Xử lý nợ xấu – nhiệm vụ tất yếu của các nền kinh tế

09:17' - 19/01/2018
BNEWS Đối với từng nền kinh tế trên thế giới, nợ xấu "hiện hữu" ở các mức khác nhau và cũng có những giải pháp khác nhau để ứng phó, hất là khi nợ xấu tăng lên ngưỡng báo động.
Xử lý nợ xấu – nhiệm vụ tất yếu của các nền kinh tế. Ảnh minh họa: TTXVN

Nợ xấu tồn tại trong hoạt động của hệ thống ngân hàng và chỉ thực sự nguy hiểm khi tăng lên mức cao.

Từ mô hình công ty giải quyết nợ xấu ...

Một trong những giải pháp cụ thể để đạt được hiệu quả trong việc xử lý nợ xấu của cảc ngân hàng chính là chuyển giao nợ xấu từ các ngân hàng sang một công ty quản lỷ tài sản trực thuộc chính phủ. Công ty quản lý tài sản công được lập ra để có thể tối đa hoá giá trị phục hồi của các khoản nợ xấu với chi phí thấp nhất cho ngân sách nhà nước và trách nhiệm đóng thuế của người dân.

Một công ty quản lỷ tài sản công được thành lập với mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng kèm theo cấu trúc chặt chẽ sẽ là tiền đề cho hy vọng mang lại hiệu quả hoạt động cần thiết trong việc giải quyết vấn đề nợ xấu. Dựa vào các nhiệm vụ ưu tiên đã được hoạch định sẵn, công ty này có thể hoạt động với chức năng là một công cụ thanh lý nhanh các khoản nợ xấu và các tài sản khác kèm theo hoặc tái cấu trúc hệ thống các doanh nghiệp có trong danh mục nợ xấu mà công ty này quản lý.

Để hoạt động thật sự mang lại hiệu quả thì một công ty quản lý tài sản nên chủ yếu tập trung vào việc bán các khoản nợ xấu, không nên bị chi phối và phân tán nguồn lực vào công việc tái cấu trúc.

Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính khu vực châu Á 1997-1998, nhiều công ty quản lý tài sản công tại các quốc gia được thành lập và tổ chức theo hình thức tập trung và được tài trợ bởi chính phủ, ngoại trừ trường hợp bốn công ty quản lý tài sản công tại Trung Quốc.

Nhiều công ty quản lý tài sản trực thuộc chính phủ ở các nước trong thời kỳ khủng hoảng tài chính khu vực đã được xây dựng theo đuổi mô hình đa mục tiêu: gấp rút bán, thanh lý nợ xấu song song với thực hiện tái cấu trúc. Tại Hàn Quốc, vai trò tái cấu trúc doanh nghiệp của công ty quản lý tài sản KAMCO trong quá trình giải quyết một danh mục nợ xấu khổng lồ là rất rõ ràng, cho dù nhiệm vụ mấu chốt được đề ra ngay từ khi AMC này được thành lập là giải quyết nợ xấu càng sớm càng tốt.

Trong khi đó, tại Malaysia, công ty quản lý tài sản tại nước này là Danaharta đã tham gia một cách gián tiếp và trực tiếp vào quá trình tái cơ cấu phức tạp này.

Còn ở Trung Quốc, sau giai đoạn dành rất nhiều thời gian và nguồn lực cho việc tái cấu trúc hàng trăm doanh nghiệp quốc doanh cỡ lớn (chủ yếu thông qua nghiệp vụ biến các khoản nợ thành cổ phần tại các doanh nghiệp này), bốn công tỷ quản lý tài sản của Trung Quốc sau đó đã tập trung hơn vào việc bán và thanh lý các khoản nợ xấu thông qua các công cụ khác nhau.

.... đến cải cách hệ thống ngân hàng

Trong thời gian kinh tế Nhật Bản trì trệ trong thập niên 1990, giá bất động sản lao dốc khiến các khoản cho vay của các ngân hàng nhanh chóng trở thành nợ xấu, đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng ngân hàng sâu rộng. Vì vậy, việc giải quyết nợ xấu của Nhật Bản trong giai đoạn này cũng là cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng, Chính phủ Nhật Bản đề ra hai mục tiêu gồm chấm dứt tình trạng các ngân hàng yếu tiếp tục cho vay với các con nợ mất khả năng chi trả và chấm dứt tình trạng có quá nhiều ngân hàng lớn.

Với mục tiêu thứ nhất thì Nhật Bản có hai cách để tiếp cận là chú tâm vào ngân hàng và chú trọng vào con nợ. Với cách tiếp cận thứ nhất, Chính phủ Nhật Bản dùng các quỹ công để mua lại các khoản nợ xấu và cổ phần của các ngân hàng lớn, sau đó buộc các ngân hàng tái cơ cấu để mua lại các khoản nợ/cổ phần đã được chính phủ mua. Bank of Tokyo Mitsubishi và Sumitomo Trust and Banking là những ngân hàng đầu tiên thành công trong việc này.

Với cách tiếp cận thứ hai, Nhật Bản đã thành lập Tập đoàn Tái thiết công nghiệp Nhật Bản (IRCJ), với ngân sách chủ yếu từ các ngân hàng. Thông qua IRCJ, các ngân hàng giúp khách hàng tái cấu trúc để có thể sinh lời và trả nợ. Cách làm của IRCJ thường là tách các công ty con nợ thành nhiều bộ phận nhỏ (như phòng hay ban) và đánh giá hiệu quả hoạt động của chúng.

IRCJ có thể bán các bộ phận không sinh lời kèm chiết khấu dựa vào giá trị tài sản sau khi định giá. Cuối cùng, nguồn lực sẽ được dồn một cách có chọn lọc vào những phòng, ban làm ăn có lãi hoặc có sức cạnh tranh.

Sau được thành lập, IRCJ đã tái thiết được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong các lĩnh vực như siêu thị, mỹ phẩm, bất động sản, khách sạn, vận tải, công nghệ cao… Điều đó đã tạo nên một làn sóng sáp nhập và mua bán, giúp tái cơ cấu nền công nghiệp Nhật Bản.

Mục tiêu thứ hai là chấm dứt tình trạng có quá nhiều ngân hàng lớn. Theo các chuyên gia, những ngân hàng quá lớn sẽ khiến hoạt động cho vay trải qua nhiều bước trung gian, từ đó làm chậm việc phát triển thị trường, khiến ngân hàng thu lợi nhuận chậm.

Để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc ngân hàng, Chính phủ Nhật Bản trong giai đoạn đầu đã nới lỏng các quy định để giúp các ngân hàng tái cấu trúc, mua bán, sáp nhập thuận lợi hơn. Đến giai đoạn sau, Chính phủ Nhật Bản lại tăng các quy định, thúc đẩy quá trình đóng cửa hoặc quốc hữu hóa những ngân hàng yếu kém.

>>>Xử lý nợ xấu: Triệt "bệnh" từ gốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục