Thống nhất hệ thống điện Việt Nam – Bài 4: Lần đầu tiên thí nghiệm cấp điện áp 500kV

16:02' - 14/05/2018
BNEWS Thực tế đã chứng minh lần đầu tiên ngành Điện xây dựng hệ thống tải điện 500kV, cũng có nghĩa lần đầu tiên những kỹ sư điện thực hiện thí nghiệm, hiệu chỉnh thiết bị ở cấp điện áp này.
Đấu nối đường dây 220kV. Nguồn: TTXVN

Thông thường, đối với một công trình xây dựng điện nào cũng vậy, những người làm thí nghiệm hiệu chỉnh đều phải chịu một sức ép về thời gian, do thời hạn đóng điện được xác định là mốc hoàn thành công trình được định trước. Phần lớn các công trình, đơn vị xây dựng bao giờ cũng kéo dài và chiếm dụng quỹ thời gian của thí nghiệm.

Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, những người làm thí nghiệm, hiệu chỉnh phải thực hiện những việc có thể làm xen kẽ với người xây dựng được thì phải làm ngay. Ở Công trình Đường dây tải điện 500kV cũng tuân thủ theo quy luật đó.
Đường dây truyền tải điện 500kV là công trình đặc biệt: thiết kế đâu, thi công đến đó. Việc xây dựng và lắp đặt được triển khai đồng thời trên cả 4 cung đoạn với tiến độ thi công rất nhanh, nên tính từ ngày khởi công và sau 2 năm 6 ngày đã bàn giao cho thí nghiệm hiệu chỉnh toàn bộ 4 cung đoạn.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạng mục chưa lắp đặt xong như hệ thống cáp quang, khiến cho việc thí nghiệm hiệu chỉnh thêm khó khăn.
Đối với cán bộ thực hiện thí nghiệm hiệu chỉnh, tuy đã có tích lũy kinh nghiệm về thí nghiệm hiệu chỉnh các công trình điện, nhưng đối với công trình Đường dây 500kV thì còn nhiều bỡ ngỡ. Do vậy, những cán bộ kỹ sư thí nghiệm hiệu chỉnh một mặt phối hợp với chuyên gia Australia, Pháp, mặt khác, các kỹ sư thí nghiệm đã ngày đêm đi hiện trường để học hỏi và tìm hiểu thiết bị.
Mỗi ngày, đội ngũ kỹ sư Việt lấy thực tế và hiệu quả công việc để chứng minh năng lực của mình. Bằng kết quả lao động của mình, các kỹ sư Việt Nam đã làm cho các chuyên gia Pháp, Australia và Đức phải thay đổi sự đánh giá ban đầu, từ chỗ không tin tưởng, không giao việc cho đến việc chấp nhận cho các kỹ sư Việt Nam cùng thực hiện lắp ráp những thiết bị phức tạp. Nhờ đó, tiến độ lắp ráp hiệu chỉnh thiết bị cũng được đẩy nhanh.
Theo kế hoạch đề ra, công việc thí nghiệm sẽ được tiến hành trong 2 tháng. Thí nghiệm nghiệm thu được chia làm 3 giai đoạn: Thí nghiệm với điện áp một chiều; Thí nghiệm với điện áp 15kV và điện áp định mức từng cung đoạn và thí nghiệm với điện áp định mức 500kV sau khi hòa điện.
Giai đoạn thí nghiệm điện một chiều dùng để xác định tên của từng pha và đo điện trở tác dụng của Đường dây trên thực tế. Thí nghiệm này tuy đơn giản nhưng đầy áp lực về tâm lý, bởi nếu không đúng tên pha thì phải thi công lại một số hạng mục và tiến độ hoàn thành vì thế cũng phải kéo dài thêm.

Rất may, kết quả hoàn hảo, các tên pha của cả 4 cung đoạn và các trạm biến áp, trạm bù đều được thi công đúng với thiết kế và điện trở tác dụng đều phù hợp với tính toán ban đầu. Kết quả bước đầu đã củng cố thêm lòng tin của các kỹ sư thí nghiệm hiệu chỉnh để bước vào các giai đoạn sau khó khăn và phức tạp hơn.
Bước sang giai đoạn 2, đưa điện 15kV xoay chiều lên Đường dây 500kV. Để có nguồn điện 15kV với công suất 5MVA, các kỹ sư phải thiết kế, cải tạo và xây dựng một hệ thống cấp điện riêng biệt từ trạm diezen ở Đà Nẵng và 14 km đường dây 15kV để phục vụ cho thí nghiệm.

Phục vụ cho thí nghiệm này, Trung tâm Thí nghiệm điện 2 đã phải chế tạo hàng chục máy biến áp và máy biến dòng chuyên dùng để đưa ra trạm Đà Nẵng lắp đặt trong sơ đồ thí nghiệm.
Với điện áp 15kV, đã tiến hành các thí nghiệm để đo các trở kháng và dung kháng đường dây, thí nghiệm bảo vệ rơ le của 2 trạm biến áp 500kV Hòa Bình và Phú Lâm và đo vị trí số điện trở tiếp đất của từng cung đoạn.
Việc chuẩn bị cho thí nghiệm với điện áp định mức là một khâu rất quan trọng của công trình. Để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện miền Bắc, các kỹ sư đã quyết định tách riêng 4 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình để phục vụ cho công tác thí nghiệm đưa điện áp 500kV lên lưới điện. Muốn có điện áp 500kV lên đường dây, phải nghiệm thu đóng điện và thí nghiệm trạm biến áp Hòa Bình.

Kéo dây đường dây 220kV. Nguồn: TTXVN

Sau khi thí nghiệm thành công ở trạm biến áp 500kV Hòa Bình và đoạn đường dây 500kV Hòa Bình - Hà Tĩnh, các kỹ sư thí nghiệm hiệu chỉnh tiếp tục tiến sâu vào Đà Nẵng, Pleiku. Tiếp sau đó, đóng điện trạm biến áp 500kV Phú Lâm.

Sau khi đóng điện thành công vào 17 giờ ngày 26/5/1994 vào trạm biến áp Phú Lâm, các kỹ sư tiếp tục kiểm tra đoạn đường dây Phú Lâm - Pleiku từ hệ thống phía Nam, kiểm tra đồng vị pha và thứ tự pha để chuẩn bị điều kiện hòa điện giữa hai hệ thống. Kết quả, các pha của hai hệ thống Bắc - Nam đều đồng vị với nhau tuyệt đối.
Sau khi đã phóng thử toàn tuyến đường dây bằng điện áp 500kV và kiểm tra sẵn sàng mang điện của tất cả các trạm biến áp 500kV: Hòa Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Pleiku và Phú Lâm.

Đúng 19 giờ 16 phút ngày 27/5/1994 theo lệnh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hệ thống truyền tải điện 500kV đã được hòa thành công tại trạm biến áp 500kV Đà Nẵng, nối liền hai hệ thống điện Bắc - Nam, đánh dấu một kỷ nguyên mới - thống nhất hệ thống điện toàn quốc.
Còn với riêng những người làm truyền tải điện đã được trở thành những chứng nhân lịch sử của công trình, được tôi luyện trong khoảng thời gian vỏn vẹn hai năm ấy. Những năm tháng hào hùng đã giúp phát triển nên đội ngũ khoa học, kỹ thuật, công nhân kinh nghiệm cho sự nghiệp phát triển và hiện đại hóa ngành điện.
Nếu Đường dây 500kV mạch 1 mang sứ mệnh đổi mới tư duy điều hành của ngành trọng yếu như ngành Điện và tạo cơ sở cho xây dựng mạch 2 rồi tiếp đến là mạch 3, thì những con người tạo nên “đường điện thống nhất” đã trở thành lớp cha, lớp anh, thành niềm tự hào, niềm cảm hứng để những lớp sau tiếp nối sự nghiệp truyền tải điện Việt Nam./.
>>> Bài 5: EVNNPT viết tiếp bản hùng ca

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục