Thực hư về khả năng Trung Quốc bị khủng hoảng

06:00' - 20/02/2018
BNEWS Từ nhiều năm qua, các cơ quan tài chính và nghiên cứu về tình hình kinh tế Trung Quốc đều dự báo nền kinh tế nước này sớm muộn gì cũng phải đối mặt với khủng hoảng.
Đồng tiền giấy mệnh giá 100 nhân dân tệ (15,5 USD) tại Bắc Kinh ngày 25/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng tin Reuters mới đây đăng cuộc phỏng vấn ông Sébastien Djaoui, nhân viên môi giới tài chính, thuộc Tập đoàn ngân hàng Nhật Bản Nomura làm việc tại Paris về chủ đề này.
Theo ông Djaoui, khủng hoảng tại Trung Quốc rất ít có khả năng xảy ra, do người Trung Quốc nắm giữ 98% những tài sản có khả năng đem lại thu nhập cho chủ sở hữu (còn gọi là tích sản). Theo thẩm định của Nomura, khủng hoảng xuất phát khi các nhà đầu tư quyết tâm rút một loại tích sản nào đó ra khỏi một quốc gia.
Thế nhưng, hiện tại các nhà đầu tư ngoại quốc chỉ kiểm soát từ 4-5% tích sản trôi nổi trên thị trường nội địa Trung Quốc, gần 2,5% thị trường công trái của Trung Quốc, như vậy là rất ít và khoảng 1,5% tích sản bằng NDT. Hơn nữa, Trung Quốc có phương tiện để hạn chế các luồng vốn đầu tư của nước này đổ ra nước ngoài. Trong năm 2017, tổng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ở nước ngoài giảm 16%.
Thuần túy về mặt tài chính, Trung Quốc không bị áp lực từ bên ngoài cho dù vẫn tồn tại nhiều rủi ro. Chính Trung Quốc sẽ tự quyết định thời điểm cần giảm hoặc đẩy nhanh hoạt động kinh tế. Có thể Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới tự quản lý được tới 95% nền kinh tế của mình.
Trung Quốc làm việc này rất hoàn hảo và đã rút ra được nhiều bài học từ những sai lầm mà Nhật Bản phạm phải trong cuộc khủng hoảng vào cuối thập niên 1990 và kể cả những sai lầm của chính họ, đặc biệt là hồi năm 2015, khi Bắc Kinh để cho thị trường đầu tư lên cơn sốt, rồi quản lý một cách vụng về việc phá giá đồng tiền.
Về vấn đề nợ, Trung Quốc chưa thực sự bắt đầu giảm nợ mà chỉ hãm không cho nợ tăng nhanh. Hơn nữa, nếu hiểu theo nghĩa rộng thì nợ của nước này nằm trong tay các tác nhân nội địa. Do vậy, sẽ không có vấn đề gì nếu như cán cân thương mại vẫn thặng dư và vốn đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc cao hơn số vốn đầu tư ra bên ngoài.
Chỉ số cần ưu tiên theo dõi là khối lượng tiền tệ (M2), tức là thanh khoản sẵn có trong toàn bộ hệ thống tài chính. Hiện tại khối lượng thanh khoản này là khoảng 26.000 tỷ USD, tương đương với tổng số nợ của Trung Quốc.
Đồng thời, Bắc Kinh đang nỗ lực kiểm soát các hoạt động ngân hàng không chính thức, tức là hệ thống tín dụng ngắn hạn phi ngân hàng, bằng cách từng bước tăng lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng nội địa.
Trung Quốc rất ý thức được rằng, tăng trưởng của họ bị chậm lại từ cuối quý III/2017 và đã xử lý vấn đề này bằng cách nhắm vào tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng (cấp tín dụng chính thức, đối lập với việc cấp tín dụng không chính thức phi ngân hàng).
Hiện tại Trung Quốc nhận biết được rằng tình trạng nợ nần của họ là một rủi ro lớn, khiến các nhà đầu tư ngoại quốc lo ngại. Nhưng đồng thời câu hỏi chính đặt ra cho chính quyền nước này trong giai đoạn từ 3-5 năm sắp tới là làm thế nào tài trợ cho cho nền kinh tế để có được tăng trưởng trong tương lai?
Trung Quốc xử lý vấn đề này qua biện pháp “mở cửa bất cân xứng”, có nghĩa là mở cửa một cách chừng mực cho vốn đầu tư nước ngoài vào, nhưng từ đầu 2017, lại cấm một số khoản đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài.
Trung Quốc cũng muốn quốc tế hóa đồng NDT, nhưng không thể làm việc này trong “ngày một ngày hai”, với nguy cơ làm cho con tàu kinh tế của Trung Quốc trật đường ray. Trung Quốc thật sự cần ổn định để tiến hành các cải cách.
Rủi ro thực sự đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn là lĩnh vực bất động sản, loại tích sản duy nhất tác động đến cả mức tiêu thụ, hệ thống tài chính và đầu tư của một quốc gia.

Dù vậy từ năm 2009, tức là từ khi Trung Quốc tung kế hoạch kích cầu để đối phó với khủng hoảng tài chính thế giới, tất cả các nhà đầu tư đều dự báo Trung Quốc sẽ lâm vào một cuộc khủng hoảng địa ốc. Nhưng khủng hoảng đã không xảy ra vì chính quyền đã ngăn cản được việc điều chỉnh giá cả quá mạnh và bởi nhu cầu mua nhà ở Trung Quốc vẫn còn rất cao.
Rủi ro thực sự mà Trung Quốc không làm chủ được, đó là rủi ro ở bên ngoài, ví dụ khủng hoảng ở Mỹ, với tình trạng lạm phát tăng tốc, lãi suất ngân hàng đột ngột tăng mạnh, hoặc xung đột thương mại.
Tuy nhiên, chuyên gia Djaoui lạc quan về viễn cảnh 5 năm sắp tới, do Trung Quốc luôn có khả năng quản lý kinh tế và tiến hành một sự thay đổi cơ cấu guồng máy công nghiệp cũ kỹ để hướng tới công nghệ mới, với quyết tâm xây dựng những tập đoàn hàng đầu quốc gia trong tất cả các lĩnh vực.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục