Trung Quốc tăng cường hiện diện về kinh tế, đầu tư tại châu Phi

05:30' - 08/06/2018
BNEWS Theo một số nghiên cứu được đưa ra gần đây, châu Phi có thể nổi lên như một thế lực mới của kinh tế thế giới nhờ các khoản đầu tư từ Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tại một sự kiện ở Pretoria. Ảnh: Reuters
Sự hỗ trợ kéo dài hàng thập kỷ qua của Trung Quốc đối với châu Phi đã mang đến những kết quả cụ thể, với hàng nghìn km đường sắt mới và hàng chục cảng biển, sân bay và các nhà máy điện được xây dựng nhờ các dự án đầu tư của Bắc Kinh. 

Trong cuốn sách mới với nhan đề “Công xưởng tiếp theo của thế giới”, tác giả Irene Yuan Sun nhấn mạnh Trung Quốc đã tạo điều kiện để châu Phi nổi lên thành một nhà máy đầy tiềm năng của thế giới. 

Cuốn sách chỉ ra rằng Bắc Kinh đang chia sẻ kinh nghiệm và những thực tiễn tốt nhất của mình với châu Phi để biến các quốc gia thuộc châu lục này thành những cơ sở sản xuất trong vài thập kỷ gần đây.

Theo nghiên cứu từ Hội đồng Các vấn đề quốc tế của Nga (RIAC), Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại chính của châu Phi kể từ năm 2009. Trong năm 2000, tổng kim ngạch giữa Trung Quốc và châu Phi mới ở mức 10 tỷ USD và đã tăng vọt lên 220 tỷ USD năm 2014.

Năm 2017, Trung Quốc đã đầu tư vào châu Phi thông qua cung cấp các khoản vay cho các quốc gia châu lục này với giá trị lên đến hơn 100 tỷ USD. Các đối tác lớn của Bắc Kinh trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp là Ai Cập, Nigeria, Algeria, Nam Phi, Ethiopia, Congo, Zambia, Angola, Morocco, Niger, Cameroon, CH Chad và một số quốc gia khác. 

Các nhà quan sát đặc biệt chú ý đến Quỹ Phát triển Trung Quốc - châu Phi (thường được gọi là Quỹ CAD) do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc tài trợ.

Quỹ này được hình thành năm 2006 và chính thức hoạt động năm 2007, đóng vai trò to lớn trong cung cấp các nguồn vốn phát triển cho châu Phi. Không giống như các cơ quan viện trợ khác của Trung Quốc, thay vì cho vay, quỹ này thực hiện đầu tư trực tiếp tại châu Phi thông qua đồng tài trợ cho các dự án của Trung Quốc và của nước ngoài triển khai trên châu lục.

Quỹ CAD cung cấp 1/3 ngân sách cần thiết cho một dự án, hoạt động như một nhà đầu tư “đứng ở hậu trường”. Trong 10 năm qua, quỹ CAD đã đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD vào 91 dự án thuộc 36 quốc gia châu Phi.

Theo số liệu năm 2017, hàng năm các nước thuộc “lục địa Đen” sản xuất 11.000 xe tải, 300.000 máy điều hoà, 540.000 tủ lạnh, 390.000 máy thu hình (TV) và 1,6 triệu tấn xi măng trong khuôn khổ các sáng kiến của quỹ CAD.

Mặc dù CAD không công bố dữ liệu về các hoạt động cụ thể, RIAC cho rằng quỹ này đã tham gia vào các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng, sản xuất công nghiệp, chiết xuất - chế biến tài nguyên thiên nhiên và nông nghiệp. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã tham gia xây dựng hơn 100 khu công nghiệp, 40% trong số đó đã đi vào hoạt động.

Hơn nữa, 5.756 km đường sắt, 4.335 km đường cao tốc, chín cảng biển, 14 sân bay, 34 nhà máy điện cũng như 10 nhà máy thủy điện lớn và khoảng 1.000 nhà máy thuỷ điện nhỏ đã được xây dựng tính đến cuối năm 2016, thông qua sự hỗ trợ nguồn vốn từ Trung Quốc.

Các dự án đường sắt của Trung Quốc ở châu Phi được cho là đã giúp cho các nước thay đổi diện mạo kinh tế-xã hội và tăng cường hội nhập chính trị trong khu vực. 

Chuyên gia phân tích Nikolai Shcherbakov thuộc Trung tâm Nghiên cứu châu Phi thuộc Viện Lịch sử tổng hợp - Viện Hàn lâm khoa học Nga (RAS) - cho biết việc đầu tư vào bất kỳ hoạt động sản xuất nào ở châu Phi sẽ rất rủi ro khi bao gồm cả việc xây dựng đường sắt nhưng trái với dự báo, Trung Quốc đã đạt được những kết quả to lớn.

Trong khi các số liệu liên quan đến hỗ trợ phát triển mà Trung Quốc dành cho châu Phi do Bắc Kinh công bố là tương đối thấp, Trung tâm phát triển toàn cầu của Mỹ đã đưa ra một nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn 2000-2016, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới đã giành cho châu Phi khoản viện trợ cao hơn nhiều so với những gì đã công bố, gần đạt đến mức 75 tỷ USD nếu tính cả các dự án trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hoá.

Mặc dù Trung Quốc hiện diện ngày càng sâu rộng trong đời sống kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia châu Phi nhưng các phương tiện truyền thông của Bắc Kinh thường xuyên nhấn mạnh nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và khẳng định đây là nền tảng ngoại giao của Trung Quốc.

Sau sự suy giảm của chiến lược thuộc địa do phương Tây dẫn đầu, Trung Quốc dường như đã tìm ra một cách mới để gia tăng ảnh hưởng đối với châu lục này bằng cách đầu tư mạnh vào mọi lĩnh vực của châu Phi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục