Thị trường Tết ông Công, ông Táo sôi động, giá cả không biến động nhiều

11:43' - 07/02/2018
BNEWS Mặc dù giá cả một số mặt hàng chính yếu phục vụ ngày Tết có tăng, nhưng sức mua đến thời điểm này rất tốt.
Thị trường vàng mã cúng ông Công, ông Táo khá nhộn nhịp. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Ngày Tết ông Công, ông Táo đến gần, thị trường đồ lễ, cúng tiễn Táo quân lên chầu trời càng sôi động. Nhiều tiểu thương tại các chợ cho biết, mặc dù giá cả một số mặt hàng chính yếu phục vụ ngày Tết có tăng, nhưng sức mua đến thời điểm này rất tốt. Không chỉ cháy hàng bán trong ngày hôm nay mà người mua đã đặt trước tiền để lấy hàng trong ngày mai (đúng ngày 23 tháng Chạp).

Khảo sát tại các chợ nội thành Hà Nội như: phố Hàng Mã, chợ Mơ, chợ Hôm, chợ Nguyễn Công Trứ…, các mặt hàng bày bán đầy đủ, phục vụ lễ ông Công, ông Táo như Bộ Táo quân, cá chép giấy, tiền vàng, hoa cúc, hoa hồng…Năm nay, giá cả các đồ hàng mã không có nhiều sự biến động so với mọi năm và so với những ngày thường. Giá bộ vàng mã cúng ông Công, ông Táo, gồm hài, mũ, cá chép dao động từ 40.000 - 300.000 đồng tùy chất liệu và kích cỡ; quần áo từ 10.000 - 25.000 đồng/bộ; ngựa từ 20.000 - 80.000 đồng/con tùy loại; tiền vàng, thỏi vàng thần tài có giá khoảng 25.000 đồng…

Theo anh Xuân Anh, bán vàng mã tại phố Hàng Mã – Hà Nội, giá cả các mặt hàng đồ vàng mã năm nay không có sự biến động nhiều, chỉ nhích nhẹ so với mọi năm vài nghìn đồng. Nhưng lượng tiêu thụ thì tăng khá mạnh so với năm ngoái và so với ngày thường. Đến hôm nay, quầy hàng của anh đã bán được cả trăm bộ và đồ mã phục vụ cúng ông Công, ông Táo. Dự kiến đến hết chiều ngày mai, 23 tháng Chạp, sức mua sẽ còn tiếp tục tăng mạnh.

Bên cạnh đồ cúng vàng mã, cá chép cũng là vật không thể thiếu trong ngày lễ này. Hiện giá cá chép vàng phóng sinh dao động quanh mức 80.000 – 120.000 đồng/kg; cá chép đỏ 150.000 đồng/kg trở lên.

Tại chợ Mơ (Hà Nội), chị Lan Hương đã phải nhập gần 1 tạ cá để bán trong những ngày lễ ông Công, ông Táo, giá cá có tăng nhẹ so với những ngày thường do thời tiết lạnh, vận chuyển xa và nhu cầu càng tăng cao khi càng về sát ngày. Mua cá chép để thả thường mua theo bộ 3-5 con, nhà nào mua nhiều thì bộ 7-9 con về cúng rồi đem thả phóng sinh, nên lượng tiêu thụ cũng khá nhanh trong ngày. Tuy nhiên, giá cả thị trường những ngày này thay đổi từng ngày, tùy theo thời tiết, nguồn hàng và sức mua. Nhiều người nội trợ để lo thả phóng sinh vào đúng ngày 23 tháng Chạp đã đặt tiền trước để có cá đẹp cúng. Chị Lan Hương cho biết, nếu bán hết khoảng 1 tạ cá dịp này, chị cũng thu lời lên đến 20 triệu đồng.

Cá chép được bán tại các chợ phục vụ cúng ông Công, ông Táo. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Ngoài đồ vàng mã, cá chép thì mâm cỗ cúng Tết ông Công, ông Táo cũng được nhiều gia đình coi trọng, do vậy, các mặt hàng như gà, xôi, thịt lợn, các loại hoa cũng khá đắt hàng.

Hiện các mặt hàng hoa tại các chợ được bày bán nhiều và sôi động nhất. Giá hoa từng loại cũng đã tăng nhẹ so với ngày thường, nhưng lượng mua được đánh giá là khá tốt. Giá hoa hồng ở mức 10.000 - 12.000 đồng/cành, đắt hơn ngày thường 5.000 đồng/cành; hoa cúc 7.000 - 8.000 đồng/bông, cúc nhỏ từ 25.000-30.000 đồng/bó, tăng 3.000 - 7.000 đồng so với ngày thường; chuối xanh có giá 30.000 - 40.000 đồng/nải, xôi lễ 30.000 đồng/đĩa.

Giá gà tại chợ đang có mức tăng mạnh nhất tăng 20.000 - 30.000 đồng/kg. Gà lông có giá 130.000 đồng/kg, gà làm sạch giá 170.000 đến 180.000 đồng/kg…

Mặc dù giá có tăng nhẹ, nhưng gà và hoa vẫn được tiêu thụ tốt. Chị Thu, tiểu thương bán gà tại chợ Mơ cho hay, giá gà năm nay không tăng nhiều so với cùng thời điểm năm ngoái, nhưng đã tăng nhiều so với ngày thường, bởi năm nay lượng gà đẹp phục vụ mâm cúng ít, trong khi sức mua lớn.

Tiểu thương làm gà tại chợ Mơ - Hà Nội. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

Chỉ trong sáng nay (7/2, tức ngày 22 tháng Chạp), chị đã bán được cả chục con gà lông, còn lại lượng khách đặt gà làm sạch đến mai lấy thì cũng đã lên đến gần 20 con. Càng sát giờ cúng, lượng khách mua gà càng nhiều, gia đình chị phải nhờ thêm anh em trong họ hàng để làm gà hỗ trợ. Dự kiến, dịp lễ ông Công, ông Táo này, gia đình chị bán được 70-80 con, thu lãi khoảng hơn chục triệu đồng.

Theo truyền thuyết, cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo Quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người. Do đó, trong quan niệm của người Việt, ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.

Với mong muốn Thần Bếp sẽ “phù hộ” cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người ta lại làm lễ tiễn đưa Táo Quân chầu trời một cách long trọng…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục