Xuất hiện nạn “cò” thu mua lúa ở Hậu Giang

12:59' - 30/11/2017
BNEWS Thời gian gần đây, Hậu Giang xuất hiện tình trạng “cò” thu mua lúa, gây ảnh hưởng lớn trong việc sản xuất và tiêu thụ lúa, nhất là trong việc liên kết sản xuất lúa giữa doanh nghiệp và nông dân.
Phức tạp nạn “cò” thu mua lúa ở Hậu Giang. Ảnh minh họa: TTXVN

* Phá vỡ hợp đồng
Tình trạng “cò” thu mua lúa tại Hậu Giang thực hiện theo cách thức: Khi lúa của nông dân còn khoảng nửa tháng sẽ thu hoạch, “cò” đến đặt cọc nông dân với giá cao hơn giá doanh nghiệp ký kết hợp đồng. Cụ thể, nếu doanh nghiệp ký kết hợp đồng đặt cọc 3 triệu đồng/ha thì “cò” sẽ đặt cọc 5 triệu đồng/ha. Điêu này đã làm nhiều nông dân tại Hậu Giang sẵn sàng phá vỡ hợp đồng ký kết với doanh nghiệp và bán lúa cho “cò”.
Ông Trương Thành Huy, Giám đốc Hợp tác xã Bắc Xà No, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho biết, vụ Đông Xuân rồi các thành viên hợp tác xã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp sản xuất 300 ha cung ứng lúa hữu cơ. Nhưng đến khi thu hoạch lúa cung ứng cho doanh nghiệp chỉ được khoảng 200 ha, còn khoảng 100 ha do “cò” lúa thu mua.

Vụ Đông Xuân sắp tới, hợp tác xã tiếp tục được doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu lúa và phía công ty đặt tiền cọc cho nông dân 3 triệu đồng/ha. Thế nhưng, mấy ngày nay có thông tin “cò” đến thương thảo với nông dân trong hợp tác xã đặt tiền cọc 5 triệu đồng/ha và đã có hộ chấp nhận.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH xuất nhập khẩu lương thực thực phẩm Miền Tây, công ty đang phải chạy theo “cò” thu mua lúa. Dù hợp đồng với nông dân, nhưng công ty luôn trong tình trạng không có gì chắc chắn thu mua đủ số lượng lúa đã hợp đồng. Công ty thường xuyên bị “cò” lúa “hớt” tay trên việc thu mua lúa trong dân. Tình trạng này không riêng tại Hậu Giang mà cũng xảy ra ở nhiều tỉnh, thành khác khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dù bị nông dân “bẻ” kèo nhưng doanh nghiệp không thể nào kiện bà con.
Ông Lê Hoàng Mỹ, ở phường 5, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, trồng 0,5ha lúa cho biết, lúa thu hoạch xong có người thu mua giá cao hơn là bán. Còn việc hợp đồng và nhận cọc với doanh nghiệp, do doanh nghiệp thường tới thu mua lúa chậm hơn “cò” lúa, nên được giá là bán cho “cò”. Khi lúa còn hơn nửa tháng mới thu hoạch “cò” đã tới đặt cọc thu mua, trong khi đó lúa chỉ còn 5 đến 10 ngày thu hoạch thì doanh nghiệp mới đến.
* Mạnh tay xử lý
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, thời gian tới Sở sẽ phối hợp với các ngành có liên quan kiên quyết xử lý mạnh tay các trường hợp gian thương trong thu mua lúa, nhất là tại các vùng đã có doanh nghiệp đến đầu tư và hợp đồng bao tiêu lúa trước đó với nông dân.
Hiện Hậu Giang đang thực hiện sản xuất lúa theo cánh đồng lớn và khuyến khích các thành phần kinh tế đến đầu tư và hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân. Tuy nhiên nếu tổ chức chưa đủ lớn thì vẫn có thể đầu tư và bao tiêu ở quy mô nhỏ, tránh trường hợp tự ý thu mua chồng lấn cả những diện tích lúa đã được bao tiêu. Điều kiện bắt buộc là có hợp đồng bao tiêu với nông dân và phải được UBND cấp xã xác nhận mới có hiệu lực. Trường hợp không có UBND xã xác nhận thì được xem là gian thương và sẽ bị xử lý theo quy định.
Còn ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Xuất nhập khẩu lương thực thực phẩm Miền Tây chia sẻ, mong bà con trồng lúa cần giữ chữ tín hơn nữa, để mối liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa được bền chặt. Về phía công ty sẽ xem xét thay đổi chính sách đặt cọc với nông dân thời gian sớm hơn so hiện nay.
Năm 2017, tỉnh Hậu Giang gieo trồng trên 200 nghìn ha lúa, sản lượng ước đạt trên 1,2 triệu tấn. Diện tích cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh đạt hơn 6.400 ha với trên 5.500 hộ tham gia. Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, các cánh đồng lớn bước đầu cho hiệu quả khá tốt, năng suất tăng thêm từ 1 đến 1,2 tấn/ha, chi phí sản xuất giảm từ 2 đến 3 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng từ 2 đến 5 triệu đồng/ha. Nhất là diện tích lúa có hợp đồng bao tiêu trong toàn tỉnh đạt gần 10.000 ha.
Theo kế hoạch, vụ lúa Đông Xuân 2017 – 2018, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ quyết liệt trong thực hiện hợp đồng bao tiêu, tạo điều kiện cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp hoàn thành các hợp đồng bao tiêu. Đồng thời hỗ trợ xây dựng các hệ thống giao thông, điểm tập kết phục vụ việc thực hiện hợp đồng bao tiêu giữa doanh nghiệp với người dân được chặt chẽ, hiệu quả hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục