Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống rét và dịch bệnh cho đàn gia súc

13:17' - 25/11/2017
BNEWS Để hạn chế thiệt hại, đồng thời đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của đàn gia súc, tỉnh Cao Bằng đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho đàn súc khi mùa đông đến.
Người chăn nuôi dùng chiếu đắp để giữ ấm cho đàn trâu. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Chăn nuôi trâu và bò sinh sản là nguồn thu nhập chính của gia đình của gia đình ông Nông Văn Hòi, xóm Nà Rảng, xã Mã Ba, huyện Hà Quảng.

Hiện nay, gia đình ông Hòi có 15 con trâu, bò trong đó có 5 con bò sinh sản. Trước khi mùa lạnh đến ông đã gia cố, che chắn và vệ sinh chuồng trại cẩn thận, sạch sẽ.

Mùa đông cũng là thời điểm có nhiều dich bệnh xảy ra với trâu bò, vì thế gia đình ông Hòi luôn chuẩn bị nguồn thức ăn có đủ dinh dưỡng cho trâu, bò đồng thời tiêm chủng đúng định kì. Để đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ gia đình ông đã tận dụng các loại cỏ để ủ chua, trồng thêm ngô và cỏ voi.
Ông Nông Văn Hòi, xóm Nà Rảng, xã Mã Ba, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng cho biết: "Với kinh nghiệm hơn 20 năm chăn nuôi trâu bò, mỗi khi để tăng cường sức đề kháng cho trâu bò, khi rét đậm, rét hại tôi thường cung cấp thêm tinh bột bằng cách nấu cháo ngô và không thả rông trâu bò."
Việc chủ động phòng chống rét cho trâu, bò được lãnh đạo xã Mã Ba, huyện Hà Quảng đặc biệt chú trọng. Vào mùa đông, trong các cuộc họp giao ban, xã luôn quán triệt, chỉ đạo các xóm và nhân dân thực hiện tốt kế hoạch phòng chống rét cho đàn gia súc.

Tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động gia cố, che chắn chuồng trại trước mùa đông. Yêu cầu nhân dân dự trữ chất đốt như củi, cỏ, cành cây khô để sưởi ấm đàn gia súc những ngày rét đậm, rét hại.

Đồng thời thường xuyên yêu cầu người dân vệ sinh chuồng trại, đảm bảo chuồng nuôi gia súc luôn khô ráo, không đọng nước.

Chỉ đạo cán bộ thú y viên hướng dẫn nhân dân ủ chua thức ăn cho gia súc, bổ sung muối ăn phù hợp với thể trọng trâu, bò. Bên cạnh đó, xã cũng chú trọng đến việc tiêm chủng cho gia súc khi dịch bệnh có thể xuất hiện.
Bà Đàm Thị Huế, Chủ tịch xã Mã Ba, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng cho biết, những năm gần đây, nhận thức của bà con xã Mã Ba đã được nâng lên, vì vậy công tác phòng chống rét cho gia súc vào mùa đông đã được bà con chủ động như che chắn chuồng trại, hoặc di chuyển chuồng trại, dự trữ thức ăn cho gia súc.
"Về công tác kiểm dịch, chúng tôi tăng cường công tác tiêm phòng cho gia súc. Đồng thời, thường xuyên giám sát, phát hiện kịp thời, làm công tác phun trừ độc khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn", bà Huế nói.
Tỉnh Cao Bằng hiện có tổng đàn trâu, bò hơn 223.000 con.

Nhằm chủ động bảo vệ đàn gia súc, hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, đảm bảo sức kéo trong vụ Đông Xuân 2017 – 2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cao Bằng đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống rét cho đàn gia súc.
Ông Nông Chí Kiên, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cao Bằng cho biết, để tăng cường phòng chống dịch bệnh, phòng chống rét cho đàn gia súc, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cao Bằng đã tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo; thành lập các đoàn kiểm tra một số huyện trọng điểm có đàn gia súc cao.

Theo đó, công tác tiêm phòng được chia làm hai đợt. Trong đợt hai này (từ tháng 10 năm 2017), các trạm thú y thực hiện đồng bộ biện pháp, tuyên truyền cho bà con nông dân về áp dụng tiêm phòng để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Trước khi mùa đông đến, ngành nông nghiệp tỉnh Cao Bằng đã xây dựng kế hoạch, triển khai các nội dung về phòng chống rét và dịch bệnh cho đàn gia súc đến các thôn, xóm, người chăn nuôi; chủ động lồng ghép các nguồn vốn được giao, hỗ trợ vật tư cho các hộ chăn nuôi thuộc diện nghèo, vùng sâu vùng xa để phòng, chống đói rét cho trâu, bò; tập huấn cho mạng lưới thú y viên xã về cách phòng, chống rét cho gia súc; cung ứng đầy đủ kịp thời các loại vắc xin, dụng cụ cần thiết phục vụ cho công tác tiêm phòng vật nuôi khi có dịch bệnh xảy ra.
Việc chủ động, tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc đúng thời điểm sẽ hạn chế thấp nhất những thiệt hại về kinh tế, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững đối với lĩnh vực chăn nuôi của thành phố, đồng thời cũng là cách tốt nhất để đảm bảo lợi ích về kinh tế cho người chăn nuôi./.
Xem thêm:

>>>Tổng đàn gia súc, gia cầm ở Trà Vinh giảm mạnh

>>>Giảm kháng sinh trong chăn nuôi để đối phó kháng kháng sinh ở người

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục