Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành da giày Việt Nam vẫn thấp

17:49' - 14/03/2017
BNEWS Theo giới chuyên gia, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày chỉ ở mức 50%, chưa đủ đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết.
Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành da giày Việt Nam vẫn thấp. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 15/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Xúc tiến thương mại và Hiệp hội Da-Giầy-Túi xách Việt Nam (Lefaso) sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu ngành da giày 2017.

Đây cơ hội để quảng bá hình ảnh, sự lớn mạnh của ngành da giày Việt Nam trong những năm qua, đồng thời là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp Việt tiếp xúc với các nhà nhập khẩu, nhà đầu tư nước ngoài, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác xuất khẩu, giới thiệu năng lực và khả năng của doanh nghiệp.

* Cơ hội cho doanh nghiệp da giày Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác xuất khẩu

Với chủ đề Hội “Nâng cao năng lực kinh doanh, xuất khẩu cho các doanh nghiệp da giày Việt Nam”, Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu ngành da giày 2017 sẽ có sự tham dự của hơn 300 khách mời đến từ các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu da-giày, nguyên phụ liệu tại Việt Nam và nước ngoài; đặc biệt, có sự tham gia của Hiệp hội phân phối và bán lẻ da giầy-dệt may của Hoa Kỳ, công ty Kingmaker Footwear Holdings ltd; VF Corporation, Ningbo Supereme Elcectrionic...

Các khách mời sẽ cùng nhau thảo luận một số nội dung như: Quy hoạch phát triển công nghiệp da giày tại Việt Nam và các chính sách liên quan; Đánh giá môi trường đầu tư và cơ hội của ngành da-giầy tại Việt Nam; Tác động của Hiệp định thương mại và các chính sách đối nội-đối ngoại khác đối với ngành da giày Việt Nam; Quản lý quan hệ lao động trong một ngành công nghiệp thâm dụng lao động-nghiên cứu thực tiễn đối với nhà máy sản xuất da giầy tại Việt Nam; Tối ưu hóa và cân bằng chuỗi cung ứng nhằm thúc đẩy cạnh tranh và phát triển bền vững-nghiên cứu thực tiễn trong đánh giá ngành da giày Việt Nam…

Các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu giày, nguyên phụ liệu tại Việt Nam và nước ngoài sẽ có cơ hội thảo luận một số nội dung hội thảo như: Tình hình và xu hướng phát triển ngành da giày Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế; đánh giá nhu cầu thị trường, những thuận lợi khó khăn, cơ hội thách thức trong xuất khẩu; những điều kiện kỹ thuật cần đáp ứng để ngành da giày được hưởng lợi ích từ (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU…; Nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu của ngành Da-Giầy-Túi xách Việt Nam trong giai đoạn tới (định hướng hát triển tới 2020 và triển vọng đến 2030).

Dự kiến, tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam Diệp Thành Kiệt cũng sẽ chia sẻ tổng quan ngành da giày Việt Nam cũng như sự phát triển của ngành nếu không có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): các FTA, nguồn nhân lực và nguyên phụ liệu, các chính sách của Chính phủ, cơ hội và thách thức. Hội nghị cũng cập nhật chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, chính sách mới của chính phủ về phát triển phụ liệu và nguyên vật liệu…

Đặc biệt, Chủ tịch Hiệp hội phân phối và bán lẻ Mỹ Matt Priest cũng sẽ phân tích tác động của việc Tổng thống Mỹ mới Trump đối với xuất khẩu da giày của Việt Nam, những thuận lợi của chính sách thương mại, phân tích thái độ của Trump đối với chính sách thương mại của Mỹ, những cơ hội và thách thức với ngành da giày Việt Nam.

Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu ngành da giày 2017 được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, thu hút đầu tư mở rộng sản xuất, tăng đơn hàng và phát triển xuất khẩu. Thông qua Hội nghị, chia sẻ thông tin về thuận lợi, khó khăn, cơ hội thách thức đối với mỗi nước trong khu vực và trên thế giới để có các giải pháp thích hợp, tranh thủ các cơ hội khai thác và mở rộng thị trường, lựa chọn chiến lược phát triển các sản phẩm.

* Một trong số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam

Ngành da giày Việt Nam được đánh giá là ngành có năng lực cạnh tranh khá tốt nhờ sự ổn định kinh tế, chính trị và xã hội; nguồn nhân công đông đảo, giá rẻ và tay nghề cao. Trong những năm qua, ngành này đã có những bước tiến đáng ghi nhận, trở thành một trong những ngành kinh tế xuất khẩu chủ lực, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Việt Nam là nước sản xuất giày dép lớn thứ tư trên thế giới. Ảnh minh họa: TTXVN

Hiện Việt Nam là nước sản xuất giày dép lớn thứ tư trên thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil) và là nước xuất khẩu giày dép lớn thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc và Italy) với kim ngạch chiếm khoảng 10% thị phần toàn cầu.

Đây cũng là nhóm hàng xuất khẩu đứng thứ 4 của Việt Nam về kim ngạch (sau dệt may, điện thoại và máy vi tính), chiếm 8,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Năm 2016, xuất khẩu của da-giày-túi xách đạt 16,2 tỷ USD, tăng 8,8% so năm 2015; dự báo năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt gần 18 tỷ USD, (tăng 10% so với năm 2016); phấn đấu đến năm 2030 đạt mục tiêu xuất khẩu là 54 tỷ USD.

Về thị trường xuất khẩu, đến nay, sản phẩm da giày Việt Nam đã có mặt tại hơn 50 thị trường trên thế giới, bao gồm các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Bỉ, Đức, Anh, Hà Lan...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, ngành da giày Việt Nam cũng tồn tại những khó khăn, hạn chế. Các chuyên gia nhận định, giá trị xuất khẩu giày dép đạt giá trị cao nhưng giá trị gia tăng cho mỗi sản phẩm vẫn thấp. Tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày chỉ ở mức 50%, chưa đủ đáp ứng hoàn toàn những quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết.

Trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành da giày Việt Nam hiện nay là những công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước phần lớn đều làm hàng gia công, nguyên phụ liệu lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu nên cho giá trị gia tăng thấp. Các số liệu thống kê cho thấy doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuy chỉ chiếm 23% trong tổng số doanh nghiệp da giày ở Việt Nam nhưng đáp ứng hơn 65% kim ngạch xuất khẩu, còn doanh nghiệp trong nước chiếm 77% về số lượng nhưng chỉ đáp ứng 35% kim ngạch xuất khẩu.

Một hạn chế khác là, hiện ngành da giày Việt Nam chỉ chiếm 20-25% chuỗi giá trị. Những giá trị đó chủ yếu đến từ hai khâu là: nghiên cứu phát triển và gia công sản xuất. Trong khi đó, giá trị lớn hơn nằm ở thương hiệu, phân phối sản phẩm thì doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều hạn chế.

Ngoài ra, còn là những hạn chế, như: công nghiệp hỗ trợ da giày chưa phát triển (dẫn tới tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày xuất khẩu của Việt Nam thấp); chất lượng của nhiều loại nguyên phụ liệu sản xuất trong nước hiện chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu (các chỉ tiêu cơ lý, tính thẩm mỹ, độ đều và bền màu..); năng suất lao động thấp khiến sức cạnh tranh khi tiếp nhận các đơn hàng nước ngoài của doanh nghiệp gặp những hạn chế nhất định… ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục