Triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục thẻ vàng IUU đối với khai thác hải sản

18:40' - 15/12/2017
BNEWS Chiều 15/12, Tổng cục Thủy sản tổ chức hội nghị triển khai giải pháp cấp bách khắc phục thẻ vàng của EC về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục thẻ vàng IUU đối với khai thác hải sản. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ trưởng, Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Thủy sản), ngay sau khi EC tuyên bố áp dụng thẻ vàng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nồng thôn đã tổ chức họp báo để thông báo về vấn đề này, có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ; trao đổi, làm việc và phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan để triển khai các giải pháp cấp bách nhằm thực hiện hiệu quả các khuyến nghị trong thời gian 6 tháng từ 23/10/2017 đến 23/4/2018 để EC xem xét gỡ cảnh báo thẻ vàng đối với Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung chia sẻ, về phía Tổng cục Thủy sản đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục cảnh báo của EC về IUU, đặc biệt, trong khuôn khổ đàm phán song phương trong lĩnh vực thủy sản giữa Việt Nam và Philippines từ ngày 20-21/11/2017, phía Philippines đã chia sẻ kinh nghiệm gỡ thẻ vàng của EC đối với đoàn công tác của Việt Nam.
Năm 2004, Philippines bị EC cảnh báo thẻ vàng và chỉ trong 9 tháng nước này đã gỡ được thẻ vàng với nỗ lực rất cao của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó, tập trung vào 3 nội dung chính là: sửa đổi hệ thống khung pháp lý, trọng tâm là Luật Thủy sản và nâng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm; cải tổ bộ máy quản lý nghề cá, tập trung vào tăng biên chế cho cơ quản thực thi pháp luật và tăng ngân sách cho thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động khai thác trên biển; triển khai chương trình thực thi pháp luật, tập trung vào truy xuất nguồn gốc.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Trưởng Ban điều hành IUU VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc cho biết, EU không chỉ là thị trường định hướng tiêu dùng thủy sản mà EU đã và đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. Việc nhận thẻ vàng đang được các doanh nghiệp và chuyên gia nhận định có thể gây ra nhiều tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp tới việc xuất khẩu hải sản sang thị trường EU, và sau đó sẽ sớm ảnh hưởng đến thị trưởng Mỹ và các thị trưởng tiềm năng khác.
Những năm qua, thị trường EU luôn chiếm trên 17% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường trong 3 năm qua; trong đó, các mặt hàng hải sản khai thác biển luôn chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu sang EU. Thống kê của VASEP, 11 tháng năm 2017, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU là 17,9%, thị trường Mỹ là 17,1%.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc nhận định 5 hệ lụy khi Việt Nam nhận thẻ vàng là xuất khẩu hải sản sang EU sẽ giảm; làm xấu đi hình ảnh và ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu của ngành hải sản nước bị cảnh báo; các thị trường khác có thể sẽ áp dụng các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn; 100% container hàng hải sản xuất khẩu sang EU bị giữ lại kiểm tra nhưng rủi ro nhất là tỷ lệ lớn các container hàng sẽ bị từ chối trả lại và gây tổn thất nặng cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, nếu sau 6 tháng không có cái thiện tích cực theo đánh giá của EC, sẽ bị xem xét chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, đồng nghĩa với bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản khai thác sang EU.
Để góp phần lấy lại “thẻ xanh” cho hải sản Việt Nam, thời gian qua, VASEP thường xuyên liên hệ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam để tháo gỡ những bất cập ở nghề cá hiện nay. Đồng thời, tổ chức cuộc họp với hội viên, có sự tham gia của đại diện phái đoàn để cập nhật thông tin cho doanh nghiệp cũng như giúp doanh nghiệp yên tâm trong việc xuất khẩu hải sản sang EU.
VASEP cũng tổ chức các đợt khảo sát về tình hình chống khai thác bất hợp pháp tại một số tỉnh miền Trung và đưa ra nhiều đề xuất giải pháp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất chỉ đạo chung cho ngành trong thời gian tới...
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã và đang triển khai các giải pháp cấp bách tới ngày 23/4/2018, trong đó tập trung xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản năm 2017; trình Nghị định thay thế Nghị định 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 và Nghị định số 41/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, trong đó quy định cụ thể, đầy đủ các hành vi, mức xử phạt và hình thức xử phạt bổ sung đối với khai thác IUU đã được quy định trong Luật Thủy sản 2017.
Hướng dẫn các địa phương về giải pháp cấp bách có tính kỹ thuật để kiểm soát hoạt động thủy sản tại cảng; hướng dẫn 28 tỉnh ven biển xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nghề cá theo hướng tích hợp các thông tin về tàu cá, giấy phép khai thác, nhật ký khai thác và sản lương lên bến để quản lý nghề cá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác; ban hành kế hoạch tổng thế về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá khai thác thủy sản trên biển và tại cảng cá theo mẫu của EC.
Bên cạnh đó, phê duyệt quy hoạch khai thác hải sản xa bờ đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030, ban hành văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh ven biển kiểm soát số lượng tàu cá đóng mới theo quy hoạch; tăng cường kiểm tra, giám sát sản phẩm, nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam để tái xuất sang EU; tăng cường hợp tác quốc tế đa phương, song phương, đặc biệt là với quốc gia thứ ba ,à tàu cá và ngư dân ta có hoạt động khai thác hải sản; tiếp tục đàm phán với EC về khắc phục thẻ vàng; đẩy mạnh tuyên truyền về khai thác IUU.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau khi Việt Nam bị thẻ vàng đã có 16 tàu, với 118 ngư dân các tỉnh vẫn tiếp tục vi phạm vùng biển các nước khai thác hải sản bị bắt giữ, xử lý.

Do đó, Bộ Nông nghiệp yêu cầu 28 tỉnh, thành phố ven biển khẩn trương triển khai quyết liệt Công điện và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; chấm dứt hiện tượng ngư dân và tàu cá khai thác IUU tại vùng biển nước ngoài; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, xử lý, điều tra các hành vi vi phạm khai thác IUU theo quy định../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục