Tổng thống Trump cài số lùi trong quan hệ Mỹ - Cuba

05:30' - 24/06/2017
BNEWS Khoảng 30 tháng sau khi người tiền nhiệm Barack Obama bắt đầu tiến trình phá băng lịch sử với La Habana, vị Tổng thống xuất thân tài phiệt đã “cài số lùi” cho tiến trình cởi mở này.
Tổng thống Trump cài số lùi trong quan hệ Mỹ - Cuba. Ảnh: Reuters 

Theo bình luận của tờ El País, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định mang cái lạnh tới Cuba. Ông Trump đã đặt giới hạn cho việc đi lại của công dân Mỹ tới Cuba, cấm hoạt động kinh doanh với Tập đoàn quản lý doanh nghiệp (GAESA) của quân đội Cuba và quay về với logic của cây gậy. “Một chính sách mới đã ra đời. Tôi đã hủy bỏ thỏa thuận của Obama. 

Chúng ta sẽ không ủng hộ sự độc quyền quân sự đang bóc lột người dân Cuba”, ông Trump tuyên bố trong một sự kiện được coi là thắng lợi một phần của phái cứng rắn được các thế lực tài phiệt gốc Cuba “bài Castro” tài trợ.

Ông Trump luôn là không thể nói trước trong mọi chuyện, nhưng kết quả, như thường thấy với ông, là bất thường và không trọn vẹn. Bất chấp sự ồn ào “đao to búa lớn” trong vài diễn văn của ông, việc đảo ngược quan hệ không mang tính toàn bộ, khi các bước tiến lớn nhất trong quan hệ song phương trong 2 năm qua vẫn được duy trì.

Đại sứ quán tại hai nước vẫn được mở, các tuyến bay thương mại và các tuyến du lịch tầu biển vẫn tiếp tục, và chính sách “chấn ướt, chân ráo” từng cho phép công dân Cuba nhập cảnh vào Mỹ không cần thị thực không được vãn hồi.

Tuy vậy, cú ra đòn này cũng không hề nhẹ. Những ngày tháng “ngành ngoại giao lớn” đã chấm dứt, trò chơi cân bằng đầy tinh tế mà ông Obama triển khai, những tiếp xúc bí mật với Tòa thánh Vatican, cái bắt tay chào hỏi giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Cuba Raúl Castro tại Panamá đã trở thành quá khứ.

Với ông Trump, Cuba sẽ trở lại thời kỳ chạy giữa các làn đạn, khi bất kỳ bước tiến song phương nào đều bị Washington ràng buộc những điều kiện dân chủ- nhân quyền. 

Điểm cốt lõi trong kế hoạch của ông Trump là ngăn cản luồng tài chính chảy vào Chính phủ Cuba. Để đạt được điều này, ông đã ra lệnh cấm, ngoại trừ một số ngoại lệ về hàng không và hàng hải, tất cả giao dịch thương mại với khối an ninh- quốc phòng của Cuba, trong đó đơn vị bị thiệt hại nhất là GAESA, cánh tay kinh tế của các lực lượng vũ trang và tình báo của Cuba hiện đang kiểm soát 60% nền kinh tế đất nước.

Doanh nghiệp khổng lồ này có vô số các sợi dây liên hệ về vốn từ khách sạn, các đơn vị xuất nhập khẩu, siêu thị, cửa hàng quần áo, dịch vụ nhận kiều hối, quán ăn, dịch vụ tàu thuyền du lịch, ngân hàng và cho thuê bất động sản… 

Trên thực tế, việc xiềng xích thương mại với GAESA cũng sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động kinh tế của Cuba, từ thành phần quốc doanh cho tới các doanh nghiệp nhỏ, vì có lẽ hiếm có ngóc ngách nào trong nền kinh tế Cuba không có tác động của tập đoàn này.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ đối với hoạt động kinh doanh của mình, song giới phân tích cho rằng “nạn nhân” chịu ảnh hưởng lớn nhất của quyết định mà Chính quyền Trump đưa ra chính là người dân Cuba.

Chuyên gia Michael Shifter, hiện làm việc cho tổ chức nghiên cứu Diễn đàn Liên châu Mỹ ở Washington, được hãng tin AFP dẫn lời nói: “Tác động đối với các doanh nghiệp Mỹ sẽ không lớn. Tuy nhiên, đối với nền kinh tế Cuba, trong đó có khu vực tư nhân, thay đổi này là một thiệt hại vô cùng lớn”.

Thay đổi quan trọng khác liên quan tới việc đi lại của công dân Mỹ tới Cuba. Cho dù hoạt động du lịch tới đảo quốc Caribe này vẫn bị cấm dưới thời Chính quyền Obama, nhưng các chuyến đi của người Mỹ tới “đất nước hình chiếc chìa khóa” tại Caribe đã tăng vọt nhờ vào việc nới lỏng kiểm soát 12 phân loại chuyến đi được phép tiến hành tới Cuba, bao gồm từ thăm thân cho tới các dự án nhân đạo hay hoạt động văn hóa. 

Sự dễ dãi về hành chính đã tới mức gần như việc bảo đảm mục đích chuyến đi trong 12 loại trên chỉ phụ thuộc vào chính người lữ hành, và trên thực tế, gần như bất cứ người Mỹ nào nếu muốn đều có thể tới thăm Cuba.

Kết quả của biện pháp nới lỏng này tới ngay tức thì: trong 5 tháng đầu năm 2017 đã có 285.000 lượt người Mỹ thăm Cuba, bằng cả năm 2016- vốn cũng đã tăng mức 3 con số so với năm trước đó.

Để “làm nguội” hoạt động đang nở rộ này, ông Trump sẽ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn với việc cấp phép các chuyến đi tới Cuba và sẽ loại bỏ một trong những hạng mục vốn được sử dụng phổ biến nhất là giao lưu “từ nhân dân tới nhân dân”, từng cho phép công dân Mỹ có thể đến Cuba trên danh nghĩa cá nhân với “động cơ học hỏi”. 

Tuy vậy, ông vẫn duy trì một mảng quan trọng khác là các chuyến thăm thân của kiều dân Cuba tại Mỹ, vốn đóng vai trò cơ bản cho việc chuyển kiều hối (do cấm vận nên gần như kiều hối từ Mỹ về Cuba chỉ được gửi qua đường “xách tay”) và là nguồn sống cho các hoạt động kinh doanh tư nhân tại Cuba. Những chi tiết kỹ thuật của các biện pháp gây sức ép này sẽ được triển khai trong các tuần và tháng tới.

Sự đổi chiều chính sách này đáp ứng lợi ích bầu cử của ông Trump. Khi mới là ứng cử viên Tổng thống sơ bộ, nhà tỷ phú này từng tuyên bố ủng hộ việc phá băng quan hệ song phương, nhưng khi càng cần những lực lượng để đấu tranh trên hòm phiếu với bà Hillary Clinton, ông càng ngả về phe cứng rắn để tìm kiếm sự ủng hộ từ các thế lực chống đối Chính phủ Cuba, dù là thiểu số nhưng có tiềm lực tài chính và ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ tại bang chiến địa Florida. 

Bên cạnh đó, hai trong số các nhân vật diều hâu nhất của các chính trị gia gốc Cuba, các thượng nghị sĩ Marco Rubio và Mario Díaz-Balart, lần lượt là thành viên của các Ủy ban Tình báo và Chuẩn chi tại Thượng viện Mỹ, hiện đóng vai trò rất quan trọng trong kế hoạch cầm quyền của ông Trump.

Để “trả công”, Tổng thống Trump không chỉ đưa ra lập trường cứng rắn trong quan hệ song phương mà thậm chí còn quay lại với các trận chiến ngoại giao tại Liên hợp quốc- một bước đi có tiếng vang nhưng lại không làm ông hao hụt nhiều, xét tới quy mô kinh tế khá nhỏ của Cuba.

Điều tra của tờ MotherJones (Mỹ), Washington Examiner cho thấy tháng 2/2017, Hội đồng An ninh Quốc gia (ANQG) Mỹ bắt đầu khởi động việc xem xét lại chính sách ngoại giao với Cuba theo chỉ thị của ông Trump. Tiến trình này có sự tham gia của nhiều bộ, ngành và đích danh hai nghị sĩ Marco Rubio, Mario Diaz-Balart. 

Đây là điểm thông thường, vì mỗi khi có sự chuyển giao quyền lực lãnh đạo, Nhà Trắng luôn thực hiện việc rà soát chính sách. Sau khi hoàn tất báo cáo đánh giá, đại diện của các cơ quan hữu quan gồm Bộ Thương mại, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ An ninh Nội địa cùng một số đầu mối đặc trách đã nhóm họp chính thức vào đầu tháng 5/2017. 

Chính quyền Cuba đã có những phản ứng tuy gay gắt nhưng vẫn rất thận trọng và kiềm chế trước thông tin này. Trong thông cáo ngày 16/6, La Habana “nhắc lại lập trường sẵn sàng đối thoại một cách trọng và tiếp tục hợp tác về các vấn đề cùng quan tâm với Mỹ”.

Thông cáo khẳng định Cuba và Mỹ đã chứng tỏ trong hai năm qua rằng “họ có thể hợp tác và sống cùng nhau một cách lịch sự, tôn trọng những khác biệt và ủng hộ những điều có lợi cho cả hai nước và người dân hai nước”.

Tuy nhiên, Cuba cũng cảnh báo rằng Mỹ “không nên cho rằng Cuba phải nhượng bộ về chủ quyền và sự độc lập của mình, và Cuba cũng không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào như vậy”.

Ông Trump không phủ định toàn bộ chính sách với Cuba của người tiền nhiệm Obama, mà chỉ điều chỉnh một số điểm theo hướng cứng rắn hơn. Nhưng dẫu sao một mùa Đông lạnh giá trong quan hệ Cuba-Mỹ lại về./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục