Thượng đỉnh liên Triều: Mỹ - Hàn tạm ngừng tập trận chung trong ngày 27/4

21:43' - 26/04/2018
BNEWS Hàn Quốc và Mỹ đã quyết định ngừng các hoạt động tập trận quân sự chung thường niên vào ngày diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều (27/4).
Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc quyết định tạm hoãn cuộc tập trận Giải pháp then chốt, theo kế hoạch bắt đầu từ ngày 23/4, trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh liên Triều. YONHAP/ TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 26/4, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo quân đội nước này và Mỹ đã quyết định ngừng các hoạt động tập trận quân sự chung thường niên vào ngày diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều (27/4).
JCS cho biết vào ngày đó, thay vì tiến hành các hoạt động tập trận, quân đội Hàn Quốc sẽ tập trung vào việc thực hiện “hỗ trợ ổn định” cho cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, được tổ chức tại làng đình chiến Panmunjom nằm trên đường biên giới giữa hai miền Triều Tiên.

Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận giả định mang tên "Giải pháp then chốt" ở Hàn Quốc vào ngày 23/4 vừa qua. Theo dự kiến ban đầu, cuộc tập trận này sẽ kéo dài 2 tuần nhưng hai bên đã nhất trí hoàn tất phần 1 của cuộc tập trận vào ngày 26/4.

Thông cáo của JCS nêu rõ: “Giới chức quân sự Hàn Quốc và Mỹ đã quyết định tiến hành phần 1 của cuộc tập trận này đến hết ngày 26/4, cùng nhau kết luận rằng đã đạt được các mục tiêu đặt ra cho cuộc tập trận”. Hai bên dự định sẽ tiếp tục phần 2 của cuộc tập trận này sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều.

Ngoài ra, trên thực tế, hai bên cũng đã kết thúc cuộc tập trận thực binh mang tên "Đại bàng non" được bắt đầu vào ngày 1/4 mặc dù lúc đó JCS thông báo cuộc tập trận này sẽ diễn ra trong vòng 4 tuần. Một quan chức của quân đội Hàn Quốc nói: “Hầu hết các chương trình trong cuộc tập trận Đại bàng non sẽ kết thúc hôm nay”.

Hai nước đồng minh này thường bắt đầu các cuộc tập trận quy mô lớn vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 hàng năm. Tuy nhiên, năm nay họ đã hoãn đến khi kết thúc các hoạt động của Olympic và Paralympic mùa Đông PyeongChang 2018.

Nhiều nhà phân tích cho rằng cùng với việc rút ngắn thời gian huấn luyện và không triển khai các loại khí tài chiến lược của Mỹ như tàu sân bay hạt nhân, quyết định này rõ ràng cho thấy Hàn Quốc và Mỹ đang tìm cách giảm bớt thái độ “lên gân” trong bối cảnh bầu không khí hòa bình đang tràn ngập trên bán đảo Triều Tiên.

Liên quan đến kế hoạch gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, được lên kế hoạch sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, Tổng thống Trump ngày 26/4 cho biết ông đang cân nhắc 3 hoặc 4 thời điểm và 5 địa điểm cho cuộc gặp này.

Trả lời phỏng vấn với kênh tin tức Fox News, Tổng thống Trump cũng không loại trừ khả năng ông sẽ "sớm bước ra khỏi (phòng họp)". Ông nói: "Thậm chí có khả năng cuộc gặp sẽ không diễn ra. Không thể biết được. Nhưng tôi có thể nói rằng vào lúc này, họ (Triều Tiên) muốn gặp mặt".

Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris đã nhất trí duy trì "gây sức ép tối đa" đối với Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết tại cuộc gặp ngày 26/4, hai bên đã khẳng định Bình Nhưỡng cần từ bỏ toàn bộ vũ khí hạt nhân và các chương trình tên lửa đạn đạo một cách "toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược".

Thủ tướng Abe đã đánh giá cao đóng góp của Đô đốc Harris trong việc củng cố quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật và đề nghị ông tiếp tục ủng hộ quan hệ này.

Về phần mình, Đô đốc Harris cho biết: "Quan hệ đa phương Mỹ - Nhật - Hàn và các bạn hữu và đối tác khác trong khu vực nhằm duy trì sức ép đối với Triều Tiên đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định của toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Vị trí Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc hiện vẫn đang bị bỏ trống trước thềm một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.

Một quan chức chính quyền Mỹ ngày 24/4 cho biết Ngoại trưởng được chỉ định Mike Pompeo đã đề nghị cử ông Harris làm Đại sứ tại Hàn Quốc dù ông này đã được Tổng thống Trump chỉ định làm Đại sứ tại Australia.

Ông Harris, sinh ra tại Nhật Bản, có cha là một quân nhân Hải quân Mỹ và mẹ là người Nhật. Ông đã trở thành người Mỹ gốc Nhật đầu tiên đảm nhận cương vị Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ từ tháng 5/2015./.

>>> Những dấu mốc quan trọng tiến tới cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục