được thay bằng các ông Mike Pompeo và John Bolton. Dù cả hai ông Tillerson và McMaster chưa từng được coi là “chim bồ câu” (ủng hộ hòa bình) nhưng chắc chắn không theo đuổi chính sách “diều hâu” đối với Iran, Nga và Trung Quốc như hai nhân vật kế nhiệm là Pompeo và Bolton.
Sự thay đổi chính sách của Mỹ mới ở giai đoạn đầu. Chắc chắn, thời gian tới các phản ứng dây chuyền sẽ đến từ châu Âu và nhiều khu vực khác trên thế giới. Có thể, Mỹ và các nước khác sẽ bước vào một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" trên nhiều phương diện, kéo theo các hệ quả cả về mặt chiến lược và kinh tế.
Hơn 150 nhà ngoại giao Nga đã bị các nước phương Tây trục xuất khi chính phủ các nước này ủng hộ nước Anh, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Nga và con gái ông này ngày càng nghiêm trọng. Nga lúc đầu trả đũa Anh, sau đó tuyên bố trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ.
Ngày 30/3, Nga triệu một loạt đại sứ các nước đến để báo tin các nước này sẽ nhận đòn trả đũa tương xứng từ Nga. Trước đó, ngày 29/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo về “một tình hình rất giống với những gì chúng ta trải qua trong Chiến tranh Lạnh”. Câu hỏi đặt ra là phải chăng Nga và phương Tây đang trở về thời Chiến tranh Lạnh?
Vụ Skripal đang làm quan hệ giữa Moskva và phương Tây, vốn dĩ đã căng thẳng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, như sợi dây đàn bị căng quá mức. Và trong vòng xoáy cuộc chiến ngoại giao “trừng phạt-trả đũa” này, nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin có lựa chọn nào khác để giải quyết cuộc khủng hoảng, hay sẽ tiếp tục tự cô lập như cáo buộc của Mỹ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục