Trung Quốc hưởng lợi khi Mỹ căng thẳng với các đồng minh

05:30' - 19/06/2018
BNEWS Tờ New York Times mới đây đăng bài viết của tác giả Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), phân tích về cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một phát biểu tại Washington. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định có thể đẩy mạnh quan hệ của Mỹ với các đối tác thương mại châu Á của Trung Quốc và đem đến cho Washington đòn bẩy có thể tác động buộc Trung Quốc mở cửa thị trường.

Hiện nay, việc đánh thuế vào mặt hàng nhôm, thép, trong đó Mỹ phần lớn nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) và Canada, đã làm lợi cho Trung Quốc do hành động đó đã tạo ra mối bất hòa lớn giữa Mỹ với các đồng minh gần gũi nhất.

Tình trạng cô lập của Mỹ cũng phục vụ cho câu chuyện mà Trung Quốc thường kể rằng Mỹ là một đối tác không đáng tin cậy, đồng thời nó giúp Trung Quốc thực hiện các mục tiêu làm suy yếu các cơ chế quan trọng như G7 mà Trung Quốc không phải là thành viên.

Từ chỗ được xem là quốc gia đặt nền tảng cho tự do thương mại và bảo vệ trật tự thế giới dựa trên luật pháp, hiện nay Mỹ bị coi là yếu tố gây cản trở cho tiến trình này.

Tại Đối thoại Shangri-La vừa qua diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen chỉ trích Mỹ và Trung Quốc là các nhân tố làm xói mòn các thỏa thuận đa phương có lợi cho toàn khu vực.

Ông nói: “Nếu các tiêu chí toàn cầu không được bảo vệ hoặc gìn giữ, sự đổ vỡ có thể đe dọa thực sự đến các cơ chế an ninh và thương mại đang tồn tại, sau đó tất cả chúng ta sẽ bước vào giai đoạn khó khăn”. 

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cũng nhấn mạnh rằng “trong bối cảnh Mỹ đảo ngược các vai trò của họ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trở thành 'nhà vô địch' của chủ nghĩa toàn cầu”. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã nêu cao tự do thương mại và phản đối các chính sách bảo hộ.

Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo đầy quyền lực.Dưới sự lãnh đạo của ông, Trung Quốc đang thúc đẩy một loạt thách thức đối với Mỹ và đồng minh trên các lĩnh vực kinh tế, quân sự và hệ tư tưởng. Một chiến lược tổng quát có hiệu quả để đối phó với các thách thức đó cần bắt đầu bằng việc hình thành một liên minh làm đối trọng với Trung Quốc và trong liên minh đó, Mỹ vẫn dẫn đầu và giữ vị trí trung tâm.

Những tiêu chí đầu tiên cho liên minh này cần phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thúc ép Trung Quốc cắt bỏ các khoản viện trợ của Chính phủ cho các công ty và có thể đối phó với Kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc đến năm 2025” - một lộ trình nhằm đưa Trung Quốc thống trị hầu hết các nền công nghệ trong tương lai, bao gồm ngành robot học và trí tuệ nhân tạo.

Tương tự như vậy, sự hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông đang làm xói mòn quyền của các nước trong việc khai thác các nguồn tài nguyên trong phạm vi chủ quyền hàng hải hợp pháp của họ. Để bảo vệ những quyền này cũng như bảo vệ tự do hàng hải, cần có sự hỗ trợ chủ động từ các nước cùng chung quan điểm, bao gồm các đồng minh của Mỹ ở châu Âu.

Nếu chính quyền Trump thực sự tìm kiếm biện pháp giải quyết các thách thức đặt ra từ phía Trung Quốc vốn được đề cập trong các văn bản chiến lược như Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Quốc phòng Quốc gia thì cần phải làm giảm bớt khuynh hướng độc đoán, bảo hộ của Tổng thống Trump, xây dựng lại các mối quan hệ với đồng minh, khôi phục lòng tin và vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Các mối quan hệ liên minh cần ở vị trí trung tâm trong chiến lược của Mỹ nhằm thúc đẩy cạnh tranh có hiệu quả với một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh.Tới khi Washington hiểu được những điều này, Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục khai thác các cơ hội mà họ đang nắm giữ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục