Việt Nam - Thị trường đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp Nhật Bản

16:14' - 12/01/2018
BNEWS Sự đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin chủ yếu tập trung phát triển các hệ thống phần mềm.

Tại sự kiện Navigate Hanoi do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tổ chức, ông Hiroyuki Ono đến từ Công ty ACA Investments Pte Ltd cho biết, Việt Nam đang là thị trường đầu tư hấp dẫn trong khu vực, vượt qua cả Indonesia và Thái Lan. Các công ty Nhật Bản đang có xu hướng muốn xây dựng chi nhánh, nhà máy của mình tại Việt Nam, các doanh nghiệp này thậm chí còn chủ động trong việc tìm kiếm các đối tác và tiến hành liên kết với doanh nghiệp Việt.

Từ góc độ người Việt và doanh nghiệp Việt nhìn nhận, các công ty của Nhật Bản được nhận xét là cẩn thận, có thể tin tưởng và là các đối tác có thể hợp tác dài hạn được. Tuy nhiên, áp lực vế chất lượng sản phẩm cao, doanh nghiệp Nhật thường khảo sát và tìm hiểu thông tin rất kỹ càng và mất nhiều thời gian. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã niêm yết của Nhật càng đòi hỏi cao hơn về các vấn đề liên quan đến việc quản trị, quản lý và giám sát hoạt động.

Ông Hironobu KITAGAWA, Trưởng đại diện văn phòng JETRO Hanoi. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Ông Hironobu KITAGAWA, Trưởng đại diện văn phòng JETRO Hanoi cho hay sự đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin chủ yếu tập trung phát triển các hệ thống phần mềm. Trong làn sóng cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, cơ hội đầu tư mới giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ nảy sinh nhiều trong thời gian tới và điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia.

Về phía doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam, Tiến sĩ Lê Thái Phong, Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngoại thương nhận định, nhìn chung, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt nam đáp ứng khá đầy đủ các điều kiện song vẫn còn gặp nhiều trở ngại và phân tán ở nhiều tổ chức khác nhau không có đầu mối thống nhất.

Ông Lê Thái Phong cũng chỉ ra một số yếu điểm của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Cụ thể, trong khi khởi nghiệp nhiều nước trên thế giới sẽ không mất chi phí gì và chỉ tốn 30 phút đăng ký thì tại Việt Nam, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ phải mất tối thiểu 50 USD và 7 ngày để đăng ký. Cùng môi trường kinh doanh nhưng lại có sự phân biệt rõ giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân liên quan đến giấy phép, thủ tục hành chính…

Thêm nữa, về chính sách thuế, dù chủ trương của Chính phủ rất ủng hộ nhưng phía chính quyền địa phương nhiều khi còn gây khó khăn, yêu cầu doanh nghiệp khởi nghiệp đóng thuế VAT cho nhiều thứ không cần thiết.

Ông Phong đánh giá phần lớn doanh nghiệp Việt Nam biết khá nhiều thứ nhưng lại không sâu.  Theo quan điểm các học giả, khởi nghiệp mà làm việc dưới 14 tiếng khó có thể thành công.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt còn mắc hiệu ứng huyễn hoặc khi cho rằng mình là số một, nguyên nhân không chỉ bởi sự tự tin của họ mà còn bởi họ chưa tìm hiểu kỹ về thị trường, đối tác…

Bên cạnh đó, thực hiện Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2015 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016, chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ hệ sinh thái và các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Ông Phạm Quang Vinh đến từ Trung tâm đào tạo và hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ (TSC) trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện trung tâm đã thành lập được Cổng thông tin khởi nghiệp quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án khởi nghiệp, 200 doanh nghiệp. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 trung tâm sẽ hỗ trợ được 2.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo.

Ngoài việc xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp, trung tâm còn xây dựng khu tập trung để hỗ trợ cho doanh nghiệp và đối tượng khởi nghiệp, hỗ trợ kinh phí từ các nguồn của nhà nước chính phủ, các tổ chức… và triển khai các đề án về thương mại hóa công nghệ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục