Trường Trung học Cơ sở Hưng Dũng dừng dạy học theo mô hình trường học mới

17:19' - 12/09/2017
BNEWS Sau hai năm thực hiện dạy học theo mô hình trường học mới (VNEN), năm học 2017 – 2018, Trường Trung học Cơ sở Hưng Dũng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An quyết định dừng dạy học theo mô hình này.
Đây là kết quả sau khi thăm dò ý kiến của giáo viên, phụ huynh với tỷ lệ đồng ý gần như tuyệt đối.
Sáng thứ 3 (12/9), giờ Hóa học của thầy giáo Nguyễn Bá Hùng ở lớp 8B – Trường Trung học Cơ sở Hưng Dũng đã có sự thay đổi khi đa phần học sinh trong lớp đã chuyển từ sách Hướng dẫn học Khoa học tự nhiên sang sách Hóa học – sách giáo khoa hiện hành.
37 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Nguyễn Bá Hùng nói: Với môn Hóa học, với chương trình trường học mới, từ năm lớp 6 các em đã được làm quen. Thế nhưng học hai năm lớp 6, lớp 7 dù về lý thuyết là tương đương với chương trình học kỳ 1 của học sinh lớp 8 nhưng các em chỉ học qua loa vài khái niệm, học xong quên luôn. Học sinh học xong không nắm được bài, tôi sốt ruột lắm.
Với kinh nghiệm của mình, thầy Hùng cho biết: Hạn chế của chương trình trường học mới đó là các em không có kỹ năng làm bài, đó là các kỹ năng về tính toán, viết lách, trình bày, xử lý bài tập. Thực tế, nếu học 4 năm Hóa học theo chương trình trường học mới, học sinh chỉ học nhiều nhất là 120 tiết. Trong khi đó, chỉ hai năm lớp 8, lớp 9 của chương trình hiện hành, các em đa được học 140 tiết. Trong khi đó, năng lực của học sinh lớp 6 tiếp thu môn Hóa học khác biệt rất nhiều với một học sinh lớp 8.
Trường Trung học Cơ sở Hưng Dũng là một trong 26 trường đầu tiên của tỉnh Nghệ An triển khai thí điểm dạy học chương trình trường học mới ở bậc Trung học Cơ sở. Tuy nhiên, từ khi thực hiện đến nay, nhiều phụ huynh học sinh và cả giáo viên vẫn băn khoăn. Điều này cũng lý giải vì sao, khi Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An có chủ trương để nhà trường lấy ý kiến về việc sử dụng sách giáo khoa hiện hành thay sách giáo khoa Hướng dẫn học theo mô hình trường học mới, có đến 419/436 phụ huynh Khối 6,7,8 (chiếm 96%) và 27/29 giáo viên đang dạy chương trình trường học mới (chiếm 93%) đồng tình ủng hộ. Với kết quả trên, ngay từ tuần thứ 2 của năm học mới, Trường Trung học Cơ sở Hưng Dũng đã dừng chương trình trường học mới thử nghiệm và quay lại chương trình hiện hành.
Thầy giáo Ninh Viết Tăng, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Hưng Dũng khẳng định: Việc chuyển sang chương trình hiện hành sẽ giúp nhà trường thuận lợi hơn trong quá trình điều hành vì bây giờ tất cả học sinh của trường chỉ còn học theo một chương trình, một sách giáo khoa. Khó khăn hiện nay, là làm thế nào để các em cân bằng được lượng chuẩn kiến thức, đặc biệt là ở các môn như Vật lý, Sinh học và một số môn khác như Hóa học, tiếng Anh, Toán học…
Ngay từ tuần học thứ hai, Ban Giám hiệu Nhà trường đã giao trách nhiệm cho các tổ chuyên môn rà soát lại toàn bộ sách giáo khoa của hai chương trình để thống kê nội dung. Qua đó, nếu bài nào học sinh chưa được học trong chương trình trường học mới sẽ tổ chức dạy và bồi dưỡng thêm cho học sinh để đảm bảo kiến thức. Những kiến thức nào học sinh đã học nhưng chưa đầy đủ cũng sẽ phải củng cố lại…Nhà trường xác định “khoảng trống” này không thể ngày một, ngày hai là có thể xử lý xong mà có thể là cả một quá trình và tùy thuộc vào từng năng lực học sinh.
Liên quan đến việc chuyển đổi còn có hơn 300 bộ sách giáo khoa theo chương trình trường học mới mà nhà trường đã đặt cho học sinh khối 8 và khối 9 với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng. Về việc này, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Hưng Dũng khẳng định, đây là điều bất khả kháng vì thời điểm tháng 8, Nhà trường buộc phải đặt mua để học sinh kịp có sách đầu năm học mới. Nay, sách không sử dụng nữa “chúng tôi buộc phải đến từng lớp mong phụ huynh thông cảm và chia sẻ với nhà trường vì sách không thể trả lại”…
Từ sự việc này của Trường Trung học Cơ sở Hưng Dũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý và chỉ đạo hiện nay của các trường, các Phòng Giáo dục đào tạo và đơn vị chủ quản là Sở Giáo dục và Đào tạo ở Nghệ An. Đó là, thay vì phải “chờ” lấy ý kiến của phụ huynh, giáo viên, các đơn vị có trách nhiệm cần có sự định hướng rõ ràng cho các nhà trường để tránh sự bị động. Hơn thế, cũng là để tránh lãng phí về thời gian, nhân lực, sách giáo khoa, trang thiết bị dạy học./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục