Xuất khẩu dầu của Mỹ sang Trung Quốc có thể gặp khó do các biện pháp trả đũa

21:27' - 18/06/2018
BNEWS Theo số liệu của Thomson Reuters Eikon, xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng từ mức 100 triệu USD/tháng hồi đầu năm 2017 lên xấp xỉ 1 tỷ USD/tháng hiện nay.
Các nhà đầu tư dự kiến tình trạng bất đồng thương mại Mỹ-Trung Quốc sẽ tác động bất lợi tới các doanh nghiệp Mỹ. Ảnh: TTXVN

Việc Trung Quốc cảnh báo áp thuế đối với dầu nhập khẩu từ Mỹ sẽ tác động tiêu cực tới một lĩnh vực kinh doanh đã phát triển trong hai năm qua và hiện có giá trị xấp xỉ 1 tỷ USD/tháng.

Trước đó, theo số liệu của Thomson Reuters Eikon, xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng từ mức 100 triệu USD/tháng hồi đầu năm 2017 lên xấp xỉ 1 tỷ USD/tháng hiện nay.

Trong bối cảnh bất đồng thương mại giữa Mỹ và hầu hết đối tác thương mại lớn của nước này, trong đó có Trung Quốc, gia tăng, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước cho biết quyết định triển khai áp thuế đối với 50 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 6/7/2018. Về phần mình, Trung Quốc cuối tuần trước cho biết sẽ đáp trả bằng việc áp thuế đối với lượng hàng hóa tương tự của Mỹ, trong đó có dầu mỏ.

Các nhà đầu tư dự kiến tình trạng bất đồng thương mại Mỹ-Trung Quốc sẽ tác động bất lợi tới các doanh nghiệp Mỹ, khiến giá cổ phiếu của ExxonMobil và Chevron giảm 1-2% kể từ ngày 15/6 trong khi giá dầu thô của Mỹ giảm khoảng 5%. Theo ông Stephen Innes, người đứng đầu bộ phận kinh doanh khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty môi giới OANDA tại Singapore, tình trạng chiến tranh thương mại leo thang gây ra mối nguy hiểm đối với giá dầu.

Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 16/6 cho biết Nga và Saudi Arabia (A-rập Xê-út) sẽ đề nghị Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong quý III/2018. Ông Alexander Novak nêu rõ thêm: "Chúng tôi chỉ đề nghị điều này trong quý III/2018. Vào tháng Chín tới, chúng tôi sẽ đánh giá lại tình hình thị trường và đưa ra quyết định cho giai đoạn tiếp theo".

Cuộc họp về chính sách sản lượng của OPEC dự kiến diễn ra tại Vienna (Áo) từ ngày 22-23/6. OPEC, Nga và một số nhà sản xuất khẩu dầu thô lớn ngoài OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác 1,8 triệu thùng/ngày tổng cộng kể từ tháng 1/2017 cho đến hết năm 2018 nhằm giải quyết nguồn cung dư thừa trên toàn cầu và vực dậy giá dầu, vốn lao dốc từ mức 110 USD/thùng hồi năm 2014 xuống chỉ còn 30 USD/thùng vào năm 2016

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục