Ứng phó bão số 16: Cù lao Tân Phú Đông-Tiền Giang thực hiện “ 4 tại chỗ” và “ 3 sẵn sàng”

19:46' - 24/12/2017
BNEWS Để ứng phó với bão số 16, các cấp, các ngành, nhân dân khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để đối phó với bão, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai.
Các cấp chính quyền tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương chủ động thực hiện các biện pháp tích cực nhằm ứng phó với bão số 16 ( BãoTempin) có khả năng đổ bộ vào khu vực nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Huyện Tân Phú Đông là huyện cù lao duy nhất của tỉnh Tiền Giang nằm kẹp giữa hai vàm Cửa Tiểu và Cửa Đại của sông Tiền, có một mặt tiếp giáp với Biển Đông, Tân Phú Đông chính là một trong những nơi đầu tiên ở Tiền Giang phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 16.

Trong những ngày căng thẳng trước khi bão đổ bộ vào đất liền, tại Tân Phú Đông, các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để đối phó với bão, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai.
Ông Đặng Văn Thanh, năm nay 71 tuổi, mái tóc bạc phơ cư ngụ tại ấp Giồng Keo, xã Phú Thạnh hết chạy ra lại chạy vào hối thúc mấy đứa cháu nội lo gói ghém đồ đạc để kịp chuyến xe đò xế trưa 24/12 về tạm lánh bão tận quê ngoại ở huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Ông Thanh bảo: “Vậy cho an toàn và an tâm chú ơi. Tôi sinh ra và lớn lên ở cù lao này nên không thể nào quên hình ảnh đau thương khi cơn bão số 9 năm 2006 có tên là bão Durian quét qua, nhà sập, cây trái gãy đỗ, người bị thương la liệt. Do vậy, cho mấy đứa nhỏ tránh bão trước. Người lớn có kinh nghiệm ở nhà. Hơn nữa, căn nhà khá kiên cố nên chắc không đến nỗi”. Ông Thanh có hơn chục đứa cháu nội cả gái lẫn trai đều cho di tản ngay trong chiều 24/12.
Chị Nguyễn Thị Đậm, sinh năm 1983, con dâu của ông Đặng Văn Thanh nói thêm, từ sáng đến giờ, dân cù lao đã tự di tản nhiều lắm rồi. Chủ yếu di dời qua nhà quen bên đất liền hoặc về nội, ngoại ở những địa bàn an toàn, không ảnh hưởng của bão. Ai cũng sợ và đề phòng bão bằng mọi cách thiết thực. Trong khi ngoài đường, cán bộ xã dùng loa di động chở trên những chiếc xe gắn máy chạy khắp làng trên, xóm dưới thông báo diễn biến đường đi của bão hàng giờ và khuyến cáo bà con chằng chống nhà cửa, gia cố bờ ao mương, tu sửa chuồng trại gia súc, gia cầm. Khi cần, có hiệu lệnh chính quyền thì phải khẩn trương di dời toàn bộ số dân đang sinh sống ở những vùng có nguy cơ cao đến nơi tránh trú bão an toàn. Phương châm “ 4 tại chỗ” và “ 3 sẵn sàng” trong đó ưu tiên bảo vệ tuyệt đối tính mạng và tài sản nhân dân được chính quyền đưa lên hàng đầu và bà con đã thuộc nằm lòng.
Chị Lê Thị Túy Vân, nhà cũng ở ấp Giồng Keo, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông cho biết, gia đình chị có 3 nhân khẩu, đều là người lớn, nhà lại ở giữa cù lao nên không tính đến chuyện di dời mà bám trụ ở lại. Chị kể, trước đây, nhà chị cất tạm đã bị bão số 9 năm 2006 làm sập. Nay chị cất lại nhà kiên cố đủ khả năng chịu đựng được bão to nên cũng không phải lo lắng lắm. Trước mắt, chỉ phải lo chằng chống chuồng trại bảo vệ đàn bò và dê. Chị và hai đứa con làm quần quật từ sáng đến trưa cũng cơ bản xong phần chằng chống. “Vậy là an tâm rồi chú ơi.” - Chị nói. Chị cũng bày tỏ mong muốn nhà mình rộng, kiên cố nên sẽ cho bà con trong xóm ai có nhu cầu thì đến trú ngụ qua những ngày bão tố hoành hành sắp tới.
Ông Lê Quốc Khánh, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông cho biết, địa phương có gần 44.000 nhân khẩu. Trước đó, huyện đã xây dựng những phương án cụ thể để đối phó với bão và thiên tai hàng năm theo phương châm “4 tại chỗ” và “ 3 sẵn sàng” gồm di dời dân đến nơi an toàn, bố trí khu tránh trú cho các phương tiện tàu bè, thông tin tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân biết và có phương án đối phó phù hợp, hiệu quả, không để thiên tai gây hại; huy động phương tiện hỗ trợ và cứu hộ, cứu nạn trong tình huống khẩn cấp.
Để phòng chống cơn bão số 16, Tân Phú Đông dự kiến sơ tán tại chỗ gần 34.000 người gồm: trụ sở cơ quan, đình, chùa, các nhà dân kiên cố và dự kiến huy động 13 phương tiện vận tải. Tân Phú Đông tập trung trên 1.000 người gồm các lực lượng quân sự, công an, biên phòng, y tế, chữ thập đỏ, thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện …phục vụ công tác phòng chống bão số 16.
Nhìn chung, các công tác chuẩn bị đối phó cơn bão số 16 tại huyện cù lao đã cơ bản sẵn sàng, chủ động, tuy vậy vẫn còn trên 1.042 ha hoa màu, cây trái, diện tích nuôi trồng thủy sản chưa thu hoạch và dễ bị ảnh hưởng. Trong khi cơn bão số 16 đang cuồng nộ ngoài Biển Đông và dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền Nam bộ.
Trưa 24/12, bầu trời Tân Phú Đông trong xanh, nắng đẹp nhưng hầu như không có chút gió nào. Anh Hà Văn Hải, cư ngụ tại xã Phú Tân - một xã ven biển của huyện Tân Phú Đông hết nhìn trời lại nhìn đất, lo lắng bảo: “Trời lặng gió không có nghĩa là trời yên biển lặng mà chính là khoảng lặng trước trận bão to nên mọi người phải hết sức chú ý đề phòng”. Lo lắng ấy có lẽ là của chung mọi người trong những ngày căng thẳng hiện nay trên huyện cù lao quanh năm sóng vỗ dễ tổn thương bởi thiên tai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục