Vụ bê bối Facebook: Không có gì là miễn phí (Phần 2)

06:30' - 22/04/2018
BNEWS Thông tin người dùng là “nguồn tài nguyên” quý giá, dễ dàng trở thành “những miếng mồi” của tin tặc, đối tượng lừa đảo đang xây dựng hồ sơ tâm lý người dùng để phục vụ cho lợi ích chính trị nào đó.
Biểu tượng của mạng xã hội Facebook. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong buổi điều trần tại Quốc hội, khi được hỏi liệu Facebook có thay đổi mô hình kinh doanh "để bảo vệ quyền riêng tư cá nhân", CEO Facebook Mark Zuckerberg thay vì trả lời một cách đơn giản "có" hoặc "không" như được yêu cầu đã liên tục tránh né, thậm chí là tranh cãi về chi tiết với Hạ nghị sĩ Anna Eshoo.

Từ câu hỏi của Hạ nghị sĩ Eshoo, một lần nữa vấn đề Facebook thu phí đối với người sử dụng lại nổi lên. Nhiều ý kiến cho rằng việc người dùng thay vì bị các quảng cáo nhắm tới, có thể trả tiền hàng tháng để không bị làm phiền, là một hình thức kinh doanh phi quảng cáo mà Facebook nên làm trong bối cảnh dữ liệu cá nhân là một tài sản nhạy cảm và đa số người sử dụng không muốn thông tin của mình bị chia sẻ hay mua bán.

Tuy nhiên, ông Zuckerberg vẫn kiên định lập trường rằng để thực hiện tốt hơn sứ mệnh “kết nối mọi người”, Facebook sẽ vẫn miễn phí và luôn như vậy.

Ông Mark Zuckerberg buộc phải thừa nhận chính bản thân ông cũng nằm trong số 87 triệu người dùng Facebook bị công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica thu thập dữ liệu bất hợp pháp.

Và các hạ nghị sĩ Mỹ cho rằng đây chính là minh chứng cho thấy việc quản lý quyền riêng tư cũng như các chính sách bảo mật của Facebook đang quá lỏng lẻo. Bên cạnh đó, CEO Zuckerberg cũng cho biết sẽ rất khó để đảm bảo việc dữ liệu người dùng không bị mua đi bán lại trước thời điểm năm 2014.

“Không có gì là miễn phí”

Dù cho CEO Zuckerberg đã thừa nhận trách nhiệm trong vụ bê bối rò rỉ thông tin, cam kết thay đổi chính sách để ngăn ngừa những sai sót về quản lý dữ liệu và xin lỗi người dùng toàn cầu nhưng sự thất bại của mạng xã hội lớn nhất thế giới này trong việc bảo vệ thông tin người dùng đã khiến hàng nghìn người tẩy chay với chiến dịch có tên “DeleteFacebook”.

Thiệt hại kinh tế cũng đã rất nặng nề khi chỉ trong vài tuần sau khi vụ việc bị phanh phui, cổ phiếu của Facebook đã giảm tới 16%, khiến giá trị thị trường “bốc hơi” hơn 80 tỷ USD. Nếu cơn giận dữ của người dùng tiếp tục bùng phát sau phiên điều trần, con số thiệt hại sẽ không chỉ dừng lại ở đó.

Với mục tiêu "xây dựng một cộng đồng toàn cầu", Facebook luôn tuyên truyền rằng dịch vụ của họ là “miễn phí và luôn luôn là như vậy”. Vậy làm cách nào mà công ty này có doanh thu tới hơn 40 tỷ USD trong năm 2017 và đơn giản câu trả lời là nhờ quảng cáo.

Người dùng sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng chỉ những nút “share” hay “like” trên Facebook, hay những bài viết trên trang cá nhân lại đồng nghĩa với việc họ đang tạo ra dữ liệu để các bên thứ ba có thể dễ dàng khai thác. Thông qua nút “like” hay “share”, Facebook có thể đoán được gần như chính xác sở thích, thói quen… hay khuynh hướng chính trị của người dùng, từ đó lưu giữ và phân tích.

Suốt nhiều giờ các người dùng sử dụng Facebook cũng là ngần ấy thời gian mạng xã hội này thu thập toàn bộ thông tin và sau đó chào mời khách quảng cáo. “Ngân hàng” dữ liệu khổng lồ này giúp Facebook xác định cái gì sẽ thu hút người dùng, từ đó đặt trước mắt người dùng những gì phù hợp với nhu cầu và mức độ quan tâm của họ.

Điều này giúp cho các nhà quảng cáo nhắm đúng khách hàng mục tiêu hiệu quả hơn so với quảng cáo trên truyền hình hay các loại báo chí truyền thống khác. Con số lợi nhuận hiển nhiên không hề nhỏ khi mỗi ngày có tới khoảng 1,4 tỷ người dùng đăng nhập Facebook.

Rõ ràng, việc dữ liệu cá nhân của người dùng Facebook bị xâm phạm đã diễn ra từ lâu, như lời thừa nhận của CEO Zukerberg. Những nguy cơ của việc đánh cắp hay lợi dụng và rò rỉ dữ liệu người dùng cũng là rất lớn, bởi đây không chỉ đơn thuần là vấn đề quyền riêng tư bị xâm phạm.

Trên thực tế, thông tin của người dùng là “nguồn tài nguyên” quý giá, dễ dàng trở thành “những miếng mồi” của tin tặc, những kẻ đánh cắp danh tính, những đối tượng lừa đảo đang xây dựng hồ sơ tâm lý người dùng để phục vụ cho lợi ích chính trị nào đó.

Tin tặc, những kẻ đánh cắp danh tính và lừa đảo có thể sử dụng những thông tin cá nhân và kết hợp với các dữ liệu khác để lừa đảo người dùng, phát tán phần mềm độc hại trên máy tính hay điện thoại di động.

Bên cạnh đó, lượng dữ liệu lớn mà các tài khoản Facebook tạo ra mỗi ngày nếu bị rò rỉ cũng đặt ra những nguy cơ đối với an ninh và sự ổn định của các quốc gia. Một tổ chức nước ngoài có thể sử dụng các thông tin đó để gây ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử.

Hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu những thông tin của người dùng có khuynh hướng tiêu cực bị các chính trị gia theo chủ nghĩa cực đoan lợi dụng để giành sự ủng hộ, từ đó càng khoét sâu sự chia rẽ và bất ổn trong xã hội.

Do vậy, sau vụ bê bối dữ liệu của Facebook, vấn đề cấp bách mà chính phủ các nước cần phải thực hiện đó là tìm kiếm và triển khai những biện pháp, quy định pháp lý nghiêm ngặt hơn để quản lý và đảm bảo những trang mạng xã hội đáp ứng được tiêu chuẩn bảo mật thông tin người dùng. Và với người dùng, có lẽ bài học sâu sắc nhất qua vụ bê bối này chính là “không có gì là miễn phí” trong thời đại ngày nay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục