Thưởng Tết cao nhất khối doanh nghiệp dân doanh ở TPHCM là 855 triệu đồng

19:34' - 01/02/2018
BNEWS Mức thưởng Tết Dương lịch bình quân là gần 1,2 triệu đồng/người, bằng 91,9% so với năm 2017.
Thưởng Tết cao nhất khối doanh nghiệp dân doanh ở TPHCM là 855 triệu đồng. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Theo thông tin từ Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính đến 17/1, có 26.829 doanh nghiệp (tương ứng với 3,8 triệu người lao động) có báo cáo tiền lương, thưởng, nợ lương trên tổng số 432.899 doanh nghiệp (tương ứng với gần 13,4 triệu người lao động) đang hoạt động trên cả nước.

Trong đó, có 18.015 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Dương lịch cho hơn 2,1 triệu người lao động (chiếm 67,4% số doanh nghiệp báo cáo) và 25.174 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán cho gần 3,6 triệu người lao động (chiếm 93,8% số doanh nghiệp báo cáo).
Tiền lương bình quân ước thực hiện năm 2017 là 6,6 triệu đồng/tháng, tăng 9,3% so với năm 2016 (6 triệu đồng/tháng).

Trong đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ ước thực hiện năm 2017 là 7,9 triệu đồng/tháng, tăng 4,5% so với năm 2016 (hơn 7,5 triệu đồng/tháng).
Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước ước thực hiện năm 2017 là 7,3 triệu đồng/tháng, tăng 4,6% so với năm 2016 (7 triệu đồng/tháng).
Doanh nghiệp dân doanh ước thực hiện năm 2017 là hơn 5,6 triệu đồng/tháng, tăng 3,3% so với năm 2016 (gần 5,5 triệu đồng/tháng);
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện năm 2017 là gần 6,8 triệu đồng/tháng, tăng 13,5% so với năm 2016 (hơn 5,9 triệu đồng/tháng).
Mức thưởng Tết Dương lịch bình quân là gần 1,2 triệu đồng/người, bằng 91,9% so với năm 2017. Trong đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là gần 1,6 triệu đồng/người, tăng 0,4% so với năm 2017 (hơn 1,5 triệu đồng/người).
Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước là hơn 1,5 triệu đồng/người, tăng 7,7% so với năm 2017 (1,4 triệu đồng/người).
Doanh nghiệp dân doanh là 930 nghìn đồng/người, tăng 16,9% so với năm 2017 (798 nghìn đồng/người).
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1,1 triệu đồng/người, bằng 80,8% so với năm 2017 (1,4 triệu đồng/người).
Người có mức thưởng cao nhất tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Thành phổ Hồ Chí Minh là 1,5 tỷ đồng (năm 2017 cũng tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Thành phố Hồ Chí Minh là 1 tỷ đồng).
Về tiền thưởng Tết Nguyên đán, mức thưởng bình quân bằng khoảng một tháng lương (5,5 triệu đồng/người), tăng 13% so với năm 2017 (gần 4,9 triệu đồng/người). Cụ thể, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 5,0 triệu đồng/người, tăng 8,7% so với năm 2017 (4,6 triệu đồng/người).
Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước là 6,2 triệu đồng/người, bằng 84,2 % so với năm 2017 (gần 7,4 triệu đồng/người).
Doanh nghiệp dân doanh là 5 triệu đồng/người, tăng 20,6% so với năm 2017 (4,2 triệu đồng/người).
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là gần 5,7 triệu đồng/người, tăng 16,0% so với năm 2017 (gần 4,9 triệu đồng/người).
Người có mức thưởng cao nhất tại doanh nghiệp dân doanh ở Thành phố Hồ Chí Minh là 855 triệu đồng (năm 2017 cũng tại doanh nghiệp dân doanh ở Thành phố Hồ Chí Minh là 1 tỷ đồng).
Mức thưởng Tết thấp nhất là 20 ngàn đồng/người (tại doanh nghiệp dân doanh ở tỉnh Vĩnh Phúc), bằng 40% so với năm 2017 (50 nghìn đồng/người).
Cục Quan hệ lao động và tiền lương cho biết, hiện vẫn còn một số doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng cuối năm (nhân dịp Tết). Tuy nhiên, theo quy định tại Bộ luật Lao động, tiền thưởng cuối năm cho người lao động do doanh nghiệp quyết định căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động và quy chế thưởng của doanh nghiệp, nên tiền thưởng không phải là khoản tiền mà doanh nghiệp bắt buộc phải trả cho người lao động. Vì vậy, các địa phương đang tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp phối hợp với tổ chức công đoàn tìm giải pháp tiết kiệm các chi phí để chia sẻ, hỗ trợ với người lao động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục