Theo dòng thời sự: Đừng chờ “nước đến chân mới nhảy”

09:36' - 16/04/2018
BNEWS Hội nghị Mùa xuân năm nay của IMF và WB được dự đoán sẽ bị chi phối bởi một chủ đề nổi bật nhất là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trong bối cảnh cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các đối tác.

Hội nghị mùa Xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) được tổ chức vào tháng 4 hàng năm tại thủ đô Washington, Mỹ, nhằm thảo luận các vấn đề toàn cầu, bao gồm triển vọng kinh tế thế giới, tình hình ổn định tài chính toàn cầu, xóa đói giảm nghèo, việc làm và tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường....

Tuy nhiên, Hội nghị Mùa xuân năm nay, diễn ra từ ngày 16-24/4, được dự đoán sẽ bị chi phối bởi một chủ đề nổi bật nhất là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trong bối cảnh cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các đối tác, đặc biệt là Trung Quốc, đang có xu hướng leo thang, đe dọa dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện.

Quan hệ Mỹ - Trung trước nguy cơ chiến tranh thương mại. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 2018 đánh dấu mốc tròn 10 năm nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nền kinh tế thế giới hiện đang có những tiến bộ tích cực và được dự đoán sẽ tiếp tục đà phục hồi trong 2 năm liên tiếp.

Tuy nhiên, sự phục hồi "chập chững" này có thể bị đảo ngược bởi những hàng rào thuế quan mà một số quốc gia đang dựng lên để trả đũa lẫn nhau. Châm ngòi cho làn sóng nguy hiểm này lại là Mỹ - một trong những thành viên đóng góp tài chính lớn nhất cho IMF.

Với chương trình nghị sự kinh tế theo chủ nghĩa dân túy, chính quyền Mỹ đã cam kết chấm dứt các chính sách thương mại phổ biến đã được thực thi trong hàng thập niên bằng việc đàm phán lại hoặc xóa bỏ các thỏa thuận thương mại, áp đặt thuế quan và hướng về các thoả thuận thương mại song phương.

Bước sang năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc đẩy mạnh mẽ chương trình nghị sự dân túy của mình, với một loạt quyết sách làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác trên thế giới. Ngày 23/3 vừa qua, Mỹ bắt đầu áp mức thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% với mặt hàng nhôm nhập khẩu, với lý do bảo vệ “an ninh quốc gia”.

Dù sau đó, ông Trump tuyên bố cho phép Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia khác hưởng miễn thuế tạm thời trong 40 ngày đối với các mặt hàng thép và nhôm, song EU vẫn rất phẫn nộ.

Các lãnh đạo châu Âu cảnh báo ông chủ Nhà Trắng rằng sẽ có các biện pháp trả đũa nếu Nhà Trắng tiếp tục tạo ra những rào cản vào tháng 5 tới khi thời gian miễn thuế kết thúc. Một cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện giữa hai bờ Đại Tây Dương có nguy cơ xảy ra trong tương lai gần.

“Bóng ma” chiến tranh thương mại càng cận kề sau làn sóng trả đũa căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc. Ngày 3/4, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu trị giá khoảng 50 tỷ USD từ Trung Quốc có thể bị áp thuế bổ sung do Washinton cho rằng Bắc Kinh có các hoạt động thương mại “không công bằng", như "cưỡng ép" các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ.

Đáp lại, Trung Quốc ngày 4/4 đã công bố danh sách 106 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ sẽ chịu mức thuế bổ sung 25% cũng với tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD , trong đó có đậu tương, xe ôtô và hóa phẩm. Căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang khi Tổng thống Trump sau đó yêu cầu Bộ Thương mại nước này xem xét đánh thuế lên số hàng hóa trị giá 100 tỷ USD nhập từ Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại việc hai nước trả đũa lẫn nhau theo kiểu "ăn miếng trả miếng" có thể dẫn tới một cuộc chiến thương mại thực sự với quy mô và thiệt hại khó có thể kiểm soát, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Những căng thẳng nêu trên làm gợi nhớ tới các cuộc chiến bảo hộ thương mại những năm 1930 của thế kỷ 20. Khi đó các quốc gia công nghiệp phát triển sử dụng hàng rào thuế quan và các công cụ khác để ngăn chặn hoặc giảm lượng hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác. Và đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm bùng nổ Chiến tranh Thế giới thứ II.

Cuộc chiến bảo hộ này đã kết thúc khi Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác như IMF, WB hay Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) ra đời và đóng vai trò giữ ổn định nền kinh tế và thị trường toàn cầu.

Một thế giới mới, nơi các hệ tư tưởng, các nền văn hóa khác nhau cùng tồn tại, xuất hiện. Đó cũng là mục tiêu của các nước thành viên tham gia các hiệp ước quốc tế thời kỳ hậu Chiến tranh Thế giới thứ II. Nguyên tắc “công bằng” và “công nhận, tôn trọng lẫn nhau” trở thành giá trị phổ quát.

Khi quá trình toàn cầu hóa trở nên phổ biến, khi các hàng rào về kinh tế, kỹ thuật và hệ tư tưởng ngăn cách các quốc gia với nhau sụp đổ, nền kinh tế thế giới đã tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều này cũng đã khiến cho sự phân hóa giữa các tầng lớp xã hội, hay khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia, bị nới rộng hơn.

Vấn đề này ngày càng trở nên nghiêm trọng, khiến các nước trên thế giới đang chuyển dần sang khuynh hướng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và chủ nghĩa biệt lập. Cử tri Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Tỷ phú bất động sản Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ nhờ khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”. Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đòi đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA)...

Tất cả những động thái này được tuyên truyền là nhằm mục đích khôi phục nền kinh tế nội địa, lấy lại việc làm cho người dân trong nước và giải quyết tình trạng thâm hụt mậu dịch.

Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, các dây chuyển sản xuất, dây chuyền cung ứng hàng hóa có sự liên quan chặt chẽ với nhau, không có nền kinh tế nào có thể một mình tăng trưởng, miễn nhiễm trước những cơn gió ngược từ bên ngoài. Và những biện pháp bảo hộ mậu dịch nhiều nguy cơ sẽ gây phản tác dụng, thay vì đem lại sự thịnh vượng kinh tế như những người chủ xướng chúng kỳ vọng.

Tuần qua, trong bài phát biểu tại Hong Kong (Trung Quốc) trước thềm cuộc họp mùa Xuân lần này, Tổng Giám đốc IMF Chritine Lagarde đã cảnh báo rằng "hệ thống mậu dịch mở cửa dựa trên các quy định và chia sẻ trách nhiệm đang có nguy cơ tan rã".

Bà hối thúc chính phủ các nước "cần tránh xa chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dưới mọi hình thức", nhấn mạnh hệ thống thương mại đa phương đã khiến thế giới thay đổi hoàn toàn khi giúp giảm một nửa tỷ lệ dân số toàn cầu sống trong nghèo đói.

Người đứng đầu IMF nhấn mạnh lịch sử cho thấy các biện pháp hạn chế nhập khẩu làm tổn thương tới tất cả mọi người, đặc biệt là những người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn. Các biện pháp này không chỉ khiến giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ và sự lựa chọn bị hạn chế, mà còn ngăn cản thương mại đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy năng suất và phân bổ các công nghệ mới.

Theo bà Lagarde, cách tốt nhất để giải quyết bất bình đẳng thương mại là sử dụng các công cụ tài chính hoặc cải cách cơ cấu. Chính phủ các nước cần nỗ lực "cắt giảm các hàng rào thương mại và giải quyết bất đồng mà không cần viện đến các biện pháp đặc biệt", cũng như trực tiếp hỗ trợ các nước đang đối mặt với những biến động, có thể từ thương mại hay công nghệ mới, bằng cách tăng cường đầu tư giáo dục và đào tạo.
Hội nghị mùa Xuân 2017 đã kết thúc với thông cáo chung cảnh báo về những nguy cơ do những biến đổi địa chính trị đối với kinh tế toàn cầu, cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ, hạn chế các chính sách tập trung hướng nội để duy trì đà tăng trưởng chung. Một năm trôi qua, những xu hướng chủ nghĩa bảo hộ không những chưa được đẩy lùi mà còn gia tăng một cách đáng báo động.

Dư luận đang kỳ vọng rằng tại Hội nghị Mùa xuân 2018, các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu có thể tìm được tiếng nói chung, hiện thực hóa những cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ. Điều quan trọng bây giờ, như lời Tổng Giám đốc IMF, là các quốc gia phải hành động ngay lập tức để cứu hệ thống thương mại toàn cầu trước khi quá muộn./.

>>>Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang, kinh tế Mỹ có thể gặp khó

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục