Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị Hà Nội

08:25' - 30/11/2017
BNEWS Nằm ở phía Nam thành phố, tiếp giáp khu vực nội thành, huyện Thanh Trì (Hà Nội) có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao.

Tuy nhiên, phần lớn người dân nơi đây vẫn còn khó khăn về nguồn vốn, chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất. Ngoài ra, do địa hình trũng thấp, địa bàn huyện bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự ô nhiễm của các dòng sông chảy qua, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân.

Làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì (Hà Nội) nổi tiếng với nghề làm bánh chưng phục vụ Tết. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Từ năm 2010, huyện Thanh Trì đã lựa chọn xây dựng nông thôn mới là khâu đột phá và chủ động xây dựng chương trình phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung vào công tác dồn điền đổi thửa.

Chương trình nhanh chóng được triển khai đồng bộ tại 15 xã và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân.

Được thành phố quan tâm cũng như cùng với huyện đã tập trung nguồn lực, bố trí hơn 2.090 tỷ đồng và người dân trực tiếp đóng góp gần 270 tỷ đồng (chiếm 11% tổng kinh phí) để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Với cách làm sáng tạo, biết phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của nhân dân, tạo không khí đoàn kết, thống nhất cao trong xã hội để vượt qua khó khăn, huyện Thanh Trì đã xây dựng thành công huyện nông thôn mới được Chính phủ công nhận.

Theo ông Vũ Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, kinh nghiệm thành công trong xây dựng nông thôn mới của huyện là nhờ lãnh đạo huyện và cơ sở đã khơi dậy được sức dân. Huyện đã phát huy và nhân rộng mô hình: “nhân dân hiến đất và đóng góp ngày công lao động làm đường làng, ngõ xóm”.

Đặc biệt môi trường là một trong những tiêu chí khó đối với huyện Thanh Trì trong xây dựng nông thôn mới. Trong đợt lấy ý kiến người dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thanh Trì vừa qua, hơn 94% số người được hỏi cho biết rất hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới.

Ðây chính là động lực để Thanh Trì tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, không phụ lòng tin của người dân.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, huyện đã triển khai Đề án nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ môi trường huyện đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Từ đây, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, huy động nhân dân đóng góp gần 12 tỷ đồng để cải tạo môi trường, kè và làm sạch hồ, ao ở các xã: Vĩnh Quỳnh, Hữu Hòa, Đại Áng, Yên Mỹ…

Toàn huyện xây dựng và cải tạo 48 điểm tập kết rác tại các thôn, thu gom, vận chuyển 98% lượng rác thải phát sinh trong ngày đến nơi quy định bảo đảm hợp vệ sinh; 8,4 km sông Tô Lịch trên địa bàn huyện được cải tạo, làm đường gom, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp hai bên bờ sông…

Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ở Thanh Trì tiếp tục được củng cố và tăng cường; cải cách hành chính được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Trong sản xuất nông nghiệp, cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tích cực. Thanh Trì đã chủ động bố trí 23,61 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất; xây dựng, phát huy hiệu quả vùng trồng rau an toàn với diện tích 145 ha tại xã Yên Mỹ và Duyên Hà; phát triển chuỗi liên kết thực phẩm rau - thịt trên địa bàn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại.

Ngoài ra, huyện đã cải tạo, đào đắp, nạo vét 112 km kênh mương nội đồng; kiên cố, cứng hóa 51 km kênh mương (tăng 19% so với năm 2010); xây dựng mới, cải tạo 250 cống tiêu thoát nước… đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất và bảo đảm tiêu thoát trong khu dân cư.

Trung tâm phát triển cụm công nghiệp huyện hoạt động khá hiệu quả với 33 doanh nghiệp, thu hút trên 4.000 lao động.

Huyện đã từng bước đưa Cụm công nghiệp Tân Triều vào hoạt động; 3 làng nghề truyền thống là dệt Triều Khúc (Tân Triều), bánh chưng, bánh dày Tranh Khúc (Duyên Hà), miến bánh đa Phú Diễn (Hữu Hòa) được thành phố công nhận, bước đầu đã khẳng định được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 của toàn huyện đạt 35 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2 lần so với năm 2010. Huyện phấn đấu hết năm 2017 là 38 triệu đồng/người/năm và đến năm 2020 đạt 50 triệu đồng/người/năm.

Các hộ nghèo trên địa bàn huyện đều được quan tâm hỗ trợ để ổn định cuộc sống đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để từng bước thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo hiện dưới 2%.

Chủ tịch UBND huyện Vũ Văn Nhàn chia sẻ, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục thường xuyên duy trì kết quả xây dựng nông thôn mới, không phải đã về đích là có thể lơ là. Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao đời sống người dân; phấn đấu trở thành huyện nông thôn kiểu mới, gắn với phát triển đô thị.

Tính đến cuối năm 2017, thành phố Hà Nội đã có 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì và Đông Anh. Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và hơn 80% số xã của toàn thành phố Hà Nội đạt chuẩn.

Để đạt được kết quả này, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội cho biết, 5 năm tới Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm.

Đó là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai thực hiện đồng bộ kế hoạch tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện tốt khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp là “sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao”.

Ngoài ra, Thành ủy cũng tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách của Trung ương và thành phố đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.

Cùng đó, nghiên cứu, đề xuất, sớm ban hành các cơ chế, chính sách mới phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù của Thủ đô, kịp thời rà soát, bổ sung, điều chỉnh những cơ chế, chính sách không còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới.

>>>Hà Nội chỉ có gần 40% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục