Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các chủ thể trong nền kinh tế

15:57' - 16/03/2017
BNEWS các giải pháp tạo động lực cho nền kinh tế phát triển đã được đề xuất tại hội thảo cấp quốc gia sáng 16/3 tại Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: TTXVN

"Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam và vai trò của Chính phủ kiến tạo trong việc hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh”, đây là chủ đề của Hội thảo khoa học cấp quốc gia do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức sáng 16/3.

Cũng tại Hội thảo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã công bố ấn phẩm thường niên “Kinh tế Việt Nam 2016: Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và vai trò Nhà nước kiến tạo phát triển”.

Vai trò kiến tạo của Chính phủ, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội

Tại Hội thảo, các đại biểu đã phân tích các thành công, hạn chế trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, nhận diện những cơ hội, thách thức trong năm 2017 và giai đoạn 2017- 2020; phân tích, đánh giá về môi trường kinh doanh, đặc biệt là môi trường và các điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2 thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Đại biểu cũng phân tích vai trò kiến tạo của Chính phủ trong việc khơi thông và tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời gian qua, khuyến nghị cho những năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 và giai đoạn 2016-2020.

Nhận diện những khó khăn và động lực phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong điều kiện có những biến động của các hiệp định tự do thế hệ mới và các vấn đề liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế mới và sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bên cạnh phân tích về thể chế tài chính ở Việt Nam và các khuyến nghị để hoàn thiện thể chế tài chính cho sự phát triển lành mạnh, hiệu quả và bền vững của thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm của Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2020, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra những đánh giá khái quát quá trình thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua cùng các khuyến nghị chính sách để thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020.

Trong Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2016, cùng với việc đánh giá toàn diện thực trạng kinh tế Việt Nam 2016 và triển vọng 2017, Báo cáo đã thực hiện đánh giá chuyên sâu với chủ đề “Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và vai trò nhà nước kiến tạo phát triển”.

Báo cáo tán thành nhận định những mặt tích cực được nêu trong Nghị quyết 23/2016/QH14 của Quốc hội, nhưng cũng nhấn mạnh đến những “khoảng tối” trong bức tranh phát triển kinh tế của Việt Nam: tăng trưởng kinh tế năm 2016 không đạt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra, lạm phát tăng cao hơn nhiều và tăng trưởng thấp hơn nhiều so với năm 2015, thâm hụt ngân sách cao xấp xỉ năm 2015, nợ công đã chạm ngưỡng cảnh báo mất an toàn và báo hiệu những rủi ro vĩ mô đang ngày càng gia tăng.

Báo cáo đã nêu ra những kết quả bước đầu, như hiệu quả tăng trưởng có biểu hiện được cải thiện, tăng trưởng kinh tế vẫn có tác động tích cực đến tiến bộ xã hội.

Báo cáo cho rằng những thành quả của tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian qua còn rất hạn chế, chưa tạo điều kiện để có một mô hình tăng trưởng tốt.

Những đặc trưng mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nếu đứng trên góc độ cấu trúc đầu vào, vẫn mang nặng màu sắc tăng trưởng dựa vào vốn.

Nếu xét theo ngành, vẫn mang đậm nét mô hình tăng trưởng nhờ vào gia công (cả trong nông nghiệp). Xét theo thành phần kinh tế, xuất khẩu và tăng trưởng dựa nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó, khu vực tư nhân vẫn rất yếu kém, sử dụng nhiều lao động năng suất thấp nhất, khu vực nhà nước chưa đóng được vai trò dẫn dắt trong khi khu vực tư nhân chưa đủ sức vươn lên.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có nhiều điểm nghẽn. Ảnh minh họa: TTXVN
Hai phương án tăng trưởng

Những hạn chế của kinh tế Việt Nam năm 2016 được Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Thắng Lợi chỉ ra, đó là cơ cấu ngành chuyển dịch theo xu hướng không tích cực, hoạt động trao đổi hàng hóa xuất nhập khẩu với “chủ lực” chính là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, còn khoảng cách lớn giữa cơ chế chính sách và việc thực thi cơ chế chính sách.

Chia sẻ về mong đợi của người dân đối với chính quyền phục vụ, chuyên gia phân tích quản trị công của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc Việt Nam Đỗ Thanh Huyền nhận định, người dân mong đợi minh bạch hóa thông tin liên quan tới quy trình chính sách ở cả giai đoạn và ba thành tố: đầu vào, quy trình và đầu ra; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, giảm thiểu cấu kết công – tư vì vụ lợi; cung ứng dịch vụ công có chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, xã hội, doanh nghiệp.

Bà Huyền cho rằng, để xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, cần thay đổi tư duy từ quản lý nhà nước sang kiến tạo phát triển, tư duy quản trị, vì lợi ích chung, mục đích chung cho tất cả các bên.

Cơ cấu tổ chức của bộ máy hành chính cần được sắp xếp theo hướng tinh giản, gọn nhẹ; nghiêm túc thực hiện các chính sách đã đề ra, lắng nghe ý kiến và trao đổi, giải trình với người dân thường xuyên, thực hiện theo dõi và giám sát hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp…

Nhìn về triển vọng 2017, Báo cáo đã dự báo hai phương án tăng trưởng với mức 6,0% và 6,6%. Để thực hiện các mục tiêu đặt ra, Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Thắng Lợi cho biết phụ thuộc nhiều vào ý chí quyết tâm và những tính toán khoa học thực hiện những bước đột phá trong hành động từ phía Nhà nước, Chính phủ, đến các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và toàn xã hội.

Với những nhận định trên, Báo cáo nhấn mạnh đến những giải pháp thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cho những năm tiếp theo.

Trước hết là tăng cường đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng lớn và ứng phó được với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó là tăng cường chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, nâng cao chất lượng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thu hút có lựa chọn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng phát triển ngành công nghiệp thế hệ thứ 2, công nghiệp trung nguồn, ngành chế biến chế tạo (dứt khoát không phải là công nghiệp gia công).

Ngoài ra cần tập trung đầu tư mạnh hơn vào các yếu tố nguồn lực chất lượng cao, bao gồm công nghệ và nguồn nhân lực, bảo đảm hiệu ứng tích cực của tăng trưởng đến các khía cạnh xã hội bằng việc thực hiện các chính sách tăng trưởng hài hòa.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, tái cơ cấu đồng bộ, toàn diện các mặt của nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Điều quan trọng nhất hiện nay là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng thực sự cho các chủ thể trong nền kinh tế. Các động lực tăng trưởng kinh tế của năm 2017 là tiềm năng của kinh tế tư nhân, thị trường tiêu dùng trong nước, dòng vốn đầu tư trực tiếp ngoài và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Các điểm nghẽn về mặt thể chế, nếu được tháo gỡ cũng chính là động lực cho tăng trưởng. Cần gỡ các điểm nghẽn về đất đai, chi phí, thể chế, tài chính, nhất là bộ máy hành chính, ông Bảo nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục