Ứng phó với mưa lũ, các nhà máy thủy điện ở Quảng Nam phối hợp điều tiết xả nước

17:29' - 24/08/2017
BNEWS Các nhà máy thủy điện ở Quảng Nam phối hợp điều tiết xả nước để đảm bảo an toàn cho hạ du.

Nhằm chủ động ứng phó với mưa lũ, đảm bảo an toàn đập, nâng cao dung tích phòng lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du, ngày 24/8, UBND tỉnh Quảng Nam đã làm việc với các nhà máy thủy điện trên địa bàn và các địa phương trong tỉnh nhằm phối hợp điều tiết xả nước để đảm bảo an toàn cho hạ du.

Các nhà máy thủy điện ở Quảng Nam phối hợp điều tiết xả nước để đảm bảo an toàn cho hạ du. Ảnh minh họa: Phạm Thanh Tân/TTXVN

Cuối tháng 8 đến tháng 12 hàng năm được xác định là mùa mưa lũ tại Quảng Nam, song đến nay, nhiều thủy điện lớn ở tỉnh vẫn còn mực nước hồ cao hơn rất nhiều so với mức nước tối thiểu theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.

Tính đến ngày 23/8, mực nước hồ A Vương là 372,27 m, cao hơn mức quy định 37,27 m; hồ Sung Bung 4 là 206 m, cao hơn mức quy định là 1 m; hồ Đăk Mi 4 là 246,53 m, cao hơn quy định 2,53 m; hồ Sông Tranh 2 là 159,84 m, cao hơn quy định là 19,84 m…

Như vậy, các hồ A Vương, Sông Tranh 2 có mực nước rất cao so với quy định, nếu ko kịp thời có biện pháp xả lũ trước mùa mưa sẽ không thể cắt lũ trong đầu mùa mưa lũ, nguy cơ tạo nên tình trạng “lũ chồng lũ” là khó tránh khỏi.

Tại cuộc họp, đại diện Nhà máy thủy điện A Vương cho biết, nếu nhà máy hoạt động hết công suất, đến 15/9 mực nước trong hồ vẫn còn đến 360m, cao hơn quy định 20m.

Đại diện thủy điện Sông Tranh 2 cho rằng, đã có công văn gửi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia để đề nghị xem xét, báo cáo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho phép hiệu chỉnh kế hoạch vận hành của Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 trong tháng 8/2017, nhằm giúp nhà máy chủ động điều tiết hồ chứa vừa đảm bảo yêu cầu cung cấp điện theo phương thức vận hành của Tập đoàn vừa đảm bảo các yêu cầu về điều tiết hồ chứa đón lũ, giảm lũ cho vùng hạ du.

Nếu thủy điện Sông Tranh 2 chạy hết công suất với thời gian 24/24 giờ, đến ngày 6/9 mới đưa mực nước hồ trở lại theo đúng quy định…

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu các thủy điện có phương án đảm bảo tuyệt đối an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ. Ngoài ra, các địa phương khẩn trương xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai, chậm nhất hoàn thành trước ngày 31/8.

Đối với các hồ chứa thủy điện cần tiếp tục hoàn thiện phương án cho an toàn đập, phương án điều tiết cắt lũ trong mùa mưa đối với hạ du, đồng thời phối hợp với các địa phương liên quan hoàn thành các phương án trong thời gian quy định.

Bên cạnh đó, rà soát, duy tu, bảo dưỡng hệ thống loa cảnh báo lũ, nghiên cứu tích hợp việc cảnh báo lũ khi thủy điện xả lũ và lũ tự nhiên lên hệ thống loa để thuận tiện cho các địa phương cũng như người dân vùng hạ du ứng phó với mưa lũ. Các nhà máy thủy điện nghiên cứu lắp đặt thêm các biển cảnh báo lũ, hướng dẫn chỉ dẫn sơ tán khi có lũ ở những vùng có nguy cơ.

Ông Lê Trí Thanh cũng yêu cầu các cơ quan liên quan làm việc và trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du và kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông tại tỉnh Thừa Thiên Huế đúng kế hoạch. Sau đó, nhanh chóng hoàn thành việc xây dựng bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du của tỉnh Quảng Nam, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, nhất là sau khi có đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Đặc biệt, ông Lê Trí Thành yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm tỉnh Quảng Nam cũng như các địa phương cần phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt tùy thuộc vào tình hình thực tế. Đối với hồ Sông Tranh 2 và A Vương hiện đang có mực nước cao, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các thủy điện tiếp tục vận hành các tổ máy cũng như xả nước tối đa đưa về ngưỡng an toàn, nâng cao dung tích phòng chống lũ. Tuy nhiên, khi xả nước phải xem xét đến lợi ích của người dân vùng dạ du….

Nhìn chung, công tác chủ động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Quảng Nam đang diễn ra theo kế hoạch. Sở Công thương đã và đang kiểm tra công tác phòng chống lụt bão, quản lý an toàn đập tại các nhà máy thủy điện.

Để chủ động tính toán, điều tiết lũ trong mùa mưa một cách khoa học, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, Quảng Nam đang xúc tiến thuê hai chuyên gia là nhà khoa học tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Viện Khoa học thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên để trực tiếp tham gia trong mùa lũ.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức 10 đợt diễn tập về sơ cấp cứu, sơ tán dân và cứu đuối nước tại các xã vùng hạ du thuộc các huyện Đại Lộc và Duy Xuyên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục