Việt Nam sắp tự chủ được nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh và chất lượng

18:02' - 11/11/2017
BNEWS Tập đoàn Việt - Úc đã nghiên cứu, gia hóa và sản xuất tôm bố mẹ thành công, góp phần mở ra cơ hội tự chủ nguồn tôm giống cho Việt Nam trong thời gian tới.
Từ trước đến nay, Việt Nam phải nhập khẩu gần như hoàn toàn nguồn tôm bố mẹ từ Mỹ, Singapore, Thái Lan…, khiến ngành tôm lệ thuộc cả số lượng và chất lượng vào nước ngoài và luôn bị động trong phòng chống dịch bệnh. Do vậy, việc Tập đoàn Việt - Úc nghiên cứu, gia hóa và sản xuất tôm bố mẹ thành công sẽ góp phần mở ra cơ hội tự chủ nguồn tôm giống cho Việt Nam.
Tại lễ công bố chương trình tôm bố mẹ của Tập đoàn Việt – Úc tổ chức ở Tp.Hồ Chí Minh ngày 11/11, đại diện Tập đoàn này cho biết, đây là kết quả sau nhiều năm áp dụng công nghệ vào chọn tạo để có được nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh, chất lượng tốt.
Từ nguồn tôm bố mẹ này sẽ cho ra đời con giống có sức tăng trưởng mạnh, phù hợp với thổ nhưỡng từng địa phương, nên ít bị dịch bệnh, hao hụt, giúp người nuôi tiết giảm chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện công suất sản xuất của doanh nghiệp này là 50 tỷ con giống/năm và chiếm 25% thị phần tôm giống trong nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, với mục tiêu xuất khẩu tôm đến năm 2025 đạt 10 tỷ USD, sản lượng 1,1 triệu tấn trên quy mô diện tích nuôi 750.000 ha, thì Việt Nam cần khoảng 500.000-600.000 con tôm bố mẹ. Trong khi đó, nguồn lực sản xuất tôm bố mẹ ở trong nước hiện chỉ mới đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu trên.
Cụ thể, theo ước tính, đến năm 2025 nhu cầu tôm sú bố mẹ là 100.000 con/năm, thế nhưng hiện chỉ mới có công ty Moana sản xuất được 15.000 con/năm, còn lại phải dựa vào nguồn tôm bố mẹ khai thác từ tự nhiên.
Đối với tôm thẻ chân trắng bố mẹ, hiện Việt Nam đang phải nhập khẩu khoảng 230.000 con/năm và chỉ có 2 đơn vị được công nhận giống thủy sản mới là Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 và Tập đoàn Việt – Úc, sản xuất được khoảng 20.000-25.000 con/năm. Trong khi nhu cầu đến năm 2025 sẽ cần khoảng 400.000-500.000 con tôm bố mẹ.
Để phục vụ sản xuất, Việt Nam hiện rất cần nguồn tôm sú giống tăng trưởng nhanh, thích nghi hoặc kháng bệnh, có sức chống chịu tốt để phục vụ vùng nuôi quảng canh. Đồng thời, có nhu cầu lớn về nguồn giống tôm chân trắng sạch bệnh, tăng trưởng nhanh cung ứng cho sản xuất theo phương thức nuôi công nghệ cao, nhằm tạo ra sản lượng lớn và đáp ứng khắt khe về an toàn thực phẩm và kiểm dịch của các thị trường nhập khẩu.
“Với nhu cầu trên, nhiệm vụ nghiên cứu, chọn tạo, gia hóa và sản xuất tôm bố mẹ và tôm giống là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách hiện nay của ngành tôm Việt Nam. Do vậy, việc Tập đoàn Việt – Úc là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu chọn tạo giống tôm bố mẹ thành công là bước đột phá và đóng góp rất lớn cho sự phát triển của ngành tôm trong thời gian tới”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết.
Theo lộ trình từ nay đến năm 2020, Việt Nam có thể tự chủ hoàn toàn nguồn tôm bố mẹ, là yếu tố quan trọng để thực hiện được khát vọng nâng tầm tôm Việt.
Ngoài ra, để thúc đẩy ngành tôm phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang triển khai xây dựng 2 đề án quan trọng. Đó là Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2025 và Đề án phát triển sản phảm quốc gia tôm nước lợ. Từ định hướng đó, xây dựng những vùng nuôi tôm công nghệ cao, năng suất, chất lượng, đáp ứng mọi thị trường khó tính, góp phần nâng cao hiệu quả cho người nuôi tôm, thích ứng với biến đổi khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục