Xây dựng lại nghề nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên các đầm và vịnh biển

18:27' - 11/12/2017
BNEWS Tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng lại nghề nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên các đầm và vịnh biển, sau khi nghề này gần như bị “xóa sổ” do bão số 12 đổ bộ.
Khánh Hòa xây dựng lại nghề nuôi thủy sản bằng lồng bè theo hướng bền vững. Ảnh: TTXVN

“Bắt tay” vào xây dựng lại nghề này, các nhà quản lý và ngư dân chú trọng tổ chức nuôi trồng thủy sản trên biển sao cho đúng quy hoạch và thích ứng với thiên tai bất thường để phát triển bền vững.
*Ngư dân đã cảnh giác với thiên tai
Trong gần 30 năm qua, ngư dân Khánh Hòa đã tận dụng điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên biển.

Theo đó, hai đầm Nha Phu và Thủy Triều cùng 3 vịnh: Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh có nước sâu, kín gió do hệ thống đảo ven bờ che chắn, khí hậu ôn hòa, không có bão nên rất phù hợp cho việc nuôi các loài thủy sản bằng lồng bè, có giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, cá mú, cá bớp, cá chim.
Riêng nghề nuôi tôm hùm lồng, Khánh Hòa là tỉnh phát triển nhất cả nước với khoảng 40.000 lồng, cho sản lượng từ 800 - 1.100 tấn/năm; tập trung chủ yếu ở các vịnh: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh và đầm Nha Phu.

Đây cũng là đối tượng nuôi mang lại giá trị kinh tế cao nhất, khi tôm hùm có giá từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có khoảng 5.000 lồng nuôi cá ở các đầm, vịnh biển, cho sản lượng khoảng 3.500 tấn/năm, trong đó cá bớp trên 3.500 lồng, cá mú hơn 700 lồng.

Các loại cá này cho giá trị kinh tế lớn do bán được giá cao như: cá bớp từ 150.000 - 180.000 đồng/kg, cá mú 250.000 - 300.000 đồng/kg.
Thế nhưng, bão số 12 đổ bộ vào ngày 4/11 vừa qua, đã khiến trên 35.700 trong tổng số 45.000 lồng nuôi thủy sản trên các đầm, vịnh biển của tỉnh, bị chìm và hư hỏng hoàn toàn.

Ngư dân làm nghề này bị thiệt hại lên đến trên 4.600 tỷ đồng, nhiều nhất trong số các ngành, nghề bị thiệt hại do bão gây ra.
Ông Lê Xuân Hai làm nghề nuôi cá bớp bằng lồng bè trên đầm Nha Phu, vừa sửa xong chiếc ghe.

Hướng chiếc ghe chạy về vùng nuôi cá bớp xung quanh đảo Hòn Thị trên đầm Nha Phu, ông Hai nói biết, trước bão, vùng này có hàng nghìn lồng bè nuôi tôm hùm, cá bớp, cá chim nối tiếp nhau, phủ kín cả mặt biển.

Nay chỉ còn trơ lại vài chiếc cọc gỗ vốn dùng để neo lồng bè, còn sót lại nhô lên trên mặt nước. Toàn bộ lưới, thùng phuy nhựa, thanh gỗ, dùng để làm lồng bè đã bị bão nhấn chìm xuống đáy biển và trôi dạt đi khắp nơi.
Hơn một tháng sau bão số 12, nhiều ngư dân làm nghề nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong và đầm Nha Phu, vẫn mải miết đi tìm và nhặt lại từng thanh gỗ, thùng phuy nhựa hay mảnh lưới đã rách, để xem có thể tận dụng được nữa không.

Nhưng nhiều ngư dân nhặt được những vật dụng này về cũng để đó, bởi họ không có tiền để sửa chữa, thuê công thợ lắp ghép lại.

Mà có làm lại được lồng bè, cũng không có tiền mua con giống, thức ăn cho cá, tôm thả nuôi.

Do hầu hết ngư dân làm nghề nuôi thủy sản bằng lồng bè, đã lâm vào cảnh nợ lần, ít cũng vài trăm triệu, nhiều lên tới cả tỷ đồng.
Sau bão, ngư dân Nguyễn Văn Quang nợ 300 triệu đồng do toàn bộ lồng bè nuôi cá bớp, cá chim trên đầm Nha Phu, bị thiệt hại hoàn toàn.

Nợ nhiều tiền, lồng bè bị hư hỏng hết, ông Quang chưa biết khi nào mới có thể khôi phục được sản xuất. Ông Quang nhẩm tính, mỗi chiếc lồng nuôi thủy sản 4 m2 có chi phí khoảng 5 triệu đồng.

Mỗi bè nuôi thủy sản được kết lại từ ít nhất 20 lồng, nhiều lên đến 50 – 60 lồng. Hộ nuôi ít cũng có 3 – 5 bè, nhiều lên đến hàng chục bè.

Cùng với tiền mua con giống, thức ăn cho tôm, cá thả nuôi và thuê lao động, ngư dân cần tối thiểu vài trăm triệu đồng mới có thể làm được nghề này.
Ngư dân làm nghề nuôi thủy sản giờ không chỉ có nỗi lo về dịch bệnh trên tôm, cá. Từ nay họ đã có thêm nỗi lo và có cả sự cảnh giác về sự tàn phá của bão. Trước biến đổi khí hậu, không có vùng biển nào mà có "sóng yên, gió lặng" mãi được.
Qua đây, địa phương cũng nhận ra rằng, việc nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên biển không theo quy hoạch, không kê khai hết được số lồng bè và lao động, đã gây khó khăn cho xác định thiệt hại do bão và đề xuất nhà nước hỗ trợ cho ngư dân.

Như ở vịnh Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh, nơi có hơn 16.000 lồng nuôi tôm hùm, cá bớp, cá mú bị chìm, hư hỏng và trôi dạt do bão. Từ sau khi bão đi qua đến nay, ngư dân vẫn đang trục vớt lồng bè bị chìm.

Đối với hàng chục lồng bè còn trôi dạt trên biển, UBND huyện Vạn Ninh sẽ tiến hành xử lý từ sau ngày 15/12 tới, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa.
*Khẩn trương quy hoạch và ứng dụng công nghệ cao
Đến nay, các ban ngành của tỉnh Khánh Hòa, vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng quy hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2016 - 2025, để làm cơ sở xác định vùng nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển. Điều này đang gây khó khăn cho việc xây dựng lại nghề nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè, nhất là sau bão số 12.
Vịnh Cam Ranh, trước bão đổ bộ có khoảng 33.000 lồng bè nuôi thủy sản, trong đó phần lớn là lồng nuôi tôm hùm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cam Ranh, sau khi bị thiệt hại nặng nề do bão, người nuôi trồng thủy sản vay vốn từ ngân hàng để khôi phục sản xuất.

Sau khi vay được vốn, người dân lại tiếp tục nuôi trồng thủy sản “tự phát”, trong khi địa phương vẫn phải chờ quy hoạch thủy sản mới xác định được vùng nuôi.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang Lê Huy Toàn đề xuất, trong khi chờ tỉnh phê duyệt quy hoạch thủy sản giai đoạn 2016 - 2025, cần cho phép địa phương xác định vị trí cụ thể, để di dời lồng bè nuôi thủy sản đến đó, đồng thời sớm hỗ trợ các hộ làm nghề này.
UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các ban ngành, nghiên cứu ứng dụng lồng bè công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản thích ứng với bão. Khánh Hòa là “thủ phủ” nuôi tôm hùm lồng của cả nước, để phát triển bền vững nghề này.

Tiến sỹ Thái Ngọc Chiến, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cho rằng, cần chú ý đến công nghệ nuôi mới, cụ thể là nuôi xa bờ với hệ thống lồng hiện đại có thể hạ sâu xuống tầng giữa vào mùa mưa bão, nuôi trong bể trên đất liền, nuôi đáy và nuôi lồng chìm, nhằm giảm áp lực nuôi ven bờ.
Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa nhận định, cần khoảng 3 năm, nghề nuôi thủy sản bằng lồng bè mới có thể khôi phục được. Vấn đề cấp bách hiện nay là ứng dụng lồng nuôi công nghệ cao, giúp chống chịu được với bão và sóng lớn.

Tuy nhiên, lồng công nghệ cao có vốn đầu tư rất lớn. Vì vậy, nhà nước cần ưu đãi lãi suất ở mức 0% khi cho ngư dân vay vốn. Việc ứng dụng lồng nuôi công nghệ cao cũng cần gắn với tổ chức lại vùng nuôi, sao cho thông thoáng để hạn chế dịch bệnh.
Tỉnh Khánh Hòa cũng đã kiến nghị với Trung ương, hỗ trợ ngư dân làm nghề nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do bão, 100% lãi suất vay tín chấp trong 5 năm đầu, 50% trong 5 năm tiếp theo, để ngư dân có điều kiện đầu tư khôi phục sản xuất.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh, trước đây ngư dân nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè không theo quy hoạch, không kê khai lao động, lồng bè. Vì vậy, khi khôi phục lại nghề này cần nuôi đúng quy hoạch vùng nuôi.

Ông Lê Đức Vinh cũng yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định khu vực nuôi trồng thủy sản phù hợp với vùng được quy hoạch, hướng dẫn ngư dân nuôi thủy sản bằng lồng bè sao cho hợp lý như: kích cỡ, khoảng giữa các lồng bè... 

Tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng quy hoạch thủy sản, trong đó có các vùng nuôi trên vịnh: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh và đầm Nha Phu theo hướng di chuyển vùng nuôi gần bờ như hiện nay ra xa bờ, qua đó giảm quá tải và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường cho vùng nuôi gần bờ.
Dự kiến đến năm 2020, vịnh Nha Trang nuôi 900 lồng cá, 2.900 lồng tôm hùm; vịnh Cam Ranh nuôi 3.000 lồng cá, 21.000 lồng tôm hùm; vịnh Vân Phong nuôi 1.600 lồng cá, 8.000 lồng tôm hùm…/.
Xem thêm:

>>>Đi tìm nguyên nhân cá nuôi lồng bè chết ở đảo Phú Quý

>>>Kiên Giang phát triển nuôi cá lồng bè trên biển



Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục