Thương mại điện tử và câu chuyện hội nhập

15:38' - 02/05/2018
BNEWS Với tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam có thể đạt đến 50% trong năm 2020, hứa hẹn sẽ là một mảnh đất màu mỡ dành cho các nhà đầu tư.

Hòa chung với việc hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới qua việc Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA), thương mại điện tử đã mở ra lối đi riêng cho doanh nghiệp Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam có thể đạt đến 50% trong năm 2020, hứa hẹn sẽ là một mảnh đất màu mỡ dành cho các nhà đầu tư.
Thích ứng cùng xu thế
Ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương khẳng định sau 20 năm Internet vào Việt Nam, đến nay thương mại điện tử Việt Nam đang có tốc độ phát triển rất nhanh, hiện diện hàng ngày và ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống không chỉ doanh nghiệp mà cả với người dân.

Doanh nghiệp thương mại điện tử cạnh tranh để thu hút đầu tư. Ảnh minh họa: Bộ Công Thương


Thống kê từ Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho thấy, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ứng dụng internet và công nghệ tăng trưởng nhanh gấp 2,1 lần so với đơn vị không dùng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ thì tăng doanh thu gấp 9 lần so với doanh nghiệp chi dưới 10%.
Đưa ra những xu hướng hiện nay, ông Đặng Hoàng Hải cho biết, một trong những chìa khóa để tăng trưởng xuất khẩu chính trong thời đại công nghệ hiện nay chính là thương mại điện tử.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ nhưng đã tận dụng được mạng xã hội và thương mại điện tử để bán hàng đi nhiều quốc gia, giúp giảm bớt khâu trung gian và chi phí, từ đó đem hàng hóa trực tiếp đến tay người tiêu dùng và đạt lợi nhuận cao nhất.
Các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng từ đó mà phát triển nhanh và lớn mạnh, hòa thêm gam màu sáng cho bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM), Chỉ số thương mại điện tử (EBI) cho thấy mặc dù thương mại điện tử Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển nhanh nhưng chưa thực sự bền vững bởi vẫn còn nhiều rào cản.

Đó là lòng tin của người tiêu dùng vào chất lượng hàng hóa, dịch vụ không giống như quảng cáo và tính bảo mật khi thanh toán qua mạng.
Ngoài ra, hầu hết các trang thương mại điện tử Việt Nam đều đang được xây dựng theo một khuôn mẫu chung, đáp ứng một phần nhu cầu trưng bày hàng hóa, cung cấp tiện ích lựa chọn và thanh toán đơn hàng… mà chưa tích hợp được các dịch vụ cộng sinh cho một quy trình thương mại điện tử khép kín, kết nối điểm bán hàng online và offline.
Không bỏ lỡ cơ hội tại một thị trường được xem là “ngôi sao đang lên”, những “đại siêu thị” online nổi tiếng thế giới như Alibaba hay Amazon cũng đã nhanh chóng khẳng định sự có mặt của mình tại Việt Nam.
Người đứng đầu bộ phận bán hàng toàn cầu của Amazon tại Singapore - ông Gijae Seong nhận định, xu hướng bán hàng xuyên biên giới trong thương mại điện tử sẽ phát triển rất nhanh, có thể đến 30% mỗi năm trong thời gian tới.
Đặc biệt, công ty này không chỉ tự bán hàng của mình mà còn nhận kết nối giữa người bán và người mua, cho thuê chỗ bán hàng trên hệ thống với người bán trên toàn cầu.
Còn theo ông Pierre Cahuzac - Giám đốc vận hành Lazada, trong số 6 quốc gia mà Lazada hiện diện, Việt Nam là thị trường phát triển nhanh nhất, với mức tăng trưởng mỗi năm lên đến 100%. Đặc biệt, năm 2018 hứa hẹn sẽ “là một năm bận rộn” của thương mại điện tử Việt Nam.
Bùng nổ trong tương lai
Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, cho rằng tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam có thể đạt đến 50% trong năm 2020, hứa hẹn là một mảnh đất màu mỡ dành cho các nhà đầu tư.

Những mắt xích quan trọng cần kiên kết chặt chẽ để phát triển thương mại điện tử. Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ Công Thương

Nhận định này của ông Trần Trọng Tuyến hoàn toàn có cơ sở nếu thị trường vẫn thuận theo đà phát triển hiện tại, sự bùng nổ mạnh mẽ của thương mại điện tử là điều không khó đoán trong tương lai.
Theo báo cáo của Hãng tư vấn Nielsen Việt Nam, nếu như toàn cầu sẽ có 4 tỷ người kết nối internet đến năm 2020 thì tại Việt Nam năm 2017 vừa qua đã có gần 53,9 triệu người sử dụng internet. Dự báo con số này sẽ tăng lên đến 59,5 triệu người vào năm 2022, tức chiếm gần 60% dân số.
Bên cạnh đó, công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt cũng tác động không nhỏ đến sự chuyển mình này. Vì thế, có thể tới 30% doanh thu bán lẻ toàn cầu đến năm 2020 sẽ được thực hiện qua các ứng dụng, phần mềm trên máy tính và các thiết bị di động. Đặc biệt, đến năm 2025, nền kinh tế chia sẻ toàn cầu sẽ có trị giá 300 tỷ USD.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) nhấn mạnh, năm 2017, xu hướng bán hàng đa kênh trở nên phổ biến hơn hẳn khi nhiều doanh nghiệp sở hữu cửa hàng online vẫn đầu tư cửa hàng offline và ngược lại.
Thực tế cho thấy, bán hàng đa kênh mang lại trải nghiệm liền mạch thống nhất giữa “thực” và “ảo” cho khách hàng, tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng, đồng thời tạo nên lợi thế cạnh tranh khác biệt so với đối thủ.
Mô hình Omni channel không chỉ thích hợp với các công ty vừa, nhỏ và rất nhỏ (MSME), mà bối cảnh hiện tại bắt buộc doanh nghiệp lớn phải gia nhập “sân chơi thời đại” này.

Có thể thấy hàng loạt nhà bán lẻ danh tiếng trong nước đã và đang đầu tư hệ thống bán hàng trên nền thương mại điện tử như: Lotte Mart, FPT Shop, Thegioididong,… song song với các cửa hàng thực tế.
Ngoài ra, chương trình bán hàng và marketing của các doanh nghiệp phải được thực hiện thống nhất trên cả online và offline.

Động thái này của các nhà bán lẻ truyền thống là cách ứng phó với mối đe dọa từ sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam dự báo mô hình bán lẻ “đơn kênh” sẽ dần bị thay thể bởi bán lẻ đa kênh do sự đòi hỏi của thị trường.
Những đòi hỏi này xuất phát từ bản chất thị trường Việt Nam rất năng động, nhu cầu của người dân liên tục thay đổi, buộc các nhà bán lẻ phải khai thác và đáp ứng kịp thời. Điều này cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam đang có sự dịch chuyển sang xu hướng mua sắm trực tuyến.
Lo ngại trước việc mở cửa thị trường trong xu thế hội nhập các doanh nghiệp nội sẽ bị lép vế, nhiều chuyên gia cho rằng, sự bùng nổ của mạng xã hội là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tận dụng để đẩy mạnh phát triển loại hình mua sắm trực tuyến.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước khi phải cạnh tranh với “gã khổng lồ” đến từ nước ngoài.
Do vậy, các doanh nghiệp phải có chiến lược tiếp cận, tiếp thị, bán hàng tích hợp (cả bán trực tuyến và trực tiếp) mới có thể tiếp cận được với nhiều khách hàng như họ mong muốn.
Ngoài ra, để thu hút khách mua hàng trực tuyến, người bán cần quảng bá sản phẩm trung thực để khách hàng nhận được chất lượng sản phẩm như đã được quảng cáo và cần thiết kế trang web, ứng dụng mua sắm dễ sử dụng.

Đặc biệt, đề cao chữ tín trong kinh doanh, vì với hình thức mua bán trực tuyến, uy tín là điều quan trọng nhất giúp giữ chân khách hàng.
Cùng đó, nhà nước cần thêm chính sách khuyến khích các tập đoàn lớn trong nước đầu tư phát triển thị trường thương mại điện tử, từ đó dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ hơn vì đây là xu hướng tất yếu của cả thế giới.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần đưa ra các chế tài tương ứng với hành vi vi phạm, thừa nhận tính pháp lý cho việc thu thập dữ liệu điện tử bởi cơ quan có thẩm quyền./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục