Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội

19:57' - 18/09/2017
BNEWS Chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội và Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV dự kiến làm việc trong 23 ngày

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, dự kiến Kỳ họp thứ 4 sẽ rút 2 dự án luật ra khỏi dự kiến chương trình. Đó là: Luật Hành chính công và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp để tiếp tục hoàn thiện.

Ngoài ra, chương trình Kỳ họp thứ 4 cũng bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét Báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; bổ sung các nội dung gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu về Kết quả giải quyết thu hồi sân golf trong Sân bay Tân Sơn Nhất, thực hiện mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất để xử lý việc quá tải của Sân bay và giao thông khu vực xung quanh Sân bay; các sự cố liên quan đến tàu vỏ sắt, giải pháp khắc phục.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 23 ngày. Trong đó, xây dựng luật là 10,75 ngày; giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác là 10,75 ngày; khai mạc, bế mạc: 1,5 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 23/10/2017, dự kiến bế mạc vào 22/11/2017.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, để đảm bảo thời gian nghiên cứu tài liệu của đại biểu Quốc hội trước khi về dự kỳ họp, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung trong chương trình kỳ họp để gửi đến đại biểu Quốc hội đúng thời gian quy định.

Đồng thời, các cơ quan cũng cần đổi mới cách thức chuẩn bị văn bản tóm tắt, trong đó chú trọng những vấn đề cơ bản, bảo đảm thời gian trình bày các nội dung tại hội trường không quá 15 phút/tờ trình, báo cáo (trừ các báo cáo về kinh tế-xã hội, giám sát chuyên đề, báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật), dành thời gian cho đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội xem xét kỹ các nội dung thuộc trách nhiệm để đề xuất thời gian và cách thức tiến hành đối với từng nội dung cho phù hợp, phát huy nhiều hơn tính đối thoại, tranh luận.
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, ngoài hai dự án Luật là Luật Hành chính công và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường cũng chưa đủ điều kiện trình Quốc hội, vì thế nên rút khỏi chương trình Kỳ họp thứ 4. Như vậy, Quốc hội sẽ cho ý kiến về 9 dự án luật thay vì 12 dự án luật.
Cho ý kiến về việc thảo luận các dự án Luật tại Kỳ họp thứ 4, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chỉ rõ, Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng cần đẩy thời gian thảo luận sớm hơn và thời gian thông qua nên lùi lại vào cuối chương trình vì hai luật này phức tạp. Cùng với đó, các cơ quan cũng cần có thời gian chuẩn bị, tiếp thu và hoàn chỉnh.

Đối với phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định, số lượng đại biểu phát biểu sẽ rất đông, nếu chỉ thảo luận trong hai ngày sẽ không thể hết nội dung; đề nghị tăng thời gian thảo luận thêm 1 giờ 30 phút.
Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau thảo luận, xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, tại Kỳ họp thứ 4 sẽ cho ý kiến về 9 dự án luật thay vì 12 dự án luật; đồng thời bổ sung một số nội dung mới vào chương trình. Về tình trạng vắng nhiều đại biểu tại một số phiên họp, ảnh hưởng nhất định đến chất lượng của phiên họp và kết quả biểu quyết thông qua của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu hạn chế đi công tác nước ngoài trong thời gian họp Quốc hội.

Tình trạng nợ ban hành văn bản đã giảm

Chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.

Mặc dù vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản, nhưng tỷ lệ đã giảm dần so với các năm trước, cụ thể: giảm 44 văn bản so với cùng kỳ năm 2015 (57 văn bản) và giảm 22 văn bản so với cùng kỳ năm 2016 (35 văn bản). Trong số 13 văn bản chưa ban hành có 1 văn bản (1 thông tư) đang soạn thảo; 8 văn bản (8 thông tư) đã được cơ quan chủ trì soạn thảo thẩm định, đang giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; 2 văn bản (1 nghị định, 1 thông tư) đang được trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành; 2 văn bản (2 nghị định) đang được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó 1 nghị định xin ý kiến về nội dung dự thảo và 1 nghị định trình xin chưa ban hành để thực hiện việc thí điểm.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ triển khai thi hành Hiến pháp trong năm 2017, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, công tác triển khai thi hành Hiến pháp trong 8 tháng năm 2017 đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao và được các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận, đôi khi còn thiếu sự kết nối, hỗ trợ chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu, tập huấn về nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp năm 2013 với hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Hiến pháp năm 2013. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc cập nhật kết quả rà soát và xử lý văn bản còn chậm. Ngoài ra, vẫn còn dự án luật phải rút ra khỏi Chương trình hoặc lùi thời hạn trình. Chất lượng một số dự án luật còn chưa được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến đề cập đến tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết mặc dù đã giảm nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để, cá biệt có những văn bản còn nợ đọng từ năm 2013; có văn bản được ban hành chậm 2 - 2,5 năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân chủ quan của tình trạng nợ đọng văn bản là do việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng văn bản ở một số nơi còn chưa nghiêm, có tình trạng luật, pháp lệnh đã được ban hành, nhưng các cơ quan vẫn lúng túng trong việc rà soát xác định các nội dung giao quy định chi tiết, lập danh mục văn bản quy định chi tiết, phân công cơ quan chủ trì soạn thảo.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định phân tích, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì chính sách cơ bản được thể hiện trong luật, pháp lệnh đã phải rõ từ khâu đề xuất đưa dự án vào Chương trình.

Đồng thời, quy trình xem xét, thông qua luật, pháp lệnh cũng xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, nhất là vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan trình dự án từ khâu soạn thảo đến khi thông qua. Mặt khác, trong các luật, pháp lệnh, nếu có quy định nào chưa thể quy định được ngay thì đã giao cho cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết, kèm theo hồ sơ là dự thảo văn bản quy định chi tiết.

Do vậy, việc các cơ quan còn lúng túng trong việc xác định các nội dung giao quy định chi tiết là tình trạng không nên để xảy ra. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ yêu cầu các cơ quan hữu quan rút kinh nghiệm và chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng ban hành văn bản.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, chỉ khi thực hiện tốt luật này mới có thể khắc phục cơ bản những hạn chế mà Báo cáo của Chính phủ và các đại biểu đã nêu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục