Thụy Sỹ đón nhận lượng hàng hóa kỷ lục từ Trung Quốc

09:32' - 14/01/2018
BNEWS Năm 2017, Thụy Sĩ đã nhận tổng cộng 14 triệu kiện hàng hóa được chuyển tới từ châu Á, một con số kỷ lục.

Người Thụy Sỹ đang say sưa với các sản phẩm được bán trên các trang web thương mại điện tử Trung Quốc khi năm 2017 nước này đã nhận tổng cộng 14 triệu kiện hàng hóa được chuyển tới từ châu Á, một con số kỷ lục.

Năm 2015, khoảng 6 triệu kiện hàng hóa từ châu Á - chủ yếu từ Trung Quốc - đã được vận chuyển tới Thụy Sỹ. Như vậy, trong vòng 2 năm, con số này đã tăng hơn gấp đôi, theo thống kê từ ngành Bưu điện Thụy Sỹ.

Giá cả hàng hóa rất hấp dẫn, chi phí chuyển hàng thấp thậm chí không tốn phí chuyển hàng là những điều lý giải cho sự thành công của hàng hóa Trung Quốc tại Thụy Sỹ.

Cho đến cuối năm ngoái, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) vẫn coi Trung Quốc là quốc gia đang phát triển. UPU xác định số tiền mà một quốc gia nhận từ một quốc gia khác cho việc gửi thư tín và bưu kiện. Là một nước đang phát triển, Trung Quốc đóng góp ít hơn so với các nước phát triển.

Kết quả là chi phí gửi một kiện hàng từ Trung Quốc đến Thụy Sỹ rẻ hơn chi phí gửi hàng từ Thụy Sỹ. Và việc xử lý các kiện hàng từ Trung Quốc không mang lại nhiều lợi nhuận cho ngành bưu điện, theo nhận định của Bưu điện Thụy Sỹ từ năm 2016.

Trang web Aliexpress, thuộc Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, là một trong số các trang web của Trung Quốc đã chinh phục được khách hàng Thụy Sỹ. Aliexpress vận hành như một thị trường cung cấp phụ kiện điện tử, quần áo hoặc đồ trang sức. Tất cả hàng hóa đều ở mức giá của Trung Quốc.

Năm 2017, Aliexpress đã gia tăng gấp đôi doanh thu tại Thụy Sỹ, đạt con số 280 triệu franc, theo một ước tính của Carpathia, công ty tư vấn thương mại điện tử tại Zurich (Thụy Sỹ). Tuy nhiên, thành công của Aliexpress không làm hài lòng tất cả mọi người.

Hiệp hội Bán hàng từ xa Thụy Sỹ (ASVAD) chỉ ra "những điều kiện bán hàng tốt hơn đáng kể" được dành cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Theo Patrick Kessler, người đứng đầu ASVAD, sự bùng nổ các bưu kiện hàng hóa Trung Quốc là một mối đe dọa đối với thương mại Thụy Sỹ.

Một lo lắng khác đối với Thụy Sỹ, rất nhiều bưu kiện từ Trung Quốc bị khai man tại hải quan, Stefan Luginbühl, người đứng đầu bộ phận bưu kiện tại Bưu điện Thụy Sỹ, cho biết. Một số người gửi hàng hóa gán cho cho bưu kiện của họ một giá trị thấp hơn giá trị thực tế.

Trong trường hợp dịch vụ bưu chính kiểm soát bưu kiện và phát hiện ra những thông tin khai báo không chính xác, thì phía người nhận phải trả thêm chi phí.

Mỗi năm, Thụy Sỹ thất thoát khoảng 20 triệu franc tiền thuế do cách thức kê khai hải quan không chính xác nêu trên. Nghị sỹ Hạ viện, bà Tiana Angelina Moser (thuộc Đảng Tự do Xanh) nhấn mạnh, tình hình này phải được thay đổi.

Nữ nghị sỹ này vừa đệ trình một đề nghị yêu cầu Hội đồng liên bang Thụy Sỹ (Chính phủ) thực hiện các biện pháp đấu tranh chống lại những kê khai hải quan thiếu chính xác từ các doanh nghiệp thương mại trực tuyến.

>>>Ngân hàng Thụy Sĩ 10 năm sau khủng hoảng tài chính

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục