Triển vọng kinh tế toàn cầu 2018 trước ba rủi ro lớn

17:38' - 20/12/2017
BNEWS Các nhà kinh tế đang có những dự báo tương tự cho năm 2018, với một kịch bản Goldilocks, tức không quá "nóng" cũng không quá "lạnh", nhưng đi kèm là ba rủi ro...
Triển vọng kinh tế toàn cầu 2018 trước ba rủi ro lớn. Ảnh minh họa: EPA

Sau một năm kinh tế toàn cầu tăng trưởng tương đối mạnh, các nhà kinh tế đang có những dự báo tương tự cho năm 2018, với một kịch bản Goldilocks, tức không quá "nóng" cũng không quá "lạnh", nhưng đi kèm là ba rủi ro đến từ chính sách của các ngân hàng trung ương, chính sách thương mại và các bong bóng tài sản.
Các dự báo tăng trưởng trong năm 2017 với một số nền kinh tế đã được nâng lên, nhất là với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Nhật Bản.

Chẳng hạn, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2017 của kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế phát triển từ các mức tương ứng 3,4% và 1,8% lên 3,6% và 2,2%, còn của Eurozone và Nhật Bản từ các mức tương ứng 1,5% và 0,6% lên 2,1% và 1,5%.

Điều này đã mang lại sự lạc quan cho một số nhà kinh tế.

Nomura nằm trong số đó, khi cho rằng tăng trưởng kinh tế của toàn cầu có khả năng tự lực mạnh hơn nhiều so với bất kỳ thời điểm nào trong 20-30 năm qua.
Tuy nhiên, có nhiều rủi ro kinh tế và chính trị tiềm ẩn trong kịch Goldilocks, đặc biệt là từ chính sách của các ngân hàng trung ương, chính sách thương mại và các bong bóng tài sản.

Rủi ro đầu tiên đến từ sai lầm chính sách khiến những người đi vay chịu sức ép. Rủi ro thứ hai liên quan đến chính sách bảo hộ của Mỹ và phản ứng trước hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc với các rào cản thương mại bất lợi cho tăng trưởng được triển khai.

Rủi ro thứ ba là sự lao dốc bất ngờ của thị trường ảnh hưởng đến chi tiêu và nhu cầu.
Sự thành công của kinh tế toàn cầu năm 2017 một phần là nhờ sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và những nỗ lực của các ngân hàng trung ương trong việc rút dần các biện pháp kích thích như vậy.

Bước vào năm 2018, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến tăng lãi suất ba lần, Ngân hàng Trung ương châu Âu đang hãm tốc độ mua tài sản và Trung Quốc sẽ tăng lãi suất.

Tất cả những điều này sẽ được các nhà hoạch định chính sách thận trọng thông báo, nhưng những sai lầm có thể xảy ra và bất kỳ sự thay đổi lớn nào có thể sẽ làm giảm sức chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Theo tập đoàn chứng khoán Sifma, khối lượng nợ chưa thanh toán của các doanh nghiệp Mỹ hiện gần 8,8 nghìn tỷ USD, tăng 35% kể từ năm 2010 và là động lực chính cho sự phát triển của doanh.
Theo nhà kinh tế trưởng tại châu Á của Morgan Stanley, Chetan Ahya, báo cáo Triển vọng 2018 cho rằng những rủi ro đối với sự ổn định tài chính là mối đe dọa lớn hơn đến việc duy trì chu kỳ tăng trưởng so với rủi ro đối với sự ổn định giá cả.

Điều này có nghĩa việc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế đà tăng trưởng quá mạnh và rủi ro lạm phá sẽ gây ra sự hạn chế tín dụng, do đó khiến Mỹ, châu ÂU, Trung Quốc và Nhật Bản thận trọng.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2016 với chủ trương "Nước Mỹ là trên hết".

Khi lên nắm quyền, ông đã có những động thái nhân danh lợi ích của nước Mỹ, chẳng hạn điều tra thép nhập khẩu, phản đối việc chỉ định các thẩm phán tại Tổ chức Thương mại Thế giới, và rút Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương hiện còn 11 nước thành viên.

Các biện pháp khác chưa có tiến triển, đặc biệt là việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ và cam kết buộc Trung Quốc phải từ bỏ các hành vi thương mại không công bằng.

Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng lên 43,5 tỷ USD mặc dù xuất khẩu là động lực tăng trưởng kinh tế. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc giảm nhưng vẫn là 34,6 tỷ USD.

Ông Trump nói thâm hụt thương mại ở mức cao phải nhanh chóng giảm đi. Nếu những tuyên bố được biến thành hành động, môi trường kinh tế năm 2018 sẽ nhanh chóng xấu đi.
Theo Conference Board, xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ gấp gần năm lần so với xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc, có nghĩa bất kỳ rào cản thương mại nào được thực hiện sẽ tác động đến tăng trưởng của Trung Quốc, nước đóng vai trò không nhỏ đối với sự thịnh vượng của các quốc gia xuất khẩu như Đức.

Đây không chỉ là vấn đề trong quan hệ Mỹ-Trung. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thương mại toàn cầu đóng góp 52% tổng GDP, hơn gấp đôi so với 50 năm trước.
Với rủi ro bong bóng, sẽ không khó đánh giá tác động đến tăng trưởng nếu nhớ lại cú lao dốc của các thị trường tài chính trong thế kỷ này.

WB ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm từ 4,4% năm 2000 xuống khoảng 1,9% năm 2001, khi bong bóng dot.com vỡ và cuộc khủng hoảng tài chính gây ra sự trượt dài trong tăng trưởng từ tăng 4,3% năm 2007 xuống giảm 1,7% năm 2009.

Khi bong bóng vỡ, các công cụ tài chính lao dốc, khiến các doanh nghiệp và người tiêu dùng dừng chi tiêu, dẫn tới làm giảm sút tăng trưởng, mất việc làm và vỡ nợ.

Có rất nhiều ví dụ về những tài sản tăng giá không phanh trong năm qua mà một trong số đó là đồng bitcoin.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục