Xây dựng TKV thành tập đoàn có chuyên môn hóa cao

15:30' - 16/01/2018
BNEWS Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, những hạn chế, thách thức và yêu cầu của thời kỳ mới đặt ra cho các Tập đoàn kinh tế nói chung và TKV nói riêng nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Quanh cảnh hội nghị. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN

Ngày 16/1, tại Hội nghị tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, những hạn chế, thách thức và yêu cầu của thời kỳ mới đặt ra cho các Tập đoàn kinh tế nói chung và TKV nói riêng nhiệm vụ hết sức nặng nề. Năm 2018 và những năm tới, TKV phải khắc phục những tồn tại hạn chế để để xây dựng TKV thành tập đoàn kinh tế mạnh, có mô hình quản trị theo hướng hiện đại chuyên môn hóa cao, cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, hợp lý.
Cùng với đó, nâng cao năng suất lao động, chất lượng cạnh tranh, hoạt động hiệu quả và giữ vai trò chủ đạo trong việc vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu than sản xuất trong nước cho các ngành kinh tế vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đây là 3 nhóm yêu cầu lớn, Tập đoàn phải thực hiện.
Để thực hiện các yêu cầu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, TKV thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2017-2020 mà Chính phủ đã phê duyệt để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Trước hết, Tập đoàn tập trung xác định rõ ngành nghề, các lĩnh vực, các sản phẩm chính để tập trung chỉ đạo phát triển. Đồng thời, tập trung tái cấu trúc, tổ chức lại công ty mẹ và các công ty thành viên.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN

“Nội dung cổ phần hóa doanh nghiệp theo lộ trình đã được phê duyệt, Tập đoàn phải làm sớm. Bởi, cổ phần hóa sẽ tạo môi trường để tái cấu trúc tốt hơn, có sự tham gia minh bạch hơn của các thành viên khác nhau về sở hữu tại các doanh nghiệp đó.”, Phó Thủ tướng nói.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu TKV tập trung tái cấu trúc đầu tư và trọng tâm là tạo ra sản phẩm có lợi thế, có sức cạnh tranh. Từ đó, đầu tư về vốn, khoa học công nghệ và đổi mới quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các sản phẩm của ngành than.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra chống thất thoát, lãng phí nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp để giảm chi phí; nâng cao hiệu quả quản lý lao động gắn với việc bố trí lao động phù hợp và nâng cao đời sống của người lao động. Đồng thời, có giải pháp cụ thể để xử lý các dự án đầu tư kém hiệu quả.
Cùng với việc tập trung hoàn thành các chỉ tiêu năm 2018, đặc biệt là đáp ứng đủ than theo cam kết của Tập đoàn cho các hộ tiêu thụ và theo kế hoạch thực hiện của tập đoàn, TKV cũng cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư nhất là các dự án chậm tiến độ, các dự án nguồn điện. Cùng đó, huy động các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, đổi mới công nghệ để chế biến sâu các loại khoáng sản như titan, quặng sắt…
Tập đoàn cũng phải đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, đầu tư, khai thác, nhất là đảm bảo an toàn trong khai thác hầm lò; bảo vệ môi trường trong khai thác, gắn bảo vệ môi trường với phục hồi môi trường sau khai thác; tăng cường trật tự kỷ cương trong khai thác, mua bán than; chăm lo đời sống việc làm người lao động; chăm lo hỗ trợ cho người dân vùng dự án….
Chỉ ra những mặt còn hạn chế, tồn tại của TKV, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho cho biết, thị trường than trong nước phụ thuộc vào các hộ như điện, xi măng…, trong khi đó, cơ cấu than không phải đều phù hợp với yêu cầu của các hộ sử dụng. Than khai thác chất lượng thấp; tỷ lệ tồn kho, giá thành cao do nhiều nguyên nhân; trong đó, quản lý còn hạn chế. Việc khai thác sâu một số sản phẩm sắt còn lúng túng về nguồn lực, công nghệ và quản trị, đầu ra. Công tác quản lý đầu tư xây dựng ở một số dự án cũng còn hạn chế; một số dự án chậm tiến độ do tìm nguồn lực đầu tư; tình trạng thất thoát đầu tư xây dựng chưa được khắc phục…
"Những tình trạng trên đã làm tăng gía thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nói chung và TKV nói riêng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tổng giám đốc TKV Đặng Thanh Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN

Về kết quả năm 2017 và nhiệm vụ năm 2018 của TKV, Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho hay, năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 của Tập đoàn.
Theo đó, Tập đoàn bám sát các chỉ đạo của Chính phủ như Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, các nhiệm vụ được giao của các Bộ, ngành, Trung ương... để xây dựng kế hoạch và điều hành sản xuất.
Bên cạnh đó, TKV sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn TKV giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2006/QĐ-TTg, ngày 12/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ (đặc biệt là công tác chuẩn bị cổ phần hoá, xác định giá trị doanh nghiệp Công ty Mẹ-TKV trong năm 2019), với trọng tâm là đổi mới công nghệ, hoàn thiện cơ chế quản lý, tinh giản lao động. Đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa để tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đảm bảo tăng trưởng hợp lý, hiệu quả, bền vững.
Với khẩu hiệu “an toàn-đổi mới-phát triển”, năm 2018, TKV đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 113.800 tỷ đồng; nộp ngân sách 13.600 tỷ đồng. Lợi nhuận tổng số toàn Tập đoàn đạt 2.000 tỷ đồng và phấn đấu ở mức cao hơn.
Tập đoàn cũng phấn đấu sản xuất và tiêu thụ 36 triệu tấn; trong đó, trong nước 34,1 triệu tấn, than xuất khẩu 1,9 triệu tấn; sản xuất than hầm lò 22,22 triệu tấn (chiếm 62,8%); than lộ thiên 12,96 triệu tấn (chiếm 37,2%), than nhập khẩu dự kiến 500 nghìn tấn. Công ty Nhôm Lâm Đồng cũng sẽ sản xuất 650.000 tấn, Công ty Nhôm Nhân Cơ 580.000 tấn. Sản lượng phát điện thương mại 9,35 tỷ KW.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục