Thị trường chứng khoán Việt Nam với những bước nhảy ngoạn mục: Bài 4: Ẩn chứa thách thức

14:09' - 20/12/2017
BNEWS Theo các chuyên gia, năm 2017, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh và xu thế này có thể còn tiếp tục nhờ sự ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng thị trường dự báo vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Thị trường chứng khoán phái sinh. Ảnh: Phạm Hậu-TTXVN

Theo các chuyên gia, năm 2017, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh và xu thế này có thể còn tiếp tục nhờ sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện khung khổ pháp lý về thị trường chứng khoán của Chính phủ và các cơ quan quản lý.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và dự báo vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo TS Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân BizLight thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có những lo ngại nhất định.

“Trường hợp cổ phiếu tốt tăng giá thì không cần phải bàn nhiều nhưng điều đáng lưu ý là có những cổ phiếu không tốt cũng “ăn theo” sự tăng giá của thị trường.

Có rất nhiều mã mà doanh nghiệp kinh doanh lỗ, báo cáo tài chính có vấn đề vẫn tăng giá rất mạnh, đó gọi là sự “méo mó” của thị trường”, ông Tín nói.

Ông Tín cho rằng, nội tại nền kinh tế vẫn còn ẩn chứa nhiều thách thức bên cạnh những tín hiệu lạc quan.

Ví dụ mức lãi suất trung bình 5 năm trở lại đây của Việt Nam cao gấp đôi Trung Quốc và gần gấp đôi Malaysia.

Như vậy chi phí vốn kinh doanh tại Việt Nam rất cao. Điều này tạo ra thách thức lớn cho nền kinh tế, và đó cũng là điểm khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Một ví dụ khác là các quy định về pháp luật của Việt Nam hầu như là đầy đủ, hoàn thiện, nhưng tính thực thi pháp luật còn yếu.

Vấn đề nữa là trong những mã ngành bluechips dẫn dắt thị trường cũng còn có rủi ro.

Đơn cử như trong ngành ngân hàng, lợi nhuận đã quay lại, nhưng mức lợi nhuận quay lại đó chưa có độ chắc chắn.

Sự không chắc chắn này từ việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đã có hiệu lực, nhưng nghị quyết này chỉ giải quyết những khoản nợ được hình thành trước ngày 15/8/2017, còn những món nợ xấu phát sinh sau ngày đó thì vẫn phải áp dụng theo những quy định hiện hành của pháp luật. Đó cũng là một điều khó khăn cho các món nợ xấu phát sinh sau này.

Ông Tín cho rằng, khi lợi nhuận ngành ngân hàng quay lại thì cần phải chắc chắn hơn trước đây và nguồn thu của lợi nhuận trong ngành ngân hàng phải giống như các nước trên thế giới.

Các nước trên thế giới nguồn thu của hoạt động ngân hàng không chỉ dựa vào hoạt động tín dụng mà dựa rất lớn vào nguồn thu từ dịch vụ chiếm tới 80%; trong khi cơ cấu nguồn thu ngân hàng ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại, chiếm tới 80% là thu từ tín dụng và 20% là từ dịch vụ.

Như vậy đã cho vay, đã cấp tín dụng tức là chắc chắn phát sinh nợ xấu, ông Tín cho biết.

Theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Thông tư số 09/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân vốn vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, thì đã có phát sinh nợ xấu ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro.

“Việc trích lập dự phòng rủi ro sẽ “nuốt” vào lợi nhuận của ngân hàng. Tức là 10 đồng lợi nhuận có tới 8 đồng lợi nhuận từ tín dụng. Trong 8 đồng lợi nhuận tín dụng đó phải bỏ ra để trích lập dự phòng, nhiều khi trích lập dự phòng xong chỉ còn 3 đến 4 đồng lợi nhuận”, ông Tín dẫn giải.

Nguồn thu của ngành ngân hàng không bền vững là vậy. Điều này làm cho cổ phiếu ngành ngân hàng đôi lúc trồi sụt, chưa tính cổ phiếu bất động sản cũng ẩn chứa rất nhiều rủi ro vì các doanh nghiệp có lợi nhuận không bền vững.

Ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia cao cấp, chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán MB- MBS cho biết, thị trường hiện tại đã bền vững và khác với bối cảnh thị trường những năm 2007.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán sẽ luôn luôn bị chi phối bới tâm lý lạc quan hay bi quan thái quá.

Ngoài ra, nền kinh tế nào cũng có những chu kỳ, dù chu kỳ tăng trưởng đã được kéo dài hơn rất nhiều trong những năm qua, nên nhà đầu tư chứng khoán trước sau cũng sẽ gặp những đợt giảm giá mạnh của chứng khoán.

Thị trường và nền kinh tế Việt Nam với độ mở cao rất nhạy cảm với dòng vốn ngoại, tỷ giá và lạm phát. Đây là ba yếu tố cần đặc biệt chú ý để có thể nhận biết được các đợt suy giảm của thị trường. Cho tới nay cả 3 yếu tố trên vẫn đang cho các tín hiệu rất tích cực.

Tuy nhiên, mức định giá cao và tâm lý lạc quan của nhà đầu tư có thể tới những điểm thái quá khiến cho thị trường có thể còn những đợt sụt giảm mạnh trong năm 2018, thậm chí có thể kéo điểm số xuống vùng 900 điểm trong năm 2018 vào những thời điểm dòng tiền không được mạnh hoặc do ảnh hưởng bởi những bất ổn của thế giới.

“Tôi cho rằng thời điểm từ nửa cuối tháng 1 tới hết Quý I/2018 có thể là thời kỳ khó khăn của thị trường khi dòng tiền sẽ không được dồi dào và tâm lý chốt lời ăn Tết của nhà đầu tư.”

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, để thị trường cổ phiếu và nhất là nhà đầu tư ngoại nói chung và quỹ ngoại nói riêng tham gia thị trường chứng khoán bền vững thì điều quan trọng là Việt Nam phải kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, đặc biệt là thúc đẩy chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

“Cần phải đảm bảo thị trường, nhất là thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch để giảm thiểu sở hữu chéo cũng như thao túng thị trường”, ông Lực nhấn mạnh

Các cơ quan quản lý cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường chứng khoán và yêu cầu các tổ chức kinh doanh chứng khoán hoạt động minh bạch có quản trị công ty và quản lý rủi ro theo thông lệ.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Bùi Quang tín cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý, cơ chế hỗ trợ để phát triển thị trường chứng khoán và thị trường chứng khoán phái sinh trong thời gian tới./.

Xem thêm:

>>>Thị trường chứng khoán Việt Nam: Bài 3: Liệu kịch bản có lặp lại?

>>>Thị trường chứng khoán Việt Nam: Bài 2: Ngưỡng thử thách

>>>Thị trường chứng khoán Việt Nam: Bài 1: Xu hướng đi lên chưa kết thúc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục