Trồng nghệ xen canh trong vườn cao su non cho thu nhập cao

13:12' - 27/11/2017
BNEWS Mô hình trồng nghệ xen canh trong vườn cao su non là hướng phát triển kinh tế mới đối với nông dân xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Mô hình trồng xen nghệ vườn cao su non cho thu nhập cao. Ảnh minh họa: TTXVN

Mô hình tạo điều kiện giúp hàng chục lao động nhàn rỗi tại địa phương có việc làm với mức thu nhập ổn định.
Là hộ thực hiện mô hình trong vài năm, bà Phạm Thị Ánh Tuyết, ấp 6, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc chia sẻ: Ở vùng đất đỏ bazan này, cây nghệ phát triển rất tốt.

Nghệ trồng ở đây ít bị nấm, bệnh với lượng tinh bột đạt cao. Nhưng người trồng muốn gắn bó lâu dài với "củ nghệ" phải có được đầu ra ổn định.
Bà Tuyết nhớ lại, trước đây từng là công nhân Công ty Cổ phần cao su Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, sau khi nghỉ hưu thấy khoảng đất trống trong vườn cao su non mới trồng chưa tạo tán bỏ không lãng phí.

Thời gian đầu triển khai, gia đình gặp nhiều khó khăn do thiếu đầu ra và kinh nghiệm trồng.

Năm 2014, bà mạnh dạn ký hợp đồng thuê lại 50ha đất của Công ty Cổ phần Cao su Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc để trồng cây gừng dưới tán cao su non.

Vụ thu hoạch lứa gừng đầu tiên, gia đình lỗ gần 300 triệu đồng do chưa có đầu ra ổn định.
Năm 2015, qua tìm hiểu thị trường, bà nhận thấy, nhu cầu thu mua nghệ làm tinh bột của các công ty, cơ sở chuyên chế biến tinh bột nghệ rất lớn.

Bà Tuyết mạnh dạn tới Công ty Cổ phần Phúc An, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh đặt vấn đề liên kết bao tiêu sản phẩm.

Có được đầu ra, bà Tuyết chủ động học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc nghệ qua mạng.
Nhờ vậy, vụ thu hoạch nghệ tiếp theo thu nhiều củ chất lượng tốt với lượng tinh bột đánh giá đạt loại I. Năng suất đạt bình quân 16 tấn/ha.

Từ đó đến nay, bà Tuyết duy trì trồng nghệ theo mô hình trên và hiện giải quyết việc làm thường xuyên đối với khoảng 40 lao động, thu nhập bình quân 200.000 đồng/ngày.

Vào thời gian cao điểm, số lao động làm việc lên tới 60 người (thường xuyên và thời vụ).
Chia sẻ hiệu quả kinh tế, Bà Tuyết không giấu giếm, trồng nghệ dưới tán cao su so với các loại cây ngắn ngày như cây sắn (khoai mỳ), bắp… thu nhập mang lại là cao hơn.

Với 50ha hiện có, trừ chi phí, gia đình bà Tuyết lãi khoảng 1 tỷ đồng/vụ (1 vụ khoảng 10 tháng).
Từ mô hình của bà Tuyết, nhiều người tại địa phương học hỏi và làm theo bà đê rphát triển kinh tế hộ gia đình.

Từ tháng 4 âm lịch vừa qua, gia đình bà Văn Thị Xuân, ấp 6, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc thuê lại 10ha đất đang trồng cao su non với 2 năm tuổi của Công ty Cổ phần cao su Hòa Bình, để xuống giống nghệ.

Hiện vườn nghệ của bà phát triển tốt và cho nhiều củ. Ra tết, dự kiến thu hoạch 10ha với sản lượng thu được hơn 100 tấn nghệ tươi.
Bà Xuân đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một cơ sở chuyên chế biến tinh bột nghệ ở thành phố Vũng Tàu, giá bán là 7.500 đồng/kg nghệ tươi.

Năm 2018, bà Xuân dự định sẽ hợp đồng thuê thêm 20ha diện tích đang trồng cao su non của Công ty Cao su Hòa Binh để trồng nghệ.
Xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc hiện có khoảng gần 100 ha đất trồng xen canh các cây ngắn như: bắp, mì, nghệ, đậu phộng… dưới tán cao su non.

Ông Lê Xuân Song, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc đánh giá, hiệu quả ban đầu của mô hình trồng nghệ xen canh trong vườn cao su non phát triển tốt do hợp thổ nhưỡng, khí hậu.

Lượng tinh bột được các công ty, cơ sở thu mua đánh giá tốt.

Đây là cách làm mới tạo tạo phong trào phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, tăng thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, ông Lê Xuân Song, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc cho rằng, khi thực hiện mô hình trồng nghệ xen canh trong vườn cao su non, người trồng nên tìm hiểu kỹ về kỹ thuật, thị trường và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định, tránh tình trạng trồng ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu./.

Xem thêm:

>>>Bà Rịa - Vũng Tàu: Ao nuôi tôm thiệt hại do xả lũ hồ chứa nước Sông Ray

>>>Kết thúc "giải cứu" chuối ế, nông dân lại tiếp tục trồng tự phát cầu may

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục