Tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội còn thấp

18:43' - 01/12/2017
BNEWS Việt Nam chỉ có khoảng 0,3% trong tổng số gần 500.000 doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia vào sản xuất chế tạo cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Chiều 1/12, tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (Hansiba) tổ chức Hội nghị giới thiệu các cơ chế, chính sách phát triển công nghệ hỗ trợ của Chính phủ và tổ chức kết nối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố.
Theo số liệu ước tính của Hansiba, tình hình sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp Việt Nam thuộc các ngành như sau: ngành chế tạo ô tô tỷ lệ nội địa hóa khoảng 5-20%; ngành điện tử nội địa hóa khoảng 5-10%; da giày nội địa hóa khoảng 30%; dệt may nội địa hóa đạt khoảng 30%; công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao khoảng 1-2%; cơ khí chế tạo khác nội địa hóa khoảng 15-20%.
Từ hạn chế về việc nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ dẫn tới khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu vào khoảng hàng chục tỷ USD (riêng sản phẩm nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô vào khoảng 30 tỷ USD).
Đặc biệt, Việt Nam chỉ có khoảng 0,3% trong tổng số gần 500.000 doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia vào sản xuất chế tạo cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây thực sự là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại một số nước ngay trong khối ASEAN.
Tại hội nghị, doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đã nêu rõ trong quá trình phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp gặp một số trở ngại do nguồn lực của các doanh nghiệp còn hạn chế, cơ chế chính sách để đi vào cuộc sống chưa kịp thời…
Các doanh nghiệp kiến nghị, nhà nước và thành phố Hà Nội xem xét có thêm các chương trình xúc tiến cũng như kết nối giao thương bằng các chương trình cụ thể thông qua sở, ban, ngành hoặc hiệp hội; trong đó các cơ quan thuộc chính quyền sẽ vừa là cầu nối vừa là cơ quan giám sát việc thực hiện kết nối này.

Đưa mối quan hệ hợp tác thành mối quan hệ giữa các quốc gia, giữa thành phố chứ không đơn thuần là mối quan hệ cá nhân hay mối quan hệ giữa công ty với công ty như hiện tại. Mục đích để tăng tính quy mô định hướng dài hạn cũng như việc bảo trợ.
Bà Nguyễn Quỳnh Vân, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6743/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, định hướng 2025. Theo đó, đến năm 2020 Hà Nội sẽ có khoảng 900 doanh nghiệp chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ, trong đó có 40% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt chuẩn quốc tế.
Để đề án đi vào cuộc sống, hàng năm UBND thành phố Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài; thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc quản lý, quản trị quốc tế, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp hỗ trợ...
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội còn phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương trong việc triển khai các chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ đồng thời kiến nghị để có những chính sách đặc thù phù hợp và tận dụng tiềm năng phát triển của Thủ đô./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục