Triển vọng lạc quan của thị trường vàng thế giới những tháng cuối năm 2017

18:37' - 03/11/2017
BNEWS Thị trường vàng thế giới liên tục trồi sụt trong thời gian qua và lên xuống theo biến động của đồng USD, động thái của ngân hàng trung ương các nước cũng như những bất ổn địa chính trị.

Dù để trượt khỏi ngưỡng tâm lý 1.300 USD/ounce, song giới phân tích nhận định rằng kim loại quý này đang đứng trước lợi thế trong ngắn hạn.

Những nhân tố chi phối

Một loạt sự kiện đã diễn ra trong tuần này, tác động ít nhiều tới giá vàng thế giới, bao gồm cuộc họp chính sách của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), Ngân hàng trung ương Anh (BoE), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), báo cáo việc làm tháng Mười của Mỹ và tình hình bất ổn vẫn đang tiếp diễn ở vùng Catalunya (Tây Ban Nha).

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ quyết định giữ nguyên lãi suất. Ảnh: AFP/TTXVN

Fed vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện hành và cho biết kinh tế Mỹ đang tăng trưởng bền vững, thị trường lao động ổn định và những thiệt hại của các cơn bão Harvey, Irma không đáng ngại. Điều này càng củng cố khả năng ngân hàng này sẽ tăng lãi suất vào tháng 12 tới.

Tuy nhiên, sức hấp dẫn của vàng vẫn không giảm bớt khi đồng USD yếu đi và lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ kỳ hạn 10 năm tụt xuống mức thấp nhất trong hai tuần, do các nhà lãnh đạo phe Cộng hòa đề xuất giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 20%, đồng thời đề nghị giảm mức thuế cho các cá nhân.

Ngoài ra, theo nhà phân tích thị trường kỳ cựu của OANDA, Jeffrey Halley, sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư Trung Quốc đã tạo niềm tin vào vàng. Lượng vàng tiêu thụ tại Trung Quốc trong các tháng 1-9/ 2017 đạt 815,89 tấn, tăng 15,49% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó việc tiêu thụ vàng miếng là lực đẩy chính.

Thông tin từ Hiệp hội Vàng Trung Quốc (CGA) cho biết lượng vàng miếng tiêu thụ tại nước này trong ba quý vừa qua tăng 44,45% lên 222,07 tấn, trong lúc nhu cầu tiêu thụ các loại trang sức sản xuất từ vàng chỉ tăng 7,44% lên 503,87 tấn. Nhu cầu tăng đã kéo giá vàng trong nước của Trung Quốc và giá vàng thế giới tăng, từ đó giúp thu hẹp được khoảng cách.

Thống kê cho thấy Ngân hàng trung ương Nga đã mua 131 tấn vàng dự trữ trong giai đoạn từ tháng 1-9/2017, với từ 6-31 tấn/tháng trên thị trường liên ngân hàng. Tính đến đầu tháng này, dự trữ vàng của Ngân hàng trung ương Nga có trị giá khoảng 73,6 tỷ USD, cao hơn so với mức 65,5 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.

Các nhà đầu tư hướng sự chú ý vào sự kiện đề cử chủ tịch mới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), người sẽ có ảnh hưởng đến tiến độ nâng lãi suất trong tương lai. Tổng thống Donald Trump vừa lựa chọn ông Jerome Powell, một thành viên của Hội đồng Thống đốc Fed, giữ chức Chủ tịch Fed thay thế bà Janet Yellen sau khi bà hết nhiệm kỳ vào tháng 2/2018. Ông Powell được xem là người có quan điểm mềm mỏng và vì vậy sẽ có tác động tích cực tới giá vàng hơn so với ứng viên khác.

Theo nhà phân tích Barnabas Gan của OCBC, giá vàng sẽ được hỗ trợ ở mức trên 1.270 USD/ounce trong vòng một tuần tới và sau khi Fed họp vào tháng 12, với khả năng lãi suất sẽ được tăng một lần nữa, giá vàng có thể xuống đến 1.250 USD/ounce vào cuối năm.

Giá vàng khá nhạy cảm với việc lãi suất tăng, khi nó khiến chi phí cơ hội cho việc nắm giữ những tài sản không sinh lời như vàng tăng, trong khi làm tăng giá đồng USD mà vàng được định giá theo.

Tính tới phiên chiều 3/11 giá vàng giao ngay tại châu Á được giao dịch ở mức 1.275,82 USD/ounce, và vẫn còn cách khá xa ngưỡng 1.300 USD.

Nhiều dự báo đưa vàng "tỏa sáng" hơn

Theo nhà phân tích về kỹ thuật Wang Tao của Reuters, giá vàng giao ngay có thể phá ngưỡng kháng cự 1.283 USD/ounce, tăng lên khoảng 1.289-1.295 USD/ounce trong thời gian tới.

Xét về ngắn hạn, Giám đốc điều hành của tập đoàn CPM, Jeff Christian, đưa ra dự báo khá lạc quan về thị trường kim loại quý. Theo đó, trong vài tháng tới, giá vàng có thể sẽ tăng trở lại mức 1.340 USD/ounce, thậm chí là lên tới 1.360 USD/ounce vào cuối tháng 11 và tháng 12.

Về triển vọng năm 2018, tùy thuộc vào những gì xảy ra trên thị trường tài chính toàn cầu, nhịp độ tăng của giá vàng có thể diễn ra nhanh hơn chút ít so với vài năm gần đây.

Giá vàng được dự báo khá lạc quan. Ảnh: AFP

Giữa bối cảnh năm 2017 đã bước vào quý cuối cùng, các nhà đầu tư quan tâm tới thị trường vàng cần chú ý tới một số nhân tố có thể tác động tới giá kim loại quý này trong ngắn hạn. Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng tình hình căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực sẽ tiếp tục là động lực chính hậu thuẫn cho giá vàng trong cuối năm nay.

Brien Lundin, biên tập viên của tờ Gold Newsletter và Nitesh Shah, nhà chiến lược hàng hóa tại ETF Securities đều có chung quan điểm rằng “câu chuyện” giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ sẽ không sớm kết thúc, và đây sẽ là “chất xúc tác” giúp giá vàng khởi sắc trong vài tháng tới.

Theo ông Ludin, việc nắm rõ lộ trình nâng lãi suất của Fed là rất quan trọng, song không cần thiết phải lo ngại quá mức về điều đó. Ông lưu ý, giá vàng đã giảm khi đón đầu đợt nâng lãi suất của Fed vào tháng 12/2015 và tháng 12/2016, song lại phục hồi ngay khi bắt đầu năm tiếp theo, và kịch bản này có thể lặp lại trong năm nay.

Trong khi đó, Shah cho rằng việc theo dõi hoạt động của các ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng là rất cần thiết nếu muốn đoán định về thị trường vàng. Theo ông, mức độ mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), BoJ và một số ngân hàng khác bắt đầu hoặc tiếp tục với chương trình nới lỏng chính sách tiền tệ của họ cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các tài sản phi lợi nhuận như vàng.

Theo Francisco Blanch, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa tại Bank of America Merrill Lynch, nhận định giá vàng đang trên đà tăng lên mức cao nhất trong bốn năm qua là 1.400 USD vào đầu năm 2018. Ông cho rằng, lãi suất dài hạn của Mỹ thấp và sự chậm trễ của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc đưa ra các cải cách sẽ hỗ trợ đà tăng của giá vàng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với dự báo tích cực trên. Ông Lundin cho rằng, giá vàng sẽ khó cán mốc 1.400 USD/ounce trong năm nay, vì kim loại quý này đã không thể duy trì được sức mạnh từ đà tăng ấn tượng kể từ hồi tháng Bảy.

Ông hy vọng, vàng sẽ kết thúc năm nay ở mức giá khoảng 1.300 USD/ounce-1.325 USD/ounce, và đây là “bệ phóng” hoàn hảo để mặt hàng này “tỏa sáng” hơn trong năm 2018.

Trong khi đó, ETF Securities lại đưa ra dự báo khiêm tốn hơn khi cho rằng giá vàng sẽ giao dịch trong khoảng 1.260 USD/ounce trong quý IV/2017 và có thể chỉ đạt 1.230 USD/ounce vào giữa năm 2018.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Macro Voices, Giám đốc điều hành của tập đoàn CPM, Jeff Christian nhận định rằng, vào giai đoạn 2020-2022 giá vàng có thể đạt mức cao kỷ lục nếu xét theo giá trung bình hàng năm. Ông nêu rõ, với giá trung bình hàng năm của vàng là 1.650- 1.700 USD/ounce, giá vàng sẽ leo lên ngưỡng 2.000 USD/ounce trong 3-5 năm tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục