Thống nhất hệ thống điện Việt Nam – Bài 1: Những người trên tuyến lửa

12:58' - 14/05/2018
BNEWS Lịch sử Đường dây 500kV được tạo nên bởi những đội quân xung kích, những con người cụ thể bằng xương bằng thịt. Đó là những người “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Đấu nối Nhà máy điện Vĩnh Tân 4 vào hệ thống điện quốc gia. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam là công trình không chỉ giúp hệ thống điện của 3 miền đất nước thống nhất, đây còn là bước ngoặt quan trọng thể hiện tầm nhìn thời đại trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống điện Việt Nam, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam.

Những kỷ lục được lập nên như về độ dài của đường dây lên đến 1500 km, thời gian xây dựng chỉ có 2 năm… xứng đáng là kỳ tích, là những mốc son trong lịch sử phát triển, xây dựng của ngành điện nói riêng và của quốc gia nói chung.

Lịch sử Đường dây 500kV được tạo nên bởi những đội quân xung kích, những con người cụ thể bằng xương bằng thịt. Đó là những người “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, dù họ ở những cương vị khác nhau hoàn cảnh khác nhau.

Đó là vai trò của Thủ tướng Võ Văn Kiệt người đưa ra chủ trương, quyết định, quyết đoán và là người trực tiếp chỉ đạo để công trình thành công tốt đẹp.

Cùng với một số đồng chí như Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải, Bộ trưởng Thái Phụng Nê, Thứ trưởng Lê Liêm …Tất cả họ đều xứng đáng là những người anh hùng của công trình thế kỷ này.

Còn nhớ Tết Tân Mùi năm 1991 Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp lãnh đạo Bộ Năng lượng; trong đó có Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải, Thủ tướng đặt vấn đề miền Nam thiếu điện, miền Bắc thừa điện, Bộ Năng lượng tìm cách đưa điện từ Bắc vào Nam.

Với cương vị của người đứng đầu chính phủ, Thủ tướng luôn trăn trở: “Việc xây dựng các công trình điện rất tốn kém, khó khăn nhưng nhất định phải làm bằng được vì sự nghiệp đổi mới đất nước, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân”.

Nhận được chủ trương của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng đã nhanh chóng cho triển khai ngay các thủ tục để xây dựng Đường dây siêu cao áp 500kV đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam.

Nhưng thách thức lớn nhất chính là do địa hình đất nước trải dài hình chữ S đòi hỏi Đường dây siêu cao áp 500kV khi thi công sẽ phải lên tới 1.500 km, vượt qua nhiều địa hình hiểm trở, trong lúc đó trên thế giới đường dây dài nhất cũng chỉ từ 700-800 km và phải xây dựng trong 7-8 năm.

Thế nhưng, trong bối cảnh hai miền đang cao điểm “khát điện”, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đặt ra yêu cầu phải hoàn thành được trong khoảng thời gian chỉ bằng ¼ thời gian mà các nước trên thế giới vẫn làm..

Đó là một “mệnh lệnh của thời cuộc”, có người đã ví như để xây dựng được đại công trình này cần có tinh thần của người lính trên chiến trường, chỉ có ý chí, sự quả cảm, hy sinh để tiến lên phía trước.

Dù trong bối cảnh khi đó có không ít ý kiến băn khoăn, trái chiều kể cả phản đối từ cấp trung ương đến các ngành, giới khoa học dưới nhiều góc độ khác nhau như: kinh tế đất nước khó khăn, nguồn tài chính không có nhiều, việc xây dựng đường dây trong 2 năm là điều không tưởng, vừa tốn tiền vừa thiệt hại tài nguyên quốc gia…

Thi công đường dây 220kV Xekaman 1 - Pleiku 2. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Trong việc bảo đảm tiến độ trên toàn tuyến, vai trò chỉ đạo của Thủ tướng, của Bộ trưởng Bộ Năng lượng, của Ban Chỉ huy công trình, Ban Quản lý và lãnh đạo các đơn vị thực hiện hết sức quan trọng.

Ở Bộ giao ban hàng tuần để kiểm tra tiến độ của công trình; trong đó nhiều cuộc họp có Thủ tướng tham dự và chỉ đạo giải quyết kịp thời các vướng mắc.

Có thể nói tầm nhìn thời đại, ý chí kiên định, dám nghĩ dám làm của người đứng đầu Chính phủ chính là yếu tố tiên quyết giúp đặt nền móng, dựng hình hài cho “xương sống” của cả hệ thống điện Việt Nam.

Sau quyết định phê duyệt Luận chứng kinh tế kỹ thuật, mọi công việc, các ngành liên quan đã vào cuộc một cách khẩn trương. Trong đó Bộ Năng lượng là đơn vị trực tiếp và chủ đạo trong xây dựng đường dây.

Để xây dựng Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam, một loạt giải pháp được đặt ra một cách chi tiết và cụ thể; trong đó việc lập tiến độ để triển khai xây dựng công trình, bố trí lực lượng từ khảo sát thiết kế, từ thi công xây lắp, giám sát, thu xếp vốn, kí kết hợp đồng, mua sắm vật tư thiết bị được bố trí một cách chặt chẽ, sắp xếp logic với tốc độ hết sức khẩn trương.

Để thực hiện tổng lực tất cả các công việc cho vừa thiết kế vừa thi công, những nhà khoa học, những chuyên gia, kỹ sư, công nhân đã làm ngày làm đêm, lấy công trường là nhà để đảm bảo tiến độ hoàn thành trong hai năm.

Để đạt được các mốc thời gian 2 năm là chuyện không hề đơn giản. Và trong khoảng thời gian đó, đã có không ít câu chuyện buồn, vui về những người “đứng cùng trong hàng ngũ” xây dựng Đường dây.

Bài 2: Những con người làm nên kỳ tích

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục