WB: Thúc đẩy đầu tư cải thiện triển vọng tăng trưởng toàn cầu

05:30' - 19/01/2018
BNEWS Kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm, do đó các chính phủ nên nỗ lực mở ra các thị trường mới, khuyến khích tự do thương mại, tăng cường trao đổi và hợp tác.
Thúc đẩy đầu tư cải thiện triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” mới nhất, trong đó nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018.

Cụ thể, WB dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm 2018, so với mức tăng 3% của năm 2017 và sẽ là mức tốt nhất trong bảy năm. Trong các năm 2019 và 2020, WB đưa ra con số dự báo tăng tương ứng là 3% và 2,9%.
Theo ngân hàng trên, hầu hết đà tăng trưởng của kinh tế thế giới đến từ các nền kinh tế mới nổi, nhất là từ các nhà xuất khẩu hàng hóa, với mức tăng trưởng ước tính khoảng 4,5% trong năm 2018 và trung bình 4,7% trong năm 2019 và 2020. Trong khi đó, nhịp độ tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ chậm lại và ước tăng 2,2% trong năm 2018, so với mức 2,3% năm 2017.
WB nhận định khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới sẽ là Đông Á và khu vực Thái Bình Dương, trong đó Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dự kiến tăng trưởng 6,4% trong năm nay và 6,3% vào năm tới. Kinh tế Ấn Độ dự kiến tăng trưởng 7,3% trong năm 2018 và 7,5% trong thời gian 2019-2020.
Theo báo cáo của WB, mức đóng góp của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017 vượt quá 1/3, trong đó phần lớn đóng góp đến từ Trung Quốc.
Về vấn đề này, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Kaitai Thái Lan Thái Vĩ Tài cho rằng đóng góp của Trung Quốc đối với kinh tế toàn cầu được thể  hiện trong nhiều lĩnh vực. Theo ông này, thực lực kinh tế Trung Quốc không ngừng tăng cường, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tiến ra nước ngoài, kim ngạch đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc tăng lên hàng năm.
Ngoài ra, giá trị thương mại giữa Trung Quốc với các thị trường thế giới cũng lớn, trong khi thị trường khổng lồ của nước này thu hút nhiều hàng hóa của các nền kinh tế khác.
Lấy Thái Lan làm ví dụ, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan trong 5 năm liền. Trong khi triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đến Thái Lan đầu tư.
Cũng trong báo cáo của WB, GDP của Mỹ dự kiến tăng trưởng 2,5%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, song nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ tăng chậm lại ở mức 2,2% trong năm 2019 và 2% trong năm 2020.
Tăng trưởng của Eurozone được điều chỉnh lên 2,4% năm 2017 và lên 2,1% năm nay. Tuy nhiên, WB cảnh báo rằng sự phục hồi kinh tế khu vực Eurozone và châu Âu năm 2018 có nguy cơ bị đe dọa nếu nước Anh và Liên minh châu Âu (EU) không thể đạt được một thỏa thuận êm đẹp về việc Vương quốc Anh rời EU, còn gọi là Brexit.
Trong báo cáo mới nhất, WB đã bày tỏ sự tin tưởng vào đà phục hồi của kinh tế toàn cầu sau nhiều năm tăng trưởng ì ạch, với hoạt động đầu tư, sản xuất và trao đổi thương mại đều gia tăng.
Tuy nhiên, WB kêu gọi các nước cần tiến hành đầu tư để cải thiện triển vọng tăng trưởng, nhất là vào hạ tầng cơ sở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, và cảnh báo về những nguy cơ, trong đó phải kể đến tiến trình nâng lãi suất của Fed (Ngân hàng trung ương Mỹ) và một số ngân hàng trung ương khác.
Theo WB, chi phí vay mượn gia tăng có thể gây sức ép đối với hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng lưu ý về nguy cơ đến từ chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng địa chính trị.
Giám đốc cấp cao Ban Kinh tế học phát triển của WB Shanta Devaraian cho rằng xu hướng bảo hộ mậu dịch của một số nước phát triển, đặc biệt là Mỹ ngày một tăng lên, cũng như ảnh hưởng của việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu, sẽ tiếp tục làm gia tăng tính không xác định của quan hệ đầu tư và thương mại hiện nay.
Sự hạn chế thương mại của các nền kinh tế phát triển có thể gây ảnh hưởng không cân xứng với các nền kinh tế khá mở cửa. Nếu xuất khẩu của Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng, điều đó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, và có thể có ảnh hưởng tiêu cực trong khu vực.
Ông Thái Vĩ Tài nhận định rằng kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm, chính phủ các nước nên tính toán trước, mở ra các thị trường mới, khuyến khích tự do thương mại, tăng cường trao đổi và hợp tác.

        

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục