Tuần tới, VN-Index có thể tăng điểm nhờ lực đẩy của các cổ phiếu vốn hóa lớn

13:09' - 12/11/2017
BNEWS SHS dự báo, trong tuần giao dịch 13-17/11, VN-Index có thể sẽ tăng điểm để vượt ngưỡng tâm lý tiếp theo tại 870 điểm nhờ lực đẩy của các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Tuần tới, VN-Index có thể tăng điểm nhờ lực đẩy của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Ảnh minh họa: Tuấn Anh - TTXVN

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có diễn biến tích cực trong tuần từ ngày 6-10/11, khi cả hai sàn đều tăng điểm.

VN-Index tăng mạnh 7,81 điểm lên 868,21 điểm và HNX-Index tăng 0,51 điểm lên 106,37 điểm.
Điểm nhấn của tuần giao dịch vừa qua là sự tăng trưởng mạnh mẽ của mã VNM (Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk) và sự “sôi động” cổ phiếu của Công ty cổ phần Vincom Retail, mã VRE.
Cụ thể, cổ phiếu VNM có 4 phiên tăng giá trong tuần với tổng mức tăng 12%. Đặc biệt phiên cuối tuần cổ phiếu này tăng trần với mức 7% nhờ thông tin đấu giá 3,33% cổ phần VNM của SCIC. Khối ngoại cũng mua ròng tới 1.800 tỷ đồng vào phiên cuối tuần; trong đó thì riêng cổ phiếu VNM, khối ngoại đã mua tới ròng tới hơn 1.500 tỷ đồng.
Phiên cuối tuần cổ phiếu VRE đã có những giao dịch đầu tiên sau liên tiếp 2 phiên dư mua trần do lượng cổ phiếu phân phối đã về tài khoản để có thể bắt đầu thực hiện các lệnh giao dịch.
VRE hiện là cổ phiếu có lượng vốn hóa lớn thứ 7 trên sàn HOSE với giá trị khoảng 82.411 tỷ đồng, xếp ngay sau ROS với giá trị vốn hóa 82.633 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia chứng khoán, cổ phiếu VRE có thể là nhân tố mới giúp chỉ số VN-Index tiếp tục đà tăng trong tuần giao dịch tiếp theo.
Tuần giao dịch vừa qua, một cổ phiếu tăng mạnh nữa không thể bỏ qua là VIC của Tập đoàn Vingroup. Cổ phiếu này có tới 4 hôm tăng liên tiếp và chỉ điều chỉnh giảm 1 phiên cuối tuần. Tổng mức tăng trong tuần của VIC là 9,6%.
Nhóm cao su chế biến – săm lốp cũng gây bất ngờ với việc CSM của Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam tăng mạnh mẽ tới 14%; DRC của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng tăng 9% và SRC của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng tăng 8,7 %, DRI của Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk tăng 7,3% . Đặc biệt tại phiên cuối tuần cả 3 cổ phiếu lớn trong ngành cao su là CSM, DRC và SRC đều có mức tăng trần.
Theo giới quan sát, nhóm cổ phiếu ngành cao su chế biến - săm lốp có mức tăng ấn tượng thời gian vừa qua và có thể còn khá nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, do có những yếu tố hỗ trợ tích cực; trong đó đáng chú ý nhất là Quý IV năm nay, dự kiến giá thành sản xuất các sản phẩm của các doanh nghiệp này sẽ hạ thấp hơn nhờ lợi thế về nguồn cung nguyên liệu dồi dào và giá rẻ.
Theo đó, tại Hội nghị cao su thường niên lần thứ 10 của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 23/10, thông tin được đưa ra là “Thị trường cao su thiên nhiên vẫn khó phục hồi trong thời gian tới”.
Ông A.Ajith Kumar, Chủ tịch ANRPC cho rằng, xu hướng giá cao su nguyên liệu thấp sẽ còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Sự sụt giảm kéo dài của nhu cầu và giá cao su thiên nhiên đang diễn ra chủ yếu là do sự mất cân bằng cung cầu, bắt nguồn từ các chu kỳ sản xuất điển hình của cây trồng lâu năm; sự suy yếu của các hoạt động công nghiệp trên toàn cầu và giá dầu tương đối thấp.
Một nhóm cổ phiếu đáng chú ý khác là nhóm dầu khí. Cùng với sự đi lên của giá dầu thế giới thì nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có diễn biến tích cực trong tuần qua với các mã tiêu biểu như GAS (Tổng công ty Khí Việt Nam) tăng 4,5%, PLX (Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam) tăng 1,4%, PVD (Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Dầu khí) tăng 6,9%, PVS (Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí) tăng 4,5%.
Tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới chứng kiến tuần tăng thứ năm liên tiếp, trước mối lo ngại về tình hình bất ổn tại Trung Đông, khu vực được ví là "rốn dầu" của thế giới. Tính chung cả tuần, giá hai mặt hàng chủ chốt là dầu Brent và dầu chuẩn Tây Texas (WTI) tăng hơn 2%.
Theo các nhà quan sát, đà tăng của giá dầu những tuần gần đây là nhờ những nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất. Dự kiến, tại cuộc họp của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vào ngày 30/11, các nhà sản xuất sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hết hạn vào tháng 3/2018. Trong khi đó, sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến tăng lên 9,2 triệu thùng/ngày trong năm nay, 10 triệu thùng/ngày trong năm tới.
Các chuyên gia cho rằng tình hình căng thẳng tại vùng Vịnh sẽ tiếp sức cho giá dầu. Theo Shane Chanel, chuyên gia tư vấn của ASR Wealth Advisers, nguy cơ xung đột tại khu vực vùng Vịnh có thể đẩy giá dầu tăng cao, dầu WTI có thể leo lên trên 60 USD/thùng, trong khi dầu Brent có thể đạt trên 70 USD/thùng vào cuối năm nay.
Việc giá dầu tăng trong thời gian vừa qua và có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới là những thông tin hỗ trợ rất tốt cho cổ phiếu ngành dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuần giao dịch qua, có thể nhận thấy gần như tất cả các nhóm ngành cổ phiếu đều có mức tăng tốt; trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong là một trong những lực đẩy của thị trường.
Cụ thể CTG (Ngân hàng TMCP Công Thương) tăng 8,8%, BID (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam) tăng 5,4%, ACB (Ngân hàng TMCP Á Châu) tăng 5,3%, MBB (Ngân hàng TMCP Quân đội) tăng 4%, VCB (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam) tăng 2,9%, STB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín) 2,7%, LPB (Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt) 1,6%, SHB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội) 1,3%.
Tuần qua, khối ngoại giao dịch rất mạnh tại một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Tính chung cả hai sàn HOSE và HNX, với tổng khối lượng mua ròng đạt hơn 158,38 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 7.387,7 tỷ đồng.
Thanh khoản cũng đạt mức kỷ lục từ khi thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam nhờ giao dịch thỏa thuận lớn của VRE, với trung bình mỗi phiên hơn 8.600 tỷ đồng giao dịch trên cả hai sàn.
Với những diễn biến của thị trường hiện tại, nhiều công ty chứng khoán đưa ra nhận định nghiêng về quan điểm xu thế tăng vẫn còn tiếp tục, nhưng nhà đầu tư cũng cần đề phòng với những mã cổ phiếu đã và đang được đẩy giá lên khá cao.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, với diễn biến tích cực ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và sức lan tỏa tốt của dòng tiền trong các phiên gần đây, nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục tăng điểm trong các phiên sắp tới.
Mặc dù vậy, xu hướng tăng điểm bền vững trong trung hạn chưa đủ điều kiện được xác nhận. Áp lực chốt lời có thể nhanh chóng quay trở lại ở vùng giá cao đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng nóng.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), dòng tiền vẫn có sự tập trung chủ yếu ở nhóm vốn hóa lớn, giúp nhóm này tăng giá mạnh, qua đó đẩy chỉ số VN-Index tăng lên đỉnh cao mới.
Sự phân hóa mạnh trên thị trường tiếp tục diễn ra nên cơ hội tìm kiếm lợi nhuận hiện tại đang bị thu hẹp lại đáng kể với số đông các nhà đầu tư.
Nhìn chung, đà tăng điểm có thể tiếp tục trong tuần tới, tuy nhiên quan điểm thận trọng trong giao đoạn này là cần thiết.
SHS dự báo, trong tuần giao dịch 13-17/11, VN-Index có thể sẽ tăng điểm để vượt ngưỡng tâm lý tiếp theo tại 870 điểm nhờ lực đẩy của các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định: "Nhìn chung, thị trường vẫn tiếp tục phân hóa mạnh, thanh khoản thị trường nếu loại bỏ giá trị khớp lệnh của VNM thì vẫn được duy trì so với phiên trước.

Sự tăng điểm của các cổ phiếu trụ cột cũng góp phần nâng đỡ tâm lý nhà đầu tư, sẽ giúp cho chỉ số thị trường tiếp tục chinh phục những mốc cao hơn nhưng cũng cần đề phòng với những mã cổ phiếu đã và đang được đẩy giá lên khá cao"./.

>>> Chứng khoán Mỹ trải qua tuần “ảm đạm”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục