TP.HCM ưu tiên xây dựng 4 trung tâm trụ cột trong Đề án đô thị thông minh

18:23' - 05/01/2018
BNEWS Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đã chọn 3 đơn vị thí điểm Đề án xây dựng đô thị thông minh là quận 1, quận 12 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung hình thành 4 trung tâm trụ cột của Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025” và triển khai ngay trong năm 2018, trước mắt ưu tiên xây dựng kho dữ liệu dùng chung.

Nội dung trên được Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh tại phiên họp Ban điều hành Đề án diễn ra chiều 5/1.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, kho dữ liệu dùng chung rất quan trọng, bởi những tính toán trong Đề án phải dựa trên cơ sở kho dữ liệu này. Đây là nền tảng để triển khai các nội dung khác như mô phỏng, dự báo, điều hành...

Ông Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị, các ngành và địa phương phải đưa nội dung công việc thuộc Đề án vào nhiệm vụ triển khai kinh tế - xã hội trong năm 2018 để thực hiện cho tốt. Trong quá trình triển khai, phải đảm bảo hạ tầng thống nhất, đạt chuẩn về kỹ thuật và khung công nghệ.

Đề án xây dựng đô thị thông minh của Thành phố tập trung vào bốn trụ cột là xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, Trung tâm mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội, Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm An toàn thông tin thành phố. Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đã chọn 3 đơn vị thí điểm Đề án xây dựng đô thị thông minh là quận 1, quận 12 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tùy theo nhu cầu của từng khu vực, các nội dung thí điểm có thể bao gồm xây dựng trung tâm điều hành (về giao thông, an ninh trật tự) cùng các cơ sở dữ liệu…

Các kết quả triển khai thí điểm phải đảm bảo khả năng tích hợp, chia sẻ với các Trung tâm được hình thành sau này nên phải lưu ý tính tổng thể, khớp với kế hoạch chung và khung công nghệ của Thành phố...

Ông Dương Anh Đức cũng nêu rõ: Cơ sở dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị khai thác dữ liệu. Hiện nay Thành phố chưa có hạ tầng và cơ chế khai thác nhưng có thể tận dụng cơ chế đặc thù (Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh) để thực hiện.

Trong khi đó, Trung tâm An toàn thông tin sẽ tổ chức theo mô hình công ty cổ phần, có cơ chế chính sách đãi ngộ cho các chuyên gia giỏi phục vụ ngành công nghệ thông tin.

Đối với kho dữ liệu dùng chung, theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố, dữ liệu về dân cư phải có trước để có thể cung cấp dữ liệu công trực tuyến; thứ hai là bản đồ nền địa hình và địa chính nhằm dự báo về giao thông, cấp thoát nước. Ngoài ra, để thực hiện tốt công tác dự báo, cần có các dữ liệu về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu người nộp thuế, dữ liệu xuất nhập khẩu…

Hiện Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố cũng đang lập kế hoạch xây dựng Trung tâm mô phỏng nhằm phân tích dự báo ngắn hạn và dài hạn các vấn đề cơ bản như năng lượng, giao thông, môi trường. Trước mắt trong năm 2018, Trung tâm sẽ ưu tiên cho thông tin dữ liệu, số liệu liên quan về kinh tế - xã hội và giao thông./.

>>> Năm bản lề xây dựng đô thị thông minh Tp. Hồ Chí Minh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục