Thắt chặt hợp tác thương mại Việt Nam-Liên bang Nga và Belarus

20:33' - 25/06/2017
BNEWS Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Belarus và Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là cơ sở vững chắc để đưa quan hệ phát triển lên tầm cao mới, đáp ứng lợi ích của cả hai bên.

Sau gần một năm Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á- Âu (EAEU) có hiệu lực, hơn 90% các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Nga, Belarus… được miễn hoặc giảm thuế, đồng thời tiếp cận thị trường có hơn 183 triệu dân.

Trước cánh cửa này, các doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng tâm thế để bước vào sân chơi lớn toàn cầu.

Đặc biệt hơn, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Belarus và Liên bang Nga từ ngày 26/6 - 1/7/2017 của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là cơ sở vững chắc để đưa quan hệ phát triển lên tầm cao mới, đáp ứng lợi ích của cả hai bên.

Hợp tác hiệu quả

Thống kê từ Bộ Công Thương, quý I/2017, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Liên bang Nga đã đạt 416,7 triệu USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu sang Nga, chiếm đến 48,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang Nga, đạt 202,5 triệu USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về mức tăng trưởng xuất khẩu sang Nga trong quý I năm nay, đa số các nhóm hàng đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ ngoái; trong đó, đáng chú ý nhất là mặt hàng gạo xuất khẩu sang Nga tăng rất mạnh tới 1.560%, đạt 2,2 triệu USD.

Nhóm hàng máy móc xuất khẩu sang thị trường Nga cũng đạt mức tăng trưởng lớn. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngoài ra, một số nhóm hàng cũng đạt mức tăng trưởng lớn như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 150%; hàng dệt may tăng 142%; xăng dầu tăng 100%; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 282%.

Tuy nhiên, xuất khẩu sắt thép và cà phê sang thị trường Nga lại sụt giảm mạnh với mức giảm tương ứng 76% và 24% so với cùng kỳ.

Theo giới phân tích, Nga vốn là thị trường truyền thống của hàng hóa Việt Nam và “dễ tính” trong khâu tuyển chọn mẫu mã, chất lượng so với nhiều nước châu Âu và một số doanh nghiệp Việt Nam đang hưởng lợi từ ưu thế này.

Hiện thị trường Nga đang rất cần các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thủy hải sản, bánh kẹo, cà phê, rau củ quả và các mặt hàng như dụng cụ y tế, quần áo, giày dép, chăn màn, đồ gỗ… Mặc dù kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nga hàng năm không ngừng tăng nhưng nhu cầu từ phía Nga đối với hàng hóa của Việt Nam vẫn rất lớn.

Theo ông Ivan Gumnikov, đại diện Thương vụ Liên bang Nga tại Việt Nam, sau khi hiệp định này có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam vào Liên minh kinh tế Á – Âu sẽ tăng 50%.

Ngoài ra, FTA này cũng xem xét vấn đề đầu tiên là giảm rào cản thuế quan cho hàng dệt may của Việt Nam, nên nhóm hàng này sẽ đến được người tiêu dùng cuối cùng tại thị trường Nga nhờ lợi thế lớn về ưu đãi thuế quan so với các nước không tham gia FTA này khi xuất khẩu sang Nga.

Ông Ivan Gumnikov cho biết thêm, sản phẩm thế mạnh của Nga là xe ô tô (xe tải, xe khách) cũng sẽ có triển vọng lớn tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, hiện thị trường xe ô tô Việt Nam tương đối bão hoà. Do đó, trước mắt xe ô tô từ Nga xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu theo hạn ngạch (thuế suất 0%) mà Việt Nam cấp.

Hiện các hãng xe của Nga là KAMAZ và UAZ đang đàm phán tích cực để thành lập các liên doanh và đang tiến triển khả quan. Ngoài ra, Nga và Việt Nam cũng đang xúc tiến việc thanh toán bằng đồng nội tệ (đồng rúp của Nga và tiền đồng Việt Nam) và việc này vẫn đang được thảo luận ở cấp độ chuyên gia. Việc thanh toán bằng nội tệ được kỳ vọng giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư tốt hơn giữa hai nước.

Theo ông Anton Tsvetov – Chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu chiến lược Liên bang Nga, mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam nhìn chung phát triển rất tốt đẹp. Trước hết, Hội nghị thượng định Nga - ASEAN được tổ chức thành công.

Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt của Nga trong ASEAN, do đó sự thành công của hội nghị này góp phần củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước. Bên cạnh đó, việc Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) với Việt Nam chính thức có hiệu lực là sự kiện đặc biệt quan trọng.

Bởi vì hiệp định này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Nga và Việt Nam tiếp cận và mở rộng thị trường mỗi nước, từ đó phấn đấu nâng kim ngạch thương mại lên 10 tỷ USD vào năm 2020.

Tuy nhiên, theo ông Anton Tsvetov vấn đề cản trở khiến quan hệ thương mại Việt Nam-Nga chưa tương xứng với tiềm năng là do thiếu thông tin. Các doanh nghiệp Nga cần nhiều thông tin hơn nữa về thị trường Việt Nam và ngược lại.

Cùng đó, Liên bang Nga và Việt Nam cần có chiến lược quảng bá tiềm năng của mình, giúp doanh nghiệp hai nước nắm bắt được cơ hội kinh doanh, tăng cường khả năng hợp tác.

Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý cũng là trở ngại đáng kể đối với phát triển kinh tế - thương mại song phương. Khoảng cách giữa Nga và Việt Nam khá xa nên mất nhiều chi phí vận chuyển, đẩy giá thành sản phẩm tăng cao, làm giảm khả năng cạnh tranh hàng hóa.

Để hạn chế yếu điểm này, ông Anton Tsvetov nhấn mạnh Việt Nam và Liên bang Nga nên đẩy mạnh các dự án hợp tác sản xuất chung trên lãnh thổ mỗi quốc gia. Đặc biệt, Nga vẫn tiếp tục chính sách “xoay trục” sang châu Á, trong đó ASEAN được coi là một trong những trụ cột chính trong chính sách này của Moskva. Đây cũng là kênh rất tốt giúp quan hệ Nga và Việt Nam phát triển trong tương lai.

Mở ra cơ hội

Vụ Thị trường Châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam và Belarus có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác nhiều mặt. Các thỏa thuận quan trọng được ký kết và đã có hiệu lực giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế - thương mại như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu và Nghị định thư Việt Nam - Belarus về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải gắn động cơ trên lãnh thổ Việt Nam tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt 94,5 triệu USD (xuất khẩu 2,5 triệu USD, nhập khẩu 92 triệu USD). Riêng quý I năm 2017 đạt 37,7 triệu USD trong đó xuất khẩu đạt 1,4 triệu USD và nhập khẩu đạt 36,3 triệu USD.

Hàng dệt may Việt Nam được xuất sang Belarus. Ảnh minh họa: TTXVN

Hiện Việt Nam xuất sang Belarus chủ yếu là thủy hải sản, đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, gạo, cao su tự nhiên, hạt điều, lạc, hạt tiêu, gia vị, chè, rau quả đóng hộp, dược phẩm, máy tính... Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Belarus các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị, linh kiện phụ tùng ôtô, máy kéo, ôtô tải, hóa chất...

Hai bên phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á- Âu.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay có khoảng 938 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang Liên minh Kinh tế Á- Âu; trong đó có khoảng 200 doanh nghiệp có kim ngạch lớn, chiếm 90% tổng xuất khẩu, chủ yếu tập trung vào các ngành hàng: thủy sản, cà phê, cao su, chè, gạo, hạt điều, hạt tiêu, dệt may, giày dép, gỗ, bánh kẹo các loại…; số doanh nghiệp còn lại tham gia xuất khẩu nhưng kim ngạch không đáng kể. Rõ ràng, việc "bắt tay" với EAEU sẽ mở ra cơ hội "vàng" với các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.

Song, kèm theo đó là không ít thách thức với các doanh nghiệp, bởi sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng nhập khẩu từ chính EAEU để đứng vững trên "sân nhà".

Tại kỳ họp của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Belarus về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học- kỹ thuật được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Cộng hòa Belarus Vladimir Semashko hài lòng và ghi nhận hợp tác giữa Việt Nam và Belarus về kinh tế- thương mại và khoa học-kỹ thuật đang từng bước được mở rộng, đạt kết quả khả quan.

Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam- Liên minh kinh tế Á-Âu đã có hiệu lực đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, việc FTA giữa Việt Nam - EAEU có hiệu lực đánh dấu một bước ngoặt lớn trong tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam với các nước lớn trên thế giới.

Để tận dụng hiệu quả lợi ích mà hiệp định mang lại, không còn cách nào khác là mỗi doanh nghiệp cần nỗ lực vươn lên, định hình cho mình những chiến lược, giải pháp mới trong việc tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, đủ sức cạnh tranh với các đối tác nước ngoài và trụ vững trên thị trường trong nước.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam và Belarus sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thương mại đầu tư, công nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục và đào tạo nhằm đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục